Thủy sản vẫn nhiều gian nan
Nếu như nửa đầu tháng 7-2021 xuất khẩu thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng 16%, thì nửa cuối tháng 7 khi TPHCM và các tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 kim ngạch xuất khẩu giảm đáng kể. Kết quả kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm đó, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”.
Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Và công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách chung. Ngoài ra, DN đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do Covid-19 như trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần, trong khi các chi phí đầu vào và logistics tăng mạnh...
Bước qua tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm mạnh tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của dịch với ngành thủy sản. Đặc biệt trong tháng 8, xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ.
Sang tháng 9, xuất khẩu vẫn tiếp đà giảm do gián đoạn sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm 31% so với cùng kỳ. Lúc này các DN đã phải cảm thán chặng đường hồi phục quá chông chênh.
Cho đến tháng 10, nhất là từ thời điểm 11-10 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thì các DN từng bước trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên các DN thủy sản (chủ yếu ở các tỉnh miền Tây) thì vẫn còn nhiều mối âu lo.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta cho biết, tuy trở lại bình thường mới nhưng các DN có mối lo âu thường trực đi kèm. Nguyên nhân mối âu lo là trong nửa tháng qua các ca nhiễm và ổ dịch mới tăng khá nhanh ở các tỉnh miền Tây, gây áp lực quá lớn cho tuyến đầu phòng chống dịch nói chung, cho các DN nói riêng trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh miền Tây còn thấp so với cả nước.
Điều này khiến các chi phí của DN tiếp tục tăng cao. Áp lực lớn, chi phí nhiều, nhưng khả năng tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm của ngành thủy sản nói chung khó mà tăng mạnh, dù nhu cầu tiêu thụ hàng của nhiều thị trường nhập khẩu lớn gia tăng do cuối năm trùng vào dịp tết, lễ.
Lý giải thêm điều này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh, trong tháng 11 chúng ta sẽ kết thúc chuyển hàng tiêu thụ trong mùa cuối năm. Tháng cuối cùng của năm 2021 vẫn sẽ xuất khẩu nhưng phần lớn đối tác nhập chuẩn bị cho giai đoạn đầu năm 2022 và như vậy nhu cầu không lớn.
Dự báo, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 8,4 tỷ USD, lỡ hẹn mục tiêu ban đầu 8,8 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu tôm năm 2021 tăng nhẹ 3% nhưng không đủ sức kéo cho mục tiêu chung của toàn ngành.
Thực tế thủy sản không chỉ gặp khó bởi Covid-19 mà còn khó về nhiều yếu tố khác, như cơ chế kiểm soát IUU nên xuất khẩu sang EU vẫn khó. Ngoài ra nhập khẩu nguyên liệu còn nhiều khó khăn, cước vận tải biển tăng mạnh cũng vượt quá sức chịu đựng của nhiều DN.
Da giày nỗ lực bằng năm 2020
Da giày nỗ lực bằng năm 2020
Chia sẻ với ĐTTC, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Da giày-túi xách Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 10 các DN trong ngành đã từng bước quay trở lại sản xuất. Lao động cũng đã quay lại nhà máy, công suất cũng đang được nâng dần để tăng tốc cho mùa cuối năm.
Tuy nhiên DN cũng đang còn vướng rất nhiều khó khăn: Thứ nhất là yêu cầu phòng chống dịch ở các địa phương còn nhiều khác biệt, chi phí cho công tác phòng, chống dịch cũng không nhỏ.
Thứ hai là chi phí đầu vào như nhập nguyên phụ liệu hiện đang tăng cao do Trung Quốc cũng có nhiều biến động vì dịch, chi phí logistics cũng khiến DN đau đầu. Thêm vào đó giá xăng dầu hiện đang trên đà tăng chưa có điểm dừng cũng sẽ tạo thêm gánh nặng cho các DN trong thời gian sắp tới.
Chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi giá gia công thì gần như không thay đổi do kinh tế các nước cũng bị ảnh hưởng bởi dịch, người tiêu dùng chưa mạnh tay mua sắm. Dự báo cuối năm nay kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày, túi xách chỉ bằng với năm 2020.
“Ban đầu chúng tôi dự kiến tăng trưởng khoảng hơn 10% nhưng đã mất nguyên quý III vì dịch Covid-19, nay quay lại DN đã bị lỡ nhiều đơn hàng lớn của mùa cuối năm, chỉ còn lại các đơn hàng nhỏ và sản xuất hàng mẫu cho năm 2022” - bà Xuân đánh giá.
Nhiều khó khăn phải đối mặt nhưng khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của DN còn hạn chế do thủ tục rườm rà nên phần lớn các DN cũng phải tự chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống.
Nguyên nhân khiến da giày – túi xách cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng vì dịch là bởi có tới hơn 75% DN trong ngành nằm ở các tỉnh phía Nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt dịch lần thứ 4 này. Trong khoảng thời gian giãn cách có khoảng hơn 80% DN trong ngành phải ngưng sản xuất do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất 3 tại chỗ hoặc một cung đường hai điểm đến thời điểm đó.
Số ít DN ở phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng do việc nhập nguyên liệu từ miền Nam ra ách tắc nên năng suất cũng giảm. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng 8 và 9 của ngành giảm đáng kể.
Cụ thể, xuất khẩu của ngành da giày – túi xách trong tháng 8 bị ảnh hưởng nặng nề, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng giày dép đạt 850 triệu USD, giảm 38,5% và túi xách đạt 150 triệu USD, giảm 37,9%.
Sang tới tháng 9 đà giảm vẫn chưa dừng lại. Theo số liệu từ Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam, xuất khẩu giày dép chỉ đạt khoảng 700 triệu USD, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó xuất khẩu túi xách cũng giảm 48%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 9 giảm gần 24% so với cùng kỳ.
Phía hiệp hội cũng cho biết từ cuối tháng 9 tình hình cải thiện hơn nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi như mức trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Nói về khả năng các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sau đợt dịch này, nhiều DN cho biết dịch đã khiến các nhãn hàng lớn phân tán đơn hàng ra nhiều quốc gia. Tuy nhiên nếu Việt Nam quay lại sản xuất và đảm bảo được các yếu tố an toàn thì đơn hàng vẫn quay trở lại, do Việt Nam vẫn duy trì được nhiều lợi thế trong đó có lợi thế từ các FTA với nhiều thị trường nhập khẩu lớn.
Dệt may bắt nhịp lại nhưng chưa an tâm
Dệt may bắt nhịp lại nhưng chưa an tâm
Theo số liệu thống kê nửa đầu tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã từng bước hồi phục khi đạt con số trên 1,2 tỷ USD, các DN đang nhanh chóng bắt nhịp trở lại và tăng tốc hoàn thành các đơn hàng cho mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên với kế hoạch xuất khẩu cả năm đạt 39 tỷ USD như ban đầu, ngành may khó có thể hoàn thành. Dự kiến ngành dệt may Việt Nam sẽ cán đích ở mức 35 -36 tỷ USD.
Nhìn lại một năm của ngành dệt may, 2 quý đầu năm rất nhiều thông tin tăng trưởng tích cực. Trong đó, quý I ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu tốt khi đa số DN đều ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021 do nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc... nới lỏng giãn cách, tăng nhu cầu hàng tiêu dùng.
Bước sang quý II, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại Bắc Giang, Bắc Ninh... Tuy nhiên do kiểm soát dịch bệnh khá tốt nên mức độ ảnh hưởng chưa lớn. 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận xuất khẩu dệt may vẫn tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng trên 5% so với năm 2019.
Nhưng từ quý III khi dịch bùng phát ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, ngành may cũng như những ngành hàng sử dụng nhiều lao động khác phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Chỉ có khoảng 25 -30% DN dệt may phía Nam duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ hoặc một cung đường hai điểm đến, năng suất giảm mạnh, chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng do nhiều DN tạm ngưng sản xuất. Hệ quả ngành may cũng không nằm ngoài đà suy giảm xuất khẩu chung với nhiều ngành khác.
Theo đó, xuất khẩu tháng 8 giảm 15,9% so với tháng 7 và giảm 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tháng 9 đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8 và giảm 10,5% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, phần lớn các DN đã đi vào sản xuất trở lại tương đối ổn định nhưng áp lực về an toàn khá nặng nề khi tại một số nhà máy công nhân dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc bệnh.
Các chi phí phòng, chống dịch Covid-19 khi quay trở lại sản xuất của DN không đáng kể. Đặc biệt theo ông Hồng khi giá xăng, dầu liên tục tăng thì nhiều DN cũng giật mình, thấp thỏm lo âu vì khả năng cao là các chi phí sẽ tiếp tục bị đội lên. Điều này sẽ tạo thêm nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi của DN.
Nếu như 3 đợt dịch trước nhiều DN còn khá chủ quan thì sau đợt thứ 4 này các DN đã có sự thay đổi rất lớn. Với chiến lược thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các DN sẽ dần thích nghi và an tâm làm việc trong điều kiện bình thường mới, từ đó đưa các ngành xuất khẩu chủ lực trở lại đường đua như thời điểm trước dịch Covid-19. |