Nền kinh tế phục hồi rõ nét là điều không thể phủ nhận, các số liệu cho thấy có sự tăng trưởng tích cực tạo đà cho năm 2016. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu cũng bộc lộ không ít âu lo. Hôm nay 22-10, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. ĐTTC có bài viết phân tích các góc độ từ Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2015 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Tăng trưởng khả quan
Số liệu thống kê trong quý III và 9 tháng năm 2015 cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế: GDP quý III đạt 6,81%, cao nhất trong các quý III kể từ năm 2011; 9 tháng đạt 6,5%, cũng cao nhất trong giai đoạn này.
Động lực cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng trưởng 9,69%, cao vượt bậc so với cùng kỳ nhiều năm (2014: 5,75%, 2013: 4,88%). Song ngược lại, khu vực nông nghiệp và dịch vụ không có nhiều biến chuyển.
Gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với đối tượng thu nhập thấp mới giải ngân được 26% tính đến tháng 9-2015. Trong khi đó, tốc độ cho vay bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh, đạt 10,89% trong nửa đầu năm 2015. Sự hồi phục của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức. |
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu phản ánh rõ nét xu hướng hồi phục của nền kinh tế, như chỉ số PMI (Nhà quản trị mua hàng) liên tục cao hơn ngưỡng 50 điểm, ngoại trừ tháng 9 do ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới mức điểm của Việt Nam chỉ đạt 49,5, nhưng có thể coi là khả quan so với các nước trong khu vực như Indonesia (47,4), Singapore (48,6), Malaysia (48,3).
Khu vực sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận tín hiệu rất tích cực khi tuyển dụng thêm 7,1% lao động, cao hơn nhiều mức tăng 4,2% của năm 2013 và 2014. Thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước trong 9 tháng tăng cao ở mức 17% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh một phần xu hướng gia tăng số lượng việc làm và thu nhập ở khu vực chính thức.
Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 10,78% (dự kiến cả năm có thể đạt mức 17%) cho thấy tổng cầu của nền kinh tế đang hồi phục mạnh.
Theo VEPR Điều đáng lo ngại là chỉ số CPI (lạm phát) tăng yếu trong 9 tháng với 0,74%, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng 9 với -0,21%. Trong khi theo chu kỳ hàng năm tháng 9 là thời điểm mặt bằng giá chịu nhiều áp lực tăng, như nhóm mặt hàng giáo dục do bắt đầu năm học mới.
Nguyên nhân do 2 nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực giảm giá, vốn đóng góp tỷ trọng xấp xỉ 17% trong rổ hàng hóa CPI. Giá năng lượng suy giảm trên toàn cầu đã tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam; lương thực giảm giá do thị trường xuất khẩu gạo dư cung trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt kho gạo dự trữ của Thái Lan mở bán.
Đây là tác nhân chính dẫn tới hiện tượng bất thường trong năm 2015. Tuy nhiên, xu hướng lạm phát thấp không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang khá phổ biến ở các thị trường mới nổi do tác động của giá hàng hóa và năng lượng, như Thái Lan (-1,07%), Trung Quốc (2%), Singapore (-0,8%), Philippines (0,4%), Malaysia (3,1%)...
Cán cân thương mại và ngân sách khó khăn
Cán cân xuất nhập khẩu tương đối cân bằng trong quý III với mức thâm hụt nhẹ 700 triệu USD, giảm dần từ mức thâm hụt 2,7 và 1,2 tỷ USD của quý I và II. Tuy nhiên đây cũng là quý thứ tư liên tiếp có thâm hụt thương mại và kết thúc giai đoạn thặng dư kéo dài 5 quý liên tiếp của năm 2013 và 2014.
Thật ra sự thay đổi trong cấu trúc cán cân thương mại này một phần do tỷ giá thực cao đã không hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích tiêu dùng. Nhưng cán cân thương mại có thể sẽ xấu đi vào quý IV do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cho Tết Nguyên đán.
Cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt với mục tiêu cứng về mức điều chỉnh tỷ giá hàng năm không thành công trong việc dẫn dắt kỳ vọng thị trường, tạo ra rủi ro chính sách lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; không phù hợp với hoàn cảnh mới của kinh tế trong nước cũng như thế giới, không có khả năng bảo vệ ổn định vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007. TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH, |
Phân tích của VEPR việc Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu lớn nhất với 32,4% tổng kim ngạch; nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng lên đến 24,3 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Diễn biến này không quá đáng ngại, mà phản ánh hoạt động sản xuất đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Bởi với vị trí ngọn trong chuỗi cung cứng toàn cầu, Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ nguồn nguyên liệu đầu vào bán thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…).
Do vậy, phải nhìn nhận và tính đến khi Việt Nam gia nhập hàng loạt FTA và chi phí lao động của Trung Quốc tăng cao, mô hình sản xuất trên sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ đi kèm với sự mở rộng quy mô nhập khẩu, nên sẽ kéo theo nhập siêu từ Trung Quốc tăng.
Thu ngân sách trong 9 tháng gặp khó khăn gay gắt do giá dầu thô giảm, chỉ đạt 70,3% so với dự toán, thấp hơn mức 81,3% cùng kỳ 2014. Thu từ thuế xuất nhập khẩu có phần ổn định về mặt giá trị tuyệt đối nhưng đang trong xu thế giảm theo lộ trình cam kết khi tham gia vào các FTA.
Dự toán thu ngân sách không đạt, trong khi kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng bù đắp bội chi trong năm 2015 gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân do cầu tín dụng hồi phục khiến các ngân hàng phân bổ thêm cơ cấu vốn cho cấp tín dụng; Nghị quyết 78/2014/QH13 không cho phép phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm, khiến thiếu hụt nguồn cung phù hợp với thị trường; lạm phát thấp nhưng thanh khoản tốt nên thị trường đang lưu hành một lượng lớn tài sản là tín phiếu NHNN làm giảm lợi ích của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ.
Bộ Tài chính đứng trước sức ép lớn, các giải pháp tình thế đã được sử dụng để giải quyết nhu cầu vốn ngắn hạn của ngân sách, bao gồm phát hành trái phiếu ngoại tệ lô lớn cho Vietcombank với tổng khối lượng 1 tỷ USD, đẩy mạnh phát hành 21.000 tỷ đồng tín phiếu và vay tạm ứng từ NHNN 30.000 tỷ đồng.
Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế cũng được tính đến, tuy nhiên có thể sẽ gặp trở ngại khi tỷ lệ hoán đổi rủi ro CDS với trái phiếu ngoại tệ đã tăng mạnh khoảng 100 điểm trong quý III, do các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tại các nước đang phát triển trong khu vực.
Giải pháp tiền tệ hợp lý, linh hoạt
Việc đồng NDT phá giá ngày 11-8 đã châm ngòi cho những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối. Chung phản ứng với các nước trong khu vực, Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh mạnh giá trị đồng nội tệ tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ giao dịch từ ±1% lên mức ±3%.
Mặc dù đã vượt mức biên độ điều chỉnh 2% cam kết trong năm 2015, nhưng giá trị danh nghĩa của đồng nội tệ so với USD vẫn cao hơn đáng kể so với kỳ vọng thị trường. Do vậy cầu USD tăng mạnh, khiến NHNN phải cung ứng một lượng lớn ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối, đồng thời áp dụng các biện pháp xiết chặt việc mua ngoại tệ.
Chẳng hạn Thông tư 15/2015/TT-NHNN chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán, cùng với đó là việc giảm lãi suất tiền gửi USD. Tuy các giải pháp này có tác động nhất định làm giảm một phần đầu cơ ngoại tệ, nhưng vẫn chỉ là giải pháp nhất thời. Thực tế cho thấy việc tiếp tục cam kết cứng không điều chỉnh tỷ giá đến đầu năm 2016, cho thấy không định hướng được những kỳ vọng của thị trường sau sự kiện 11-8.
Hiện nay môi trường quốc tế được dự báo sẽ ổn định trong 1 hoặc 2 quý tiếp theo, khi triển vọng thắt chặt tiền tệ của FED đã được phản ánh vào giá trị của đồng USD, chỉ số USD index có thể đã lên mức đỉnh vào quý II-2015 và diễn biến theo xu hướng ổn định trong thời gian tới. Riêng Trung Quốc có nhiều động lực giữ ổn định tỷ giá danh nghĩa đồng NDT.
Tuy nhiên, nguy cơ sau khi đàm phán TPP hoàn tất và nhiều khả năng sẽ được các nước thành viên thông qua chính thức, theo đó dòng vốn nóng có thể tăng mạnh vào thị trường nội địa và gây áp lực tăng lên tiền đồng và thu hẹp sản xuất xuất khẩu trong thời gian tới.
Động lực cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ khu vực sản xuất công nghiệp. |
Rõ ràng nền kinh tế thực đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt việc tham gia TPP và các hiệp định FTA khác sẽ tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, bên cạnh đó vẫn có những rủi ro tiềm ẩn trong khu vực tài chính và các thị trường tài sản.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. Thứ hai, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.
Thứ ba, thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các NHTM, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.
Việc phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính. Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho tăng năng suất trong dài hạn.