Xăng dầu tăng kỷ lục: Doanh nghiệp vận tải chưa kịp 'ngoi' lên đã tiếp tục 'chìm'

(ĐTTCO)-Chưa kịp phục hồi sau dịch COVID-19, doanh nghiệp vận tải hành khách hiện nay đang liên tiếp hứng chịu những "đòn giáng" nặng khi xăng dầu liên tục lập đỉnh kỷ lục trong gần chục năm qua.
Nhiều nhà xe buồn rầu vì lượng hành khách chưa phục hồi sau dịch.
Nhiều nhà xe buồn rầu vì lượng hành khách chưa phục hồi sau dịch.

Doanh nghiệp vận tải hành khách điêu đứng

Giá xăng dầu liên tục "leo thang", trong khi lượng khách vẫn chưa thể phục hồi được như trước dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải kiệt quệ vì thu không đủ chi.

Anh Đào Ngọc Tuấn - Nhà xe Tuấn Duyên (chạy tuyến TP.HCM – Hà Nội) cho biết, lượng khách đi xe hiện nay so với chưa dịch thì chỉ bằng 40%. Trước đây, mỗi chuyến xuất bến thì có vào khoảng 35 - 40 khách, bây giờ xuất bến chỉ có hơn 10 khách với mức giá vé không đổi so với những năm trước.

Điều khiến anh Tuấn lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục leo cao mà không hạ nhiệt thì chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được. Theo lẽ thường, giá nhiên liệu tăng thì khoản để bù vào đó là điều chỉnh giá vé nhưng trên thực tế lượng khách còn quá thấp, việc điều chỉnh lúc này là không khả khi, thậm chí có nguy cơ mất khách.

“Với mức giá dầu khoảng 26.000 đồng/lít như hiện nay thì việc chạy một chuyến xe Sài Gòn – Hà Nội cho cả lượt đi và về, chỉ tính riêng tiền dầu đã là xấp xỉ 30 triệu (khoảng 1.200 lít dầu). Chưa kể, còn phải tốn nhiều chi phí khác như tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, tiền thu phí,…tổng hết chi phí là khoảng 45 triệu. Vì vậy, mỗi chuyến xe xuất bến tôi chỉ mong tiền bán vé đủ chi phí trả nhân công và xăng dầu, có những chuyến xe lỗ phải chấp nhận thôi chứ sao”, anh Tuấn ngán ngẩm nói.

Anh Phạm Thanh Duyên, chủ nhà xe Duyên Hà (chạy tuyến TP.HCM – Đắk Nông), cho biết, dù đang sở hữu 5 đầu xe khách nhưng hiện giờ anh chỉ cho chạy 4 đầu xe, xe còn lại anh cho nằm tại bến để giảm bớt chi phí khi lượng khách vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch.

Theo anh Duyên, hiện nay, một chuyến xe xuất bến từ TP.HCM – Đăk Nông có chi phí là 7 triệu, trong đó tiền dầu chiếm hết gần 5 triệu.

“Nếu chạy trên 7 triệu thì chúng tôi mới mong có dư, có ngày đủ và có ngày hoàn toàn âm, có ngày về âm cả 2-3 triệu cũng có. Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh hơn 30 năm qua, chưa có thời điểm nào mà tôi cảm thấy điêu đứng như hiện nay. Chỉ mong giá xăng dầu có thể ổn định hơn như lúc trước để DN vận tải hành khách sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Duyên nói.

Chưa kịp "ngoi" lên đã tiếp tục bị "dìm" xuống

Ông Nguyễn Lâm Hải, Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông thông tin, hiện nay lượng khách đến bến chỉ đạt bình quân 52% là khoảng 10.000-10.500 khách/ngày, trước dịch là 20.000-21.000 khách/ngày.

"Trong cơ cấu giá thành vận tải thì nhiên liệu chiếm từ 25 – 30%, với mức giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng so với thời gian vừa qua đã gây khó khăn cho DN, trong khi đó lượng khách ở thời điểm này chỉ còn khoảng 52% so với trước dịch nên nhiều DN buộc phải tăng giá vé để bù chi. Ở đợt giá xăng dầu tăng mạnh từ đầu tháng 3 đến nay, bến xe đã nhận được 66 DN gửi kê khai, điều chỉnh giá vé mới", ông Hải nói.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM nhìn nhận: "Hoạt động vận tải hành khách vừa mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng nhưng DN vận tải hành khách “chưa kịp ngoi lên đã lại bị dìm xuống mặt nước” khi xăng dầu tăng giá nhiều đợt và mức tăng lên đến mức cao nhất trong vòng chục năm qua, đây là một "đòn giáng" khá nặng vào khối vận tải hành khách"

Về kiềm đà tăng giá xăng dầu, ông Tính đề xuất Bộ GTVT nên nhanh chóng phối hợp cùng 2 bộ Công Thương và Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội tiếp tục giảm thêm “thuế môi trường” và xem xét giảm thêm cả “thuế tiêu thụ đặc biệt” vì mặt hàng xăng dầu bản chất là mặt hàng thiết yếu dối với ngành vận tải, ngành hải sản và cả với cuộc sống của nhân dân.

Mặt khác, về phía bản thân các DN/HTX trước tình hình nguy ngập này, ông Tính cho rằng cần chủ động tự xử lý bằng các biện pháp quản trị như: “tinh giảm biên chế, tái cấu trúc lại cả bộ máy; đồng thời sử dụng các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chuyến xe chạy rỗng, kết hợp thành 2 chiều, tăng tỉ lệ sử dụng ghế ngồi,...

Các tin khác