Xuất khẩu 2012: Trong cái khó tìm cái khôn

Các ngành xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính đang đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn và các ngành đang nỗ lực để giải quyết các vướng mắc này.

Các ngành xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính đang đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn và các ngành đang nỗ lực để giải quyết các vướng mắc này.

> Phát triển dệt may theo chiều sâu

Nhiều rào cản được dựng lên

Theo ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Văn phòng TBT (Technical Barriers to Trade - rào cản kỹ thuật thương mại) Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều quốc gia trên thế giới đã gia tăng các rào cản thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Trước đây, việc thông qua các hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm thừa nhận sự cần thiết của các biện pháp kỹ thuật, đồng thời kiểm soát các biện pháp này để đảm bảo các nước thành viên sử dụng đúng mục đích và không trở thành công cụ bảo hộ.

Trong quá trình hoạt động, nếu vấp phải các rào cản kỹ thuật bất hợp lý, doanh nghiệp có thể kiến nghị lên Văn phòng TBT Việt Nam để chúng tôi đưa ra tranh luận tại các hội nghị quốc tế nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực xuất khẩu.

Ông LÊ QUỐC BẢO,
Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam

TBT ra đời với mục đích nhằm tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TBT đi ngược mục tiêu này, dẫn đến việc gia tăng các rào cản kỹ thuật, tác động lớn đến thương mại quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm 1995, trên thế giới có khoảng 400 quy định liên quan đến TBT, nhưng trong giai đoạn 2009-2011, trung bình 1.500 quy định rào cản được đưa ra hàng năm.

Năm 2011, TBT các nước đưa ra liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn con người lên đến 782 quy định, chiếm gần 50% trong số 1.684 quy định được ban hành. Những rào cản kỹ thuật này đã đẩy các nhà xuất khẩu vào thế bị động và gia tăng chi phí, mất nhiều thời gian để tiếp cận với các thị trường.

Chỉ tính riêng trong tháng 2-2012, Việt Nam đã nhận được hơn 150 thông báo về các quy định nhập khẩu từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thông báo này đều dự kiến sẽ xây dựng hoặc bổ sung những quy định kỹ thuật trong việc kiểm định hàng hóa nhập khẩu đối với hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày…

Theo một thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hiện có khoảng 80% các hoạt động thương mại quốc tế đang chịu ảnh hưởng của các tiêu chuẩn và quy định về kỹ thuật. Trong đó nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật đã nảy sinh bất cập, làm cản trở sự phát triển thương mại quốc tế, trở thành một hình thức bảo hộ mậu dịch và gây ra sự không bình đẳng đối với các hoạt động thương mại quốc tế.

Chẳng hạn, Hoa Kỳ đang đối mặt với sự cạnh tranh của luồng hàng hóa đến từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với giá thấp. Để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, Hoa Kỳ đã đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt, thậm chí bất hợp lý, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu đến từ các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, việc các nước ngày càng áp dụng nhiều biện pháp kiểm duyệt lên hàng xuất khẩu Việt Nam cho thấy hàng hóa nước ta đang có tầm ảnh hưởng đến thị trường thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể xem là con số ấn tượng trong thời điểm nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng và mức độ cạnh tranh vô cùng gay gắt.

Tìm thị trường, nâng chất lượng

Trong lĩnh vực xuất khẩu, thủy sản được xem là một trong những ngành xuất khẩu lớn ở nước ta. Năm 2009, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng đến năm 2010 đã đạt thành tích cao với sản lượng khoảng 5,2 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 4,95 tỷ USD. Năm 2011, dù đối mặt không ít khó khăn thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng đạt trên 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, ở các thị trường xuất khẩu chính là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, hàng thủy sản Việt Nam thường phải chịu sự kiểm duyệt khắt khe về chất lượng, an toàn về môi trường, xã hội. Đã có nhiều lô hàng thủy sản xuất xứ từ Việt Nam bị các cơ quan kiểm soát chất lượng ở các thị trường trên cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước tình hình này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngành thủy sản đang vạch ra kế hoạch cụ thể.

Xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành khó khăn nhất trong năm 2012. Ảnh: LÃ ANH

Xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành khó khăn nhất trong năm 2012. Ảnh: LÃ ANH

Theo đó, lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường EU chấp nhận giảm để giữ ổn định lượng hàng xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ. Cùng với mục tiêu đó, toàn ngành sẽ hướng đến Nam Mỹ và châu Phi để khai thác tiềm năng của các thị trường này.

Đặc biệt thị trường châu Á được coi là mục tiêu chính của doanh nghiệp thủy sản hướng đến, bởi các thị trường này ít vướng rào cản kỹ thuật. Song song đó, VASEP kiến nghị cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác nuôi trồng, chế biến và nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo chất lượng cho các lô hàng xuất khẩu.

Năm 2011, ngành gỗ cũng bị ảnh hưởng khi các thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam triển khai Luật LACEY (Hoa Kỳ) và Luật FLEGT (EU) buộc doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn mới khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này. Việc vấp phải các rào cản kỹ thuật đang ảnh hưởng lớn đến uy tín của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, vẫn rất lạc quan về thị trường xuất khẩu trong năm nay. Ông Mạnh lý giải ngành gỗ đang có nhiều lợi thế về nhân công, hệ thống máy móc thiết bị mới được đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện được coi là quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á do mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và ngày càng thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ sở để nước ta sớm trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ và là điểm đến lý tưởng cho khách hàng quốc tế. Đối với các rào cản thương mại, doanh nghiệp có thể hóa giải bằng nhiều cách.

Chẳng hạn đẩy mạnh hơn việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Hoa Kỳ, chế biến rồi xuất vào thị trường này, chắc chắn sẽ không vấp phải những rào cản kỹ thuật từ phía Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu hàng xuất khẩu, nếu dòng sản phẩm nào xuất khẩu số lượng lớn, doanh nghiệp phải đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu để tránh bị các nước đưa ra các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ doanh nghiệp nước họ.

Cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý

Theo TS. Phạm Văn Chắt, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, để hạn chế những khó khăn doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải như vốn, nguyên liệu, kỹ thuật, các rào cản xuất khẩu… cơ quan quản lý cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho doanh nghiệp.

Việt Nam đã hội nhập sâu thị trường thế giới, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong nắm bắt thông tin nhanh hơn.

Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những biện pháp để doanh nghiệp nước ta tránh được các rào cản về kỹ thuật. Muốn vậy, doanh nghiệp cần tạo đột phá trong khâu xúc tiến thương mại bằng cách lập kho hàng, kho ngoại quan, xây dựng đầu mối bán hàng, trực tiếp cung ứng vào hệ thống phân phối tại các thị trường mục tiêu. Như vậy, doanh nghiệp vừa có thể gia tăng giá trị, lợi nhuận, vừa tránh được những hàng rào kỹ thuật tại các thị trường này.

Ông TRẦN QUỐC MẠNH,
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM

Nhưng vẫn còn một thực tế là các kênh thông tin hiện nay đang rơi vào tình trạng nhiễu loạn, website của Bộ Công Thương chưa trợ giúp đắc lực cho doanh nghiệp trong tìm hiểu thị trường, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu.

Các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chưa phát huy được khả năng nghiên cứu, cập nhật và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước về tình hình nhập khẩu cũng như quy định về bao bì, đóng gói, kiểm soát hàng nhập khẩu của các nước. Ngoài ra tỷ lệ luật sư trên dân số của nước ta thấp hơn so với thế giới, trình độ hành nghề cũng còn nhiều hạn chế nên chưa thể tham gia giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong quá trình xuất khẩu, khi gặp những rào cản bất hợp lý, cơ quan quản lý và doanh nghiệp có thể theo đuổi các vụ kiện thương mại để nước nhập khẩu dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật đó.

Tuy nhiên, cho đến nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn không đủ tự tin theo đuổi đến cùng các vụ kiện thương mại. Chính điều này mà nhiều năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải chịu nhiều thiệt thòi.

Hiện nay các ngành hàng xuất khẩu đang nỗ lực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, do đó dự báo các thị trường nhập khẩu sẽ còn đưa ra nhiều quy định mới để áp lên các mặt hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, chung sức của cơ quan quản lý, giúp lĩnh vực xuất khẩu vượt qua khó khăn, thách thức.

Các tin khác