Việc Việt Nam liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu thời gian qua được kỳ vọng trở thành cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu. Song từ kỳ vọng đến thực tế vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Làm sao để kịch bản của WTO không lặp lại đang là thách thức đặt ra, đòi hỏi phải nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ để hóa giải.
Xuất ít, nhập nhiều?
Nói về FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết trong tháng 5, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, cho rằng nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh sau hiệp định này, đặc biệt với nhóm hàng nông sản như tỏi, gừng, mật ong…
“Việt Nam là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, nhưng liệu các doanh nghiệp (DN) có tận dụng tốt được cơ hội này. Bởi lẽ trong các FTA đã ký kết chúng ta nói rất nhiều về cơ hội nhưng nó cứ rơi rụng dần đi” - bà Trang băn khoăn. Nhìn lại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu của chúng ta sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình hình kinh tế 5 năm sau WTO thua xa 5 năm trước đó về nhiều mặt, kể cả tốc độ tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng, xuất nhập khẩu. Trong đó xuất khẩu tuy có tăng nhưng phần tăng mạnh nhất rơi vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thí dụ, năm 2012, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực FDI 33,5% trong khi xuất khẩu trong nước chỉ tăng vỏn vẹn 1,3%.
Một vấn đề cộng đồng DN đã cảnh báo là chính sách không được ban hành đột ngột. Chính vì vậy, việc tham gia đàm phán, ký kết các FTA cần được thông báo sớm, các biện pháp về thuế quan, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, môi trường… cần thảo luận công khai, minh bạch để DN chuẩn bị. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, |
Khi Việt Nam ký kết nhiều FTA, tình hình cũng không có gì thay đổi. Theo đó, xuất khẩu của khối DN FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn khối DN trong nước. Theo thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5-2015 ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 9,4 tỷ USD, tăng 0,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 tăng 9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 1%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 12,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,8 tỷ USD, giảm 2,7%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 44,4 tỷ USD, tăng 12,2%.
Đáng quan ngại hơn, tình hình nhập khẩu của DN trong nước lại lớn hơn khối DN FDI. Cụ thể, nhập siêu tháng 5 ước tính 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập siêu ước tính 3 tỷ USD, tương đương 4,7% kim ngạch xuất khẩu; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,7 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 4,7 tỷ USD. Có vẻ như sau khi các FTA được ký kết, việc nhập khẩu của DN trong nước dễ dàng hơn so với xuất khẩu. Thoạt nhìn, việc nhập khẩu hàng hóa sẽ mang đến lợi ích cho người tiêu dùng vì giá hàng hóa rẻ do thuế giảm mạnh, DN chỉ cần nhập hàng về bán không phải lo quá nhiều thứ khác…
Nhưng sâu xa hơn, nếu cứ tăng nhập khẩu có thể giết chết nền sản xuất trong nước. Vì thế, việc Chính phủ nỗ lực đàm phán, ký kết các FTA cũng nhắm đến mục tiêu giúp các DN xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn, đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao tính cạnh tranh cho DN không chỉ trong khu vực mà còn vươn ra thế giới. Bởi khi ký FTA cũng đồng nghĩa với việc các bên phải mở rộng cánh cửa cho nhau. Song mục tiêu chính ấy lại đang được các DN FDI tận dụng một cách triệt để.
DN thiếu thông tin
Theo một khảo sát được tiến hành bởi tờ báo rất uy tín của Anh, The Economist, tỷ lệ trung bình sử dụng các ưu đãi từ các FTA của DN Việt Nam hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 37%. Khi được hỏi về nguyên nhân hạn chế sử dụng FTA, có đến 52% DN cho biết do điều khoản thỏa thuận phức tạp; 40% cho rằng do thị trường kém hấp dẫn; 38% nói lợi ích không đủ bù đắp khó khăn khi sử dụng các ưu đãi từ FTA; 50% cho biết thông tin về FTA không được công bố đầy đủ.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), chia sẻ dù các hiệp định ảnh hưởng trực tiếp tới DN, nhưng khi được hỏi những người phụ trách đàm phán lại cho rằng nội dung đàm phán cần được giữ kín. Chẳng hạn với đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi bản thân DN được Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) mời đến nói chuyện, cung cấp thông tin về TPP, phía cơ quan Việt Nam lại cho rằng rất bí mật, không thể tiết lộ điều gì. Đến nay, trong rất nhiều FTA Việt Nam đã ký chỉ đàm phán Liên minh thuế quan Á - Âu (vừa được ký hồi tháng 5) có tham vấn ý kiến của DN, còn các FTA khác DN chỉ biết khi đã xong xuôi.
Việc hội nhập là xu hướng tất yếu, các FTA ngày càng trở nên phổ biến. Sẽ không phù hợp để đặt lại câu hỏi có nên đàm phán nhiều FTA không, mà quan trọng hơn là các bên, từ Nhà nước đến DN, người dân đều phải nỗ lực để tận dụng thành công cơ hội từ hội nhập để đất nước phát triển. Ông Lê An Hải, |
Tại một số hội thảo gần đây, nhiều DN tỏ ra băn khoăn về FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) ký kết ngày 5-5, khi phía Hàn Quốc đã tiếp cận được hiệp định này từ khi được ký tắt bằng tiếng Hàn, thậm chí còn được chuẩn bị cả một bộ sách giáo khoa về VKFTA, trong khi phía Việt Nam việc tiếp cận được VKFTA bằng tiếng Việt quá chậm trễ.
Tất nhiên cũng không thể đổ hết lỗi cho các cơ quan nhà nước về việc chưa tận dụng hết các FTA trong đẩy mạnh xuất khẩu, bởi một phần cũng do DN Việt Nam còn khá thụ động trong việc tìm kiếm thông tin cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của nhà nhập khẩu. Theo chia sẻ của nhiều DN, tính phức tạp và số lượng lớn quy tắc trong các FTA chính là rào cản khiến DN còn ngần ngại. Trong khi đó, các DN FDI trong một số lĩnh vực, nhất là dệt may đang đổ những khoản đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam nhằm đón đầu các FTA cũng như TPP.
Không ít sản phẩm của Việt Nam còn thiếu tính ổn định. Cụ thể, với những lô hàng đầu, việc kiểm soát chất lượng làm rất tốt, nhưng những lô sau thường hay có vấn đề và hàng bị trả lại. Đây là lúc cần có ngay các giải pháp giúp DN tận dụng tốt nhất những cơ hội các FTA mang lại. Bởi kể từ năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ ký kết rất nhiều hiệp định quan trọng. Chúng ta không thể cứ mãi đứng nhìn cơ hội vụt mất khỏi tầm tay.
Nỗ lực từ nhiều phía
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong một lần trả lời báo chí mới đây đã thẳng thắn thừa nhận, một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương, là đầu mối về hợp tác kinh tế quốc tế và công tác thông tin tuyên truyền nói chung. Thời gian qua, công tác này đã được triển khai nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Điều này được thể hiện qua các điều tra cho kết quả rằng DN hiểu rất ít những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các FTA.
“Nhiệm vụ đặt ra hàng đầu với chúng tôi lúc này với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế là sẽ phải làm tốt hơn việc tuyên truyền về hội nhập. Một mình Bộ Công Thương chắc chắn không làm được, mà cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thông tin truyền thông” - ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Lâu nay không thiếu những hội thảo nói về các FTA, song hầu hết vẫn còn khá chung chung, trong khi cái DN cần lại rất cụ thể. Chính vì thế, đã đến lúc các cơ quan cần thay đổi nội dung các buổi hội thảo; cần đi vào từng vấn đề chi tiết, cụ thể để hỗ trợ thông tin cho DN trong việc xuất khẩu. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiêp hội DN TPHCM, cho rằng thông tin trên báo chí về các hiệp định rất nhiều nhưng hầu hết chỉ là những thông tin bao quát, chưa đi sâu phân tích những nội dung cụ thể.
Cần có những chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu ở từng lĩnh vực, như vậy mới có thể giúp DN nắm bắt thông tin tốt hơn. Ngoài ra, với những hiệp định đang trong quá trình đàm phán, việc tham vấn ý kiến DN, hiệp hội cần được đẩy mạnh hơn nữa. Sự thiếu thông tin dẫn đến những luồng dư luận thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến tâm lý của chủ DN.
Cần có chiến lược dài hạn, căn cơ cho xuất khẩu gạo. Ảnh: THANH DŨNG |
Đương nhiên, đã đến lúc các DN, đặc biệt là DNNVV cần quen với việc có bộ phận pháp lý để tìm hiểu những thông tin liên quan trực tiếp đến ngành nghề của mình, những yêu cầu về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì không ai hiểu mình bằng chính mình.
Ngoài ra, các DN cũng cần liên kết chặt chẽ với các nhà nhập khẩu nước ngoài để khai thác tốt nhất việc xuất khẩu hàng hóa. Bởi với các FTA thế hệ mới, ngoài các vấn đề liên quan đến thuế quan, còn nhiều vấn đề khác như thể chế, môi trường… và điều này thường chỉ nhà nhập khẩu mới nắm rõ quy định của nước họ như thế nào. Cánh cửa hội nhập đang ngày càng mở rộng, để các DN có thể thực sự ra biển lớn cần chuẩn bị thuyền cho thật tốt.