Xây dựng lộ trình quản lý homestay

(ĐTTCO) - Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xây dựng một lộ trình với những giải pháp phù hợp để quản lý loại hình du lịch homestay.

Xây dựng lộ trình quản lý homestay
Ông NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: 

Trách nhiệm của ngành du lịch

Để xảy ra thực trạng khó kiểm soát dịch vụ homestay như hiện nay, ngoài lỗi của người chủ kinh doanh, còn do ngành du lịch thiếu kế hoạch để phát triển. Ngành du lịch hoàn toàn không có động thái hay kế hoạch khuyến khích phát triển dịch vụ homestay, nên nhiều người kinh doanh cứ lách để hoạt động, dẫn đến dịch vụ theo kiểu “không ra môn ra khoai”.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát dịch vụ homestay ở nhiều địa phương hiện nay gặp nhiều lúng túng. Về ngành du lịch là đơn vị quản lý dọc, theo luật các đơn vị phải đăng ký kinh doanh, nhưng hầu hết lại không đăng ký, trong khi đó lực lượng chuyên trách còn thiếu. Hiện nay, homestay chủ yếu do các địa phương, xã phường quản lý, nhưng nếu các chủ không treo bảng biển cũng khó quản lý.
Thiếu quản lý dẫn đến không kiểm soát về giá, về chất lượng dịch vụ. Với tốc độ phát triển như hiện nay, thị trường kinh doanh lưu trú sẽ càng bị phá giá và mục tiêu tăng giá dịch vụ lưu trú sẽ càng khó thực hiện với ngành du lịch. 
LS. NGUYỄN MINH LONG, Công ty Luật Dragon, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội: 

Thủ tục đơn giản nên dễ lách

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 48 Luật Du lịch 2017, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là một trong những loại cơ sở lưu trú du lịch và thủ tục đăng ký hoạt động homestay hiện nay tương đối dễ dàng.
Cụ thể, tại Khoản 1.7 Mục 1 Phần II của Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL được sửa đổi bổ sung Thông tư 19/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2007/NĐ-CP, quy định về tiêu chí phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà”.
Tại Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 quy định về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch phải có đủ các điều kiện: có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Theo đó, cá nhân có thể đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú khi đáp ứng điều kiện kinh doanh nêu trên. Nếu chọn loại hình hộ cá thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, trình tự đăng ký được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Theo Nghị định 78, chỉ cần gửi giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Kèm theo bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hay hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
Hồ sơ nộp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện. Chính sự quá dễ dàng cùng với quy định đính kèm giữa hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp, nhiều chủ homestay sẽ lách luật, không đăng ký là doanh nghiệp mà đăng ký hộ kinh doanh cá thể, để tránh phải nộp thuế và nới lỏng quản lý của cơ quan chức năng.
TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương: 

Thành lập doanh nghiệp để dễ quản lý

Các hộ gia đình kinh doanh loại hình homestay, về bản chất đều là doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc hoạt động như doanh nghiệp, vì vậy phải đưa họ vào doanh nghiệp. Hộ kinh doanh được ưa thích vì có thể được đăng ký dễ dàng với thủ tục rất đơn giản và có thể đăng ký ngay tại cơ quan chính quyền cấp huyện, TP.
Các quy định, yêu cầu về việc chế độ kế toán, sổ sách cũng đơn giản. Hộ kinh doanh không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Quan trọng nhất là hộ kinh doanh có thể áp dụng hình thức thuế khoán do vậy mức thuế thực tế phải đóng thường rất thấp. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự hoàn thiện của thể chế thị trường, yêu cầu dần chính thức hóa các hộ kinh doanh cá thể là cần thiết.
Hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (loại hình doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam) là hình thức rất được ưa chuộng ở nhiều nước. Trong khi đó, hình thức doanh nghiệp tư nhân (bản chất là doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ) như quy định trong Luật Doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm 2,47% trong tổng số doanh nghiệp được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp vào năm 2017.
Hình thức doanh nghiệp không có tên trong Luật Doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể lại rất phổ biến và được người dân ưa thích. Homestay cũng là một trong số những loại hình này. Vì thế, để quản lý, phải yêu cầu các đơn vị kinh doanh đăng ký doanh nghiệp.
TS. Hoàng Hữu Phê, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinaconex R&D: 

Nhiều rủi ro

Thực tế đầu tư kinh doanh homestay không được các tập đoàn, công ty lớn mặn mà vì tính rủi ro cao, thu hồi vốn chậm. Đầu tư homestay hôm nay có thể thắng nhưng ngày mai có thể thua, vì đây là loại hình chủ yếu phục vụ khách đi phượt, khách luôn đòi hỏi sự mới lạ, sự trải nghiệm.
Các chủ homestay cũng phải chăm lo cho các hoạt động giải trí của khách, hợp tác cùng các công ty lữ hành để mở các hoạt động thể thao như đi bộ, đạp xe xuyên địa hình, tham quan các vùng hồ. Làm việc với các công ty lữ hành cũng là cách giữ được nguồn khách ổn định và thể hiện sự chuyên nghiệp trong các dịch vụ của mình.
Ngoài ra, họ cũng phải làm việc với cơ quan kiểm lâm để bảo đảm sự an toàn khi khách đi tham quan trong vùng rừng. Chủ trọ cũng phải mua bảo hiểm, xây dựng nội quy để tránh trường hợp tai nạn xảy ra cho khách.

Các tin khác