Câu chuyện một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành xi măng, có thị phần lớn nhất khu vực phía Nam, phải kiến nghị nộp thuế bằng xi măng đã trở thành đề tài nóng cả tháng nay. Cùng với đó, các dự án xi măng liên tục kinh doanh thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa nhà máy, lượng hàng tồn kho cao, nợ nần chồng chất đã khiến thực trạng ngành công nghiệp này càng thêm bi đát.
È lưng gánh nợ
Tồn kho, nợ nần chồng chất, ngừng sản xuất, bế tắc đầu ra… là tình trạng quen thuộc của ngành xi măng vài năm nay. Ngoài một số DN còn kinh doanh khá tốt như Vicem, hầu hết DN xi măng đều khốn đốn. Theo số liệu của Bộ Tài chính về kết quả thanh tra 17 dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tính đến đầu tháng 4-2012, giá trị xi măng tồn kho tại 16 dự án lên tới gần 2.000 tỷ đồng.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy lượng tồn kho của ngành xi măng trong 10 tháng năm 2012 tăng 51,3% (xấp xỉ 4 triệu tấn). Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, tồn kho xi măng tính đến cuối tháng 10-2012 là 2,6 triệu tấn.
Bất ổn quy hoạch ở chỗ dự báo tăng trưởng chưa chuẩn, chưa lường những yếu tố bất lợi (như lạm phát, kinh tế suy giảm), dẫn đến tiêu thụ khó, dư thừa nguồn cung. Nếu có giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng, thị trường bất động sản ấm lại, dự kiến sản lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng năm 2011, khoảng 49 triệu tấn, cộng với 8 triệu tấn dự kiến xuất khẩu, tổng sản lượng dư thừa sẽ vào khoảng 10 triệu tấn. Trong khi theo quy hoạch, đến năm 2015 sản lượng xi măng sẽ tăng lên 94 triệu tấn và đến năm 2020 lên tới 129 triệu tấn. Số lượng xi măng thừa khổng lồ này sẽ đổ đi đâu? Ông ĐỖ ĐỨC OANH, |
Không chỉ lượng hàng tồn kho cao, các DN xi măng đang phải đối mặt với những khoản nợ chồng chất. Chỉ tính riêng 16 dự án được Nhà nước bảo lãnh, số nợ cũng đã khiến nhiều người lo ngại.
Đứng đầu top 10 dự án thua lỗ là Xi măng Cẩm Phả lỗ 1.259 tỷ đồng; tiếp đến là các nhà máy Xi măng Hạ Long 1.215 tỷ đồng, Yên Bình 932 tỷ đồng, Hải Phòng 361 tỷ đồng, Đồng Bành (đã phải dừng hoạt động từ quý I-2012) gần 197 tỷ đồng, Sông Thao 173 tỷ đồng, Thăng Long 127 tỷ đồng… Tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng tính đến cuối năm 2011 hơn 1,3 tỷ USD với 16 dự án.
Trong đó, Đồng Bành 45 triệu USD; Thái Nguyên 59 triệu USD (năm 2005); Tam Điệp 133 triệu USD (năm 2000); Hoàng Mai 145 triệu USD (năm 1998)...
Ngoài ra, một loạt dự án khác cũng được cấp bảo lãnh vào năm 2008 như dự án Xi măng Thăng Long 2 với hợp đồng vay của Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Societe Generale và ANZ. Dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2, vay của Ngân hàng Calyon và ANZ…
Với mỗi dự án, Chính phủ nhận được 0,25% phí bảo lãnh trên tổng dư nợ vay, thế nhưng số phí nhỏ nhoi này không thể sánh được với khoản nợ chồng chất của DN hiện nay. Với riêng dự án Đồng Bành, Bộ Tài chính đã phải trả nợ thay 3,5 triệu USD cho ANZ.
Trước đó, tháng 7-2011, với tư cách là người bảo lãnh, Bộ Tài chính đã trả nợ vốn vay đầu tư đến hạn của dự án Thái Nguyên tại Ngân hàng BNP Paribas, với số tiền 4,2 triệu EUR.
Trong một báo cáo gần đây, Bộ Tài chính nhận định trong 3-5 năm tới, Quỹ Tích lũy trả nợ dự kiến phải bố trí 30-40 triệu USD/năm để trả nợ thay cho các dự án xi măng. Dù có quy định DN phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho Chính phủ các khoản tiền đã trả cùng với lãi và tất cả các chi phí phát sinh thực tế liên quan đến khoản vay, nhưng trong bối cảnh DN đang ngập trong nợ nần, hy vọng “đòi nợ” và quyền được bán tài sản thế chấp là dây chuyền công nghệ, nhà máy là hết sức mong manh. Chưa kể những công sức đã bỏ ra đầu tư, nguồn vốn rất lớn đã mất.
Tại anh, tại ả?
Không khó để thấy rằng quy hoạch ngành xi măng đã vỡ toàn diện, từ khâu quản lý, kiểm soát của Nhà nước, sự tính toán của địa phương, cho đến những mức đầu tư siêu đắt đỏ của DN để rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Hơn chục năm trước, các tỉnh đua nhau nhập công nghệ xi măng lò đứng của Trung Quốc - loại công nghệ mà nước này thải ra - và coi đây là "mũi nhọn" trong việc công nghiệp hóa địa phương, để rồi hậu quả để lại đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Chỉ tính riêng dọc Quốc lộ 1, từ Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, tới Nghệ An, có hơn 20 nhà máy xi măng mọc san sát. Hầu như địa phương nào có đá vôi là có dự án đầu tư nhà máy xi măng, thậm chí kể cả khi vùng nguyên liệu không dồi dào. Dự án Đồng Bành có thể coi là một thí dụ.
Ngay từ thời điểm đầu tư, ngành chức năng đã có những cảnh báo về nguy cơ dư thừa nguồn cung xi măng, chưa kể việc đầu tư không đồng bộ giữa nhà máy và nguồn nguyên liệu. Thế nhưng, sau 24 tháng thi công, dự án này vẫn được kỳ vọng “sẽ trở thành trụ cột công nghiệp của Lạng Sơn”.
Ngày khai trương Nhà máy xi măng Bình Phước (thuộc Hà Tiên 1) hoành tráng, nhưng |
Không chỉ sự sục sôi, vội vã của các địa phương trong việc nhanh chóng nâng cao tỷ trọng công nghiệp khiến ngành xi măng lâm vào cảnh bi đát, sự tính toán sai của DN cũng khiến nhiều “ông lớn” trong ngành xi măng điêu đứng. Quay lại chuyện DN kiến nghị nộp thuế bằng xi măng nêu trên, sự ngã ngựa của đại gia Hà Tiên (HT1) khiến không ít người ngạc nhiên. Từ một DN xi măng dẫn đầu thị trường phía Nam, DN này nhanh chóng sa sút.
Tính đến thời điểm 30-6, HT1 là đơn vị có dư nợ lớn nhất trong số các công ty xi măng niêm yết với 11.105 tỷ đồng, trong đó khoảng 6.240 tỷ đồng vay nợ dài hạn để đầu tư cho Nhà máy xi măng Bình Phước, dự án Hà Tiên 2.2 và một số trạm nghiền khác. Dư nợ của HT1 tăng trong vòng 5 năm trở lại đây với tốc độ gấp gần 9 lần, từ mức 1.001 tỷ đồng năm 2007 lên mức 8.920 tỷ đồng vào năm nay.
Hệ quả, chi phí tài chính của HT1 cũng tăng chóng mặt: năm 2011 là 1.036 tỷ đồng, gần bằng lãi gộp 1.470 tỷ đồng và cao gấp 3 lần chi phí tài chính 2010. Đây là bất cập lớn của HT1, bởi sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng khiến áp lực trả nợ dồn dập ngay sau khi nhà máy đi vào hoạt động.
Các khoản vay dài hạn của HT1 thường có thời hạn 10 năm, trong đó 3 hợp đồng vay có giá trị lớn (xấp xỉ hoặc trên 1.000 tỷ đồng) đều là các khoản vay mới phát sinh nên có thời gian đáo hạn khá dài (2017-2021).
Điều tương tự cũng xảy ra ở Nhà máy xi măng Cẩm Phả của Vinaconex. Nhà máy có công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm với tổng đầu tư 6.089 tỷ đồng, mức đầu tư được đánh giá là “siêu” đắt. Sau 3 năm hoạt động, Xi măng Cẩm Phả đã lỗ lũy kế 1.259 tỷ đồng.
Năm 2011, Vinaconex phải trích lập dự phòng 586 tỷ đồng và năm 2012 dự kiến trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào Xi măng Cẩm Phả khoảng 960 tỷ đồng.
Đau đầu tìm cách thoát hiểm
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành. Theo đó, đối với xi măng, sẽ hướng đến phân loại DN xi măng để có các giải pháp phù hợp. Như có thể chuyển giao vốn, hoặc chuyển giao nguyên trạng DN xi măng cho DN khác, chẳng hạn chuyển giao DN làm ăn thua lỗ cho các DN đang có lợi thế như Vicem. Bên cạnh đó, sẽ thoái vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bán vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm sản xuất xi măng. Ông TRỊNH ĐÌNH DŨNG, |
Việc ngành xi măng khủng hoảng thừa cũng bắt nguồn từ cơ quan quản lý. Thời điểm 2005-2006, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế được khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, đã quyết liệt chạy đua đổ vốn vào đây.
Chưa hết, việc cơ quan quản lý để các địa phương, DN “vô tư” bổ sung quy hoạch cũng khiến quy hoạch chung vỡ trận.
Không ít lần Hiệp hội Xi măng Việt Nam và DN than thở về tình cảnh khó muôn bề: đói vốn, đầu ra trong nước bế tắc, xuất khẩu gần như bằng không, nhà máy buộc phải cầm cự bằng cách chạy dưới công suất… Và trong tình cảnh hiện nay, muốn gỡ cũng không phải dễ.
Theo các chuyên gia, thúc đẩy xuất khẩu chỉ mang tính tình thế, còn việc làm đường bằng bê tông xi măng cũng không phải là giải pháp căn cơ vì sản lượng tiêu thụ xi măng không lớn, chưa kể các yếu tố kỹ thuật về giao thông khác.
Vì vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ vẫn phải phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Tức hy vọng nền kinh tế hồi phục, kéo theo tăng trưởng về đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển khu đô thị…
Theo nhiều chuyên gia, việc chuyển giao các DN đang thua lỗ sang cho các DN đang làm ăn khá là cách làm cần xem xét, bởi nếu không cẩn thận, sẽ kéo nhau “chết chùm”. Quy hoạch lại ngành xi măng, tái cơ cấu ngành cần một cái nhìn dài hơi hơn và cách làm quyết liệt hơn chứ không thể tiếp tục vá víu, giải quyết khó khăn trước mắt.