Để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2012 (tăng khoảng 13% so với năm 2011 với kim ngạch khoảng 108,5 tỷ USD), ngoài những thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang phải tìm đến những thị trường mới “dễ thở” hơn để hiện thực hóa kế hoạch đặt ra.
> Hiểu thị trường mới thành công
Thách thức kim ngạch 108,5 tỷ USD
Năm 2011, dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ổn định. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 96,3 tỷ USD, tăng hơn 33% so với năm 2010. Riêng thị trường các nước trong Liên minh châu Âu (EU), dù cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng lan rộng trong khu vực nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn tăng 48%. Tuy nhiên, kết quả khả quan năm 2011 không thể giúp các doanh nghiệp yên tâm khi bước vào năm 2012, bởi có quá nhiều thách thức phải vượt qua.
Xuất khẩu năm 2012 tiềm ẩn nhiều khó khăn và bất ổn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, kinh tế Hoa Kỳ suy giảm… Đây sẽ là thách thức không nhỏ trong việc xúc tiến thương mại cũng như tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay. Ông Nguyễn Thành Biên, |
Trước hết về thị trường, năm 2012 EU sẽ thay đổi một số chính sách liên quan đến vấn đề ưu đãi cho các nước đang phát triển. Thay vì quy định cho những nhóm hàng, nay EU có thể quy định thị phần hoặc chia nhỏ số lượng hàng xuất khẩu từng quốc gia vào EU. Với cách làm này, nhiều khả năng một số mặt hàng của Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách được hưởng quy chế ưu đãi như trước đây.
Mặt khác, EU cũng đang dự thảo về quy định dán nhãn mác vào sản phẩm, buộc doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hơn về các luật lệ mới. Với Hoa Kỳ, nước này đang thực hiện đạo luật hiện đại hóa vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, đạo luật này sẽ chủ động ngăn ngừa từ bên ngoài bằng cách xây dựng các biện pháp giám sát, truy xuất nguồn gốc, lưu trữ hồ sơ, cho phép các cơ quan chức năng được phép thu hồi sản phẩm ngay khi vụ việc xảy ra.
Với đạo luật mới này, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nước ta phải đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp mới tránh được nguy cơ bị tiêu hủy hoặc trả về.
Những khó khăn, thách thức đang đặt ra buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực tự giải cứu mình bằng cách tìm kiếm những thị trường mới, không quá phụ thuộc vào những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu đang đặt ra các quy định hết sức khó khăn.
Các ngành chủ lực gặp khó
Trước tiên, thủy sản đang có những khởi đầu khó khăn trên con đường cán đích kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012. Đầu năm 2012, một khách hàng Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh báo đến CTCP Thực phẩm Sao Ta về việc Cơ quan Kiểm tra nhập khẩu thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) có khả năng tăng cường kiểm tra chất kháng sinh enrofloxacin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Mục tiêu 15 tỷ USD xuất khẩu đang là thách thức lớn |
Trước đó, trong năm 2011 có 57 lô tôm Việt Nam bị Nhật Bản cảnh báo và trả về do phát hiện có chứa enrofloxacin vượt ngưỡng cho phép. Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong năm nay nhiều nước sẽ cử đoàn công tác sang đánh giá, giám sát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Dệt may càng bi quan hơn khi đơn hàng đang thiếu nghiêm trọng. Theo báo cáo tháng 1 của Bộ Công Thương, sản xuất nguyên liệu vải cho ngành dệt may gần đây có xu hướng giảm dần do đơn hàng xuất khẩu dệt may giảm và tiêu dùng trong nước giảm. Hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV, trong khi cùng kỳ năm trước hầu hết các doanh nghiệp đã kín đơn hàng xuất khẩu. Xuất khẩu dệt may hiện đang phải chịu tác động mạnh từ các chính sách tài chính của châu Âu và chính sách tiết kiệm tiêu dùng của Nhật Bản. Do vậy mục tiêu đạt 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012 đang trở thành một thách thức khó vượt qua.
Năm 2012 cũng được xem là một năm nhiều sóng gió với xuất khẩu gạo. Bộ NN-PTNT vừa hạ mức dự báo khối lượng xuất khẩu gạo trong năm 2012 xuống 6,5-7,2 triệu tấn, thay cho mức 6,8-7,3 triệu tấn dự báo hồi cuối năm 2011 do tác động của yếu tố thị trường thế giới. Hiện một số nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan… đang có giá xuất khẩu gạo rẻ hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường châu Phi dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng để chiếm lĩnh doanh nghiệp phải chấp nhận vượt qua nhiều rào cản. Đó là việc cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực đang hiện diện tại quốc gia này như Thái Lan, Trung Quốc. Giá thành sản phẩm của họ luôn rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự của Việt Nam.
Được mới không nới cũ
Thời điểm cuối năm 2010, khi doanh thu từ các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản tăng cũng là lúc các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra những dấu hiệu bất ổn từ các thị trường này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng sang các thị trường mới như Cuba, Brazil, Ấn Độ…
Chỉ tính riêng trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới hầu hết đều tăng so với cùng kỳ. Một số thị trường tăng trên 100% như Cuba (470,8%); Ấn Độ (156%); Hàn Quốc (144,2%); Thái Lan (131,1%); Trung Quốc (127,6%)... Trong năm 2012, thị trường xuất khẩu gạo châu Phi được dự báo sẽ vào tay Ấn Độ do cước vận tải từ Ấn Độ, Pakistan đến các cảng của châu Phi thấp hơn khoảng 20USD/tấn so với Việt Nam. Vì vậy mức giá gạo trắng của 2 nước này thấp hơn giá gạo nước ta và Thái Lan khoảng hơn 100USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài dựa vào mốc giá của Ấn Độ để ép giá gạo nước ta.
Vì thế, ngay từ đầu năm, ngoài những thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Malaysia, Philippines, Indonesia…, nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác các thị trường mới Thụy Điển, Bỉ, Italia, Hồng Công, Trung Quốc, Australia ở dòng gạo cấp cao như gạo thơm, gạo đồ.
Việc phát triển các thị trường mới hết sức quan trọng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần giữ mối quan hệ mật thiết, chiến lược hợp tác lâu dài với các nước thường xuyên nhập khẩu hàng Việt Nam, như mặt hàng gạo với Malaysia, Philippines, Indonesia... Nếu không họ sẽ chuyển hướng nhập khẩu sang các nước khác. Điều đáng mừng là thời gian gần đây, gạo cao cấp nước ta khẳng định được uy tín về chất lượng ngang ngửa với Thái Lan. Ông Phạm Văn Bảy, |
Ngành thủy sản cũng đang nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới để không phải phụ thuộc vào những thị trường truyền thống đang ngày một khó khăn. Tuy nhiên, hành trình đi tìm thị trường mới của ngành thủy sản lại không dễ dàng, vì nếu xuất hàng đến Nam Mỹ, Trung Đông, họ không thể tiêu thụ được những mặt hàng cao cấp như tôm sú, cá ngừ…
Chính vì thế, một trong các giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra để tự cứu mình là cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với thị trường đại chúng. Châu Phi vài năm gần đây nổi lên như một trong những thị trường mới với sức mua khá mạnh. Năm 2011, xuất khẩu của nước ta sang châu Phi ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 91% so với năm 2010.
Tuy nhiên, so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất khẩu sang châu Phi chỉ chiếm 3,5%. Một trong những lý do là khả năng thanh toán của các đối tác châu Phi kém. Ngoài ra, thủ tục hành chính rườm rà đi kèm với giờ giấc “cao su” tại nhiều quốc gia thuộc châu lục này cũng khiến không ít doanh nghiệp ngán ngẩm. Một lo ngại khác là hiện tượng lừa đảo trong kinh doanh đang ngày một tăng tại các nước Tây Phi. Đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam là nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp mất niềm tin khi tham gia thị trường châu Phi. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Liên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nam Phi, doanh nghiệp không nên viện dẫn những lý do trên để buông thị trường châu Phi nhiều tiềm năng. Cần phải nghiên cứu kỹ và có những phương án làm ăn cụ thể, lâu dài mới có thể khai thác tối đa lợi thế từ thị trường này.
Khi tìm đến với các thị trường mới, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ và chuẩn bị tâm lý vượt qua những khó khăn bước đầu. Nếu không nhanh chân, doanh nghiệp Việt Nam rất có thể phải “theo sau hít bụi”, bởi không chỉ chúng ta tìm đến những thị trường này mà các nước như Thái Lan, Trung Quốc cũng đang dấn tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải giữ quan hệ hợp tác lâu dài với những đối tác truyền thống. Vì khi khó khăn qua đi, nếu không duy trì tốt quan hệ, ta sẽ đánh mất những khách hàng lâu nay của mình.