Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều yếu tố về môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện, trong khi chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn với nhiều hiệp định thương mại quốc tế đang đàm phán. Trong bối cảnh đó, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và các doanh nghiệp (DN) biết khai thác những lợi thế cạnh tranh sẽ vẫn có cơ hội phát triển.
Cơ hội mở ra
![]() |
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 đang tồn tại những vấn đề mấu chốt như sức mua nội địa yếu, tăng trưởng tín dụng thấp, lòng tin còn dè dặt… nên nhìn chung chưa thể có sự cải thiện rõ rệt. Trong 6-7 năm qua, nỗ lực của DN rất mạnh mẽ, nhưng cộng đồng DN lại bị “trói tay, trói chân” bởi mạch máu của nền kinh tế phát sinh nhiều vấn đề. Một trong các điểm nghẽn là các NHTM đã trở thành bình phong để một số đại gia huy động vốn, sử dụng cho các dự án bất động sản mang tính đầu cơ cao của họ.
Khi nền kinh tế có vấn đề, nguồn vốn này trở thành cục nợ xấu. Lãi suất trong những năm 2008-2011 có lúc đẩy lên trên 20%/năm, khiến khoản tích lũy ít ỏi của cộng đồng DN Việt Nam dành dụm trong mười mấy năm vơi hết. Chưa bao giờ cộng đồng DN Việt Nam mong muốn điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định như thời gian qua. Nếu NHNN thiết lập kỷ cương để minh bạch hóa ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Hiện Chính phủ đang quyết tâm cổ phần hóa DNNN, điều này khiến các DN trong nước rất phấn khởi. Bởi nguồn lực quốc gia dồn cho DNNN và họ lãng phí đã gây ảnh hưởng chung đến cộng đồng DN. Vì vậy, cổ phần hóa DNNN là cơ hội để các DN khác tìm thời cơ mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2014, Việt Nam đang đứng trước nhiều sự kiện lớn thông qua các Hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định TPP. Nếu điều kiện của nền kinh tế không tạo được động lực cho cộng đồng DN sẽ mất cơ hội và khó lấy lại được.
Ứng phó thách thức hội nhập
Trong giai đoạn hội nhập, DN cần tìm hiểu để khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN (dự kiến sẽ hình thành vào cuối năm 2015), TPP… Bởi đây là tiền đề quan trọng trong việc mở rộng cánh cửa để các DN Việt Nam tiến vào các thị trường đầy tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Australia… |
Với định hướng điều hành kinh tế vĩ mô là giảm đầu tư công, xử lý tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản, lĩnh vực vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng vẫn phải đối mặt với xu hướng nhu cầu giảm sút.
Theo thống kê của Viện Gang thép Đông Nam Á, năm 2013 Việt Nam là nước có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ tăng nguồn cung sản phẩm, trong khi sức mua nội địa còn yếu, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh đó, các DN còn phải đối mặt với các sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất với hơn 50% sản lượng toàn cầu.
Hiện nay, sự tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng của kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến việc dư thừa nguồn cung sản phẩm thép, các nhà sản xuất đang tìm mọi cách để xuất khẩu sản lượng dư thừa này ra các nước. Điều này dẫn đến các sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập các thị trường, trong đó có Việt Nam, càng làm tăng thêm sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nội địa.
Do vậy các DN thép Việt Nam cần phải tập trung vào lĩnh kinh doanh cốt lõi, đồng thời xây dựng đồng bộ lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, chất lượng sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất bằng quy trình sản xuất kinh doanh khép kín, kiểm soát tốt chi phí qua từng công đoạn để tối thiểu hóa giá thành.
Bên cạnh đó, DN cần thiết lập kênh phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để nắm được lợi thế tuyệt đối. Song song đó, DN cũng cần cơ quan quản lý hỗ trợ trong việc ban hành và áp dụng nghiêm ngặt quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thép. Đây sẽ là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng tràn lan trên thị trường và tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
DN Việt Nam nên tận dụng tối đa ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm, cũng như tận dụng tốt các cơ hội trên thị trường quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu là một miếng bánh khổng lồ nhưng không dễ nuốt. Bởi khi xuất khẩu, các DN Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Trong khi đó các sản phẩm thép của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu tại các thị trường quốc tế và khu vực, do vậy gặp phải những khó khăn nhất định khi phát triển tại các thị trường mới này. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế các nước vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, chính phủ các nước đang có xu hướng thiết lập các hàng rào thương mại thông qua các hình thức chống bán phá giá, tự vệ thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, các DN cần có chiến lược truyền thông và xây dựng thương hiệu sản phẩm tại các thị trường tiềm năng. Điều quan trọng là DN cần kinh doanh chân chính, không bán phá giá sản phẩm, cần chủ động tìm hiểu kỹ về các quy định quốc tế để có sự chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với những động thái bảo hộ thương mại tại các nước nhập khẩu.
Một khi DN đã xây dựng được lợi thế cho mình và có sự chuẩn bị tốt khi bước ra thị trường quốc tế, “phần thưởng” sẽ rất xứng đáng với miếng bánh thị phần vô cùng lớn và đó là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững của DN.
Yên Lam (ghi)