Nhiều doanh nghiệp (DN) ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu (Franchise-NQTH) để khai thác tiềm năng của thị trường Việt Nam. Trước làn sóng phát triển của các thương hiệu ngoại, thương hiệu nội đang đứng trước áp lực mất thị phần ngay tại nước mình.
Tiềm năng chờ khai phá
NQTH trước nay được nhìn nhận có khởi nguồn tại Hoa Kỳ, nhưng thực tế nó hình thành trước đó tại Trung Quốc với hình thức đầu tư 2-3 điểm bán lẻ tại một số địa điểm khác nhau cùng kinh doanh các sản phẩm giống nhau. Đến thập niên 60-70 thế kỷ trước, NQTH mới bắt đầu bùng nổ và phát triển mạnh ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhượng quyền kinh doanh quốc tế, hiện nay doanh số nhượng quyền kinh doanh trên toàn cầu đạt hơn 1.000 tỷ USD/năm. Tại Hoa Kỳ, hoạt động này chiếm đến 40% tổng mức bán lẻ, với hơn 550.000 cửa hàng.
Thị trường NQTH tại Việt Nam rất giàu tiềm năng do dân số đông, DN năng động và chỉ mới bắt đầu được khai phá. Hiện nay, ngành thực phẩm chiếm hơn 20% thị trường nhượng quyền ở Việt Nam, các ngành khác khoảng 10%. Do đó, các DN trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Ông NGÔ DƯƠNG HOÀNG THAO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ NQTH Việt Nam |
Tuy nhiên, ở Việt Nam, phương thức kinh doanh này mới xuất hiện vào những năm 90. Một trong những thương hiệu đặt chân đến Việt Nam trong buổi đầu là chuỗi cửa hàng gà rán KFC.
Xuất hiện từ năm 1997, KFC chỉ có một cửa hàng duy nhất nhưng đến nay thương hiệu này đã có trên 120 cửa hàng. Song song đó là một số thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng như Jollibee, Lotteria…
Đến đầu năm 2009, khi nước ta chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, làn sóng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài bắt đầu đổ vào Việt Nam, kéo theo sự thâm nhập mạnh của các công ty NQTH.
Khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đã đón nhận sự xuất hiện của nhiều thương hiệu lớn như Gloria Jean’s Coffees, Lotteria, Jollibee, BBQ, Pizza Inn, Pizza Hut, Bud San Francisco, Baskin Robbins với số lượng cửa hàng tăng lên không ngừng.
Theo các công ty nước ngoài, nếu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, các DN này sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí để tìm hiểu và xây dựng hệ thống phân phối. Đồng thời, quy định của Việt Nam đối với các đơn vị bán lẻ 100% vốn nước ngoài vẫn còn rất khắt khe để bảo hộ nền bán lẻ trong nước.
Do đó, nhượng quyền kinh doanh thương hiệu là cách tốt nhất để thâm nhập thị trường mà ít gặp phải rủi ro. Để trở thành đơn vị nhượng quyền thứ cấp cho các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, DN Việt Nam chỉ cần bỏ ra trung bình 300.000-500.000USD.
Với số tiền đầu tư này, bên nhận quyền được thừa hưởng lợi ích từ thương hiệu, kinh nghiệm tổ chức kinh doanh của bên nhượng quyền. Như vậy, NQTH sẽ mang lại lợi ích cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Tuy nhiên, theo ông Sean Ngô, Giám đốc điều hành Công ty Vietnamfranchises, dù thị trường Việt Nam những năm qua đã nhận được sự quan tâm của không ít thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng thực tế các hợp đồng nhượng quyền vẫn chưa nhiều. Tính đến nay Việt Nam mới có khoảng 90 thương vụ nhượng quyền thành công, trong khi Philippines có 400 thương vụ thành công và tại Indonesia có đến 1.200 thương vụ.
Bước tiến của DN ngoại
Có thể nói, 2012 là năm làn sóng các thương hiệu quốc tế được nhượng quyền nở rộ ở nước ta. Trong số đó, các DN đến từ Hoa Kỳ đang dẫn đầu thị trường nhượng quyền tại Việt Nam. Theo dự báo, khoảng năm 2015, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Hoa Kỳ sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện nay. Theo dự kiến của KFC, đến năm 2015, số lượng cửa hàng KFC sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay.
Dù mới gia nhập thị trường với vài cửa hàng, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty Blue Star Food, đối tác độc quyền của nhãn hiệu kem lớn nhất thế giới Baskin-Robbins, trong 5 năm tới công ty sẽ mở thêm 50 cửa hàng.
Wrap & Roll - chuỗi nhà hàng món cuốn Việt Nam |
Các thương hiệu thức ăn nhanh Burger King, Subway sau khi nhượng quyền tại Việt Nam cũng lên kế hoạch mở rộng quy mô cửa hàng thông qua hình thức quản lý trực tiếp lẫn NQTH trong thời gian tới. Hay như sau nhiều năm thăm dò, Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald's nổi tiếng thế giới cũng đã bắt đầu tiến hành tìm kiếm đối tác nhượng quyền thương mại.
Dự kiến McDonald's sẽ chính thức vào Việt Nam trong 2 năm tới, bước đầu sẽ mở các nhà hàng tại TPHCM và Hà Nội, sau đó sẽ tăng lên khoảng 100 cửa hàng tại Việt Nam. Cùng với Starbucks Coffee và The Johnny Rockets chuẩn bị có mặt tại Việt Nam, sự góp mặt của McDonald's hứa hẹn sự tăng trưởng mạnh của thị trường nhượng quyền tại Việt Nam.
Trước áp lực của các thương hiệu đến từ Hoa Kỳ, các thương hiệu nước ngoài khác cũng đang lên kế hoạch “bành trướng” quy mô tại Việt Nam. Khoảng 2 năm gần đây, Jollibee - thương hiệu thức ăn nhanh của Philippines, đã có những bước tiến nhanh hơn, mở rộng quy mô hoạt động ở TPHCM, miền Trung và Hà Nội với hơn 30 cửa hàng.
Theo ông Jojo Subido, Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam, ở Philippines, Jollibee hiện có trên 800 cửa hàng và đơn vị này mong muốn có 500 cửa hàng tại Việt Nam trong những năm tới.
Dù hiện mới có 2 cửa hàng Jollibee được NQTH tại Việt Nam, nhưng trong 2 năm tới công ty sẽ đẩy mạnh nhượng quyền để đạt được mục tiêu này. Nhãn hiệu bánh Don của Singapore đã khai trương chi nhánh đầu tiên ở TPHCM và đang tìm kiếm đối tác nhượng quyền với mong muốn sẽ phát triển rộng khắp tại Việt Nam thông qua nhượng quyền 100% hoặc cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Tại một triển lãm về nhượng quyền mới đây, 131 DN đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Đài Loan… với các thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng như Tour Les Jour (bánh mì Hàn Quốc), Kumho Tire (lốp xe cao cấp Hàn Quốc), Everon (chăn, ga, gối, nệm…), NIIT (hệ thống đào tạo công nghệ thông tin)… cho biết đang đẩy mạnh tìm kiếm đối tác để phát triển cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam.
Áp lực cho DN nội
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc và Malaysia, DN Việt Nam tiếp cận với mô hình NQTH này nhanh hơn. Cụ thể, năm 1996, khi Jollibee xuất hiện ở Việt Nam, Công ty Cà phê Trung Nguyên mới ra đời.
Nhưng chỉ 2 năm sau, Trung Nguyên đã tiến hành NQTH để mở rộng hệ thống. Đến năm 2001, cà phê Trung Nguyên đã mở rộng quy mô, có mặt khắp cả nước và nhiều thị trường như Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, các thương hiệu của Hoa Kỳ đang chịu áp lực lớn trong việc nâng cao mức tăng trưởng. Vì vậy, họ đang có xu hướng nhắm đến việc nhượng quyền ở các thị trường mới, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn ở châu Á, khu vực có mức tăng trưởng nhanh đối với các thương hiệu thức ăn nhanh trong nhiều năm gần đây. Bà BETH SOLOMON, |
Hay như thương hiệu Phở 24, dù chỉ mới đi vào hoạt động từ năm 2003 nhưng đã trở thành biểu tượng thành công của hệ thống nhượng quyền thương mại của DN Việt Nam. Trước khi bán thương hiệu, chủ sở hữu Phở 24 cũng mong muốn đưa chuỗi cửa hàng này vươn ra thế giới. Wrap & Roll, chuỗi nhà hàng món cuốn Việt Nam, cũng đã tìm kiếm đối tác tại Australia để tiến hành NQTH ở quốc gia này.
Tuy nhiên, vào năm 2014, khi Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, cũng là lúc các DN nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, y tế, giáo dục đẩy mạnh nhượng quyền để thâm nhập, sẽ tạo áp lực lớn lên DN nội.
Bởi lẽ hiện nay, DN Việt Nam đang chuộng nhận quyền thương hiệu để kinh doanh vì có thể sử dụng nguồn vốn hiệu quả thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, bí quyết kinh doanh và thương hiệu của các công ty đã thành công. Nhưng ngược lại, các DN sẽ gặp không ít áp lực tài chính để duy trì hoạt động.
Do đó, DN muốn nhượng lại thương hiệu cần phải xác định rõ mục đích mua lại. Chẳng hạn nếu chỉ là để bổ sung thương hiệu vào hồ sơ hoạt động trong một thời gian ngắn, sau đó bán lại công ty, DN chỉ cần chuẩn bị vốn đủ cho khoảng thời gian kinh doanh đó.
Còn nếu muốn mua thương hiệu để kinh doanh lâu dài phải cần nguồn vốn lớn, có lộ trình hoạt động cụ thể và hợp lý để tránh thất bại giữa chừng. Bà Nguyễn Phi Vân, phụ trách tư vấn tiếp thị Công ty Gloria Jean’s Coffees International, chia sẻ đa số DN quan niệm rằng cần mua lại thương hiệu là mở cửa hàng kinh doanh ngay.
Điều này chỉ đúng với các thương hiệu toàn cầu, còn những thương hiệu mới phát triển ở một hay vài thị trường riêng lẻ, bên nhận quyền sẽ mất thời gian dài để xây dựng thương hiệu đối với thị trường trong nước. Cụ thể, thương hiệu Gloria Jean’s Coffees dù đã hoạt động 6 năm ở Việt Nam, bên nhận quyền đã mở được 7 cửa hàng nhưng vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư.
Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa, khẩu vị cũng là một rào cản đối với một số cửa hàng nhượng quyền. Chẳng hạn như xu hướng tiêu thụ thực phẩm tương lai ở Việt Nam là hạn chế thực phẩm chế biến qua dầu mỡ, nhưng đa số cửa hàng thức ăn nhanh lại đi ngược xu hướng này nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.
Theo ông Albert Kong, Chủ tịch Công ty Asiawide Franchise, trước làn sóng nhượng quyền đang tăng nhanh, các DN bán lẻ Việt Nam cần có sự chuẩn bị để giữ vững thương hiệu Việt trước áp lực cạnh tranh của thương hiệu ngoại bằng cách tham gia mô hình nhượng quyền.
Thời gian qua, Asiawide Franchise đã tiến hành tư vấn một số đơn vị như CTCP Mỹ phẩm Sài Gòn, CTCP Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn), Vissan... để phát triển nhượng quyền trong nước, sau đó tiến ra thị trường khu vực. Do đó, nếu các DN Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu trong nước, nên tìm nhà tư vấn để phát triển nhượng quyền nhằm giảm rủi ro khi đầu tư, tăng cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng và giành lại thị phần.