Xuất khẩu cuối năm: Nhiều ngành đối mặt nguy cơ giảm tốc

(ĐTTCO) - Theo thông lệ, quý IV hàng năm luôn là thời điểm các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải tăng tốc, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao tại các nước nhập khẩu như Mỹ, châu Âu… Thế nhưng năm nay mọi chuyện lại khác bởi khó khăn đang bủa vây nhiều mặt hàng. 
 Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5, chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5, chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6.
Quý IV thấp thỏm đơn hàng
Khi được hỏi về tình hình các doanh nghiệp (DN) trong ngành may những tháng cuối năm 2022, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết điều DN lo nhất lúc này là thiếu đơn hàng. Thời điểm quý IV những năm trước các đơn hàng đã được gút trước đó khá lâu.
Thế nhưng năm nay, trong bối cảnh lạm phát phủ bóng tại nhiều quốc gia, cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm mạnh nhất là với những mặt hàng không thiết yếu. Điều này đẩy nhiều DN dệt may vào cảnh thiếu đơn hàng.
Hiện các DN đang nỗ lực tìm mọi cách để duy trì sản xuất, như giảm bớt giờ làm việc, phối hợp khai thác thị trường nội địa… “Tình hình cuối năm thật khó để dự báo, ngay cả với kế hoạch kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 42-43 tỷ USD cũng chưa chắc hoàn thành” - ông Hồng nhận định. 
Cũng như ngành may, xuất khẩu gỗ cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Nếu nửa đầu năm 2022 hầu hết DN trong ngành gỗ đều tất bật vì đơn hàng xuất khẩu nhiều, đặc biệt là đơn hàng đi các thị trường chính, nhưng thời điểm này nhiều con số thống kê cho thấy tình hình đang xấu đi rất nhiều.
Cụ thể, cuộc khảo sát mới nhất của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho kết quả 47/52 DN thành viên thừa nhận đơn hàng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều. Trong đó có đến 14 DN giảm 70-90% đơn hàng, mức giảm phổ biến hơn từ 30-60% với 18 DN và 15 DN giảm 10-30%. 5 DN còn lại cho biết đơn hàng tiếp tục tăng 10-30%. 
Không chỉ giảm đơn hàng, có những đơn hàng đang sản xuất khách hàng cũng hủy ngang, chưa kể có khách hàng lấy cớ hàng đầy kho bán không được đã ký gửi ở kho Việt Nam chờ ngày xuất. Thậm chí, có DN cho biết khách chỉ trả cọc và yêu cầu nhà máy tự thanh lý hàng ở thị trường nội địa…
Nguyên nhân chính đến từ việc sức mua giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn đặc biệt là thị trường Mỹ. Theo đánh giá thị trường xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm sẽ là bức tranh ảm đạm. 
Tương tự, một ngành hàng thiết yếu khác là thủy sản cũng đang lo lắng về đơn hàng. Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện có quá nhiều vấn đề bất lợi cho xuất khẩu, quý IV năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn các quý trước.
Hiện các công ty thủy sản đang lo ngại vấn đề tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đạt mức cao do nhập khẩu nhiều trong những tháng đầu năm. Khá nhiều hợp đồng đang bị tạm dừng, thậm chí có những hợp đồng đã hoàn tất nhưng bị lùi thời gian giao đến cuối năm. Thống kê hồi cuối tháng 8 của VASEP, cho thấy tình hình xuất khẩu sang nhiều thị trường có dấu hiệu giảm tốc. 
Tại thị trường Mỹ, sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nước này đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5, chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6 với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Sang tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm sâu hơn đến 30,5%. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang EU tăng trưởng 31% trong quý II, nhưng sang tháng 7 mức tăng trưởng hạ xuống còn 18%.
Một số mặt hàng chủ lực vẫn có giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, nhưng so với tháng trước đã giảm rõ rệt và mức tăng trưởng cũng thấp hơn. Riêng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vẫn tăng 25% trong tháng 7.
Tuy nhiên, trên đà tăng trưởng mạnh từ các tháng trước đó, đây là dấu hiệu nhu cầu thị trường đang chững lại. “Năm nay ngành thủy sản khả năng cao vẫn hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD. Nhưng nếu quý IV khả quan hơn, thành tích có thể tốt hơn rất nhiều” - ông Hòe chia sẻ. 
Giải pháp nào cho DN?
Hiện các DN đang phải nỗ lực tìm mọi cách để duy trì sản xuất, trong đó có cả việc phối hợp khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng nhìn nhận giải pháp này không quá khả thi, bởi các đơn hàng xuất khẩu thường rất lớn trong khi thị trường nội địa lại nhỏ, nên có khai thác cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề. Còn việc tìm thị trường mới thay thế các thị trường lớn bị sụt giảm nói thì dễ nhưng làm không đơn giản.
Mỗi thị trường có thị hiếu sản phẩm khác nhau, yêu cầu khác nhau. Hàng làm cho thị trường này không dễ để đưa qua thị trường khác. Chưa kể khách hàng của thị trường mới không phải muốn là có ngay được, mà DN cũng phải tìm kiếm rồi chào hàng, thậm chí phải kiểm tra độ tin cậy của khách hàng để tránh những trường hợp lừa đảo đáng tiếc xảy ra. 
Đó là chưa kể khi các thị trường chính như Mỹ, châu Âu sụt giảm đơn hàng trước sức ép lạm phát, tại nhiều thị trường khác tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Rồi các vụ kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường cũng đang có xu hướng gia tăng nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Nhiều DN đã phải dùng từ “vật lộn” để nói về khó khăn khi chuyển hướng thị trường xuất khẩu. 
Không ít DN cho biết có thể phải thu hẹp và giảm quy mô sản xuất, điều này sẽ khiến nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Thực tế, không phải đến nay câu chuyện chuyển hướng thị trường mới được nhắc đến. Thế nhưng, nhiều ngành hàng xuất khẩu chính vẫn xoay quanh các thị trường truyền thống. Vì như đã phân tích thị trường mới không dễ vào, lại thêm nhu cầu của nhiều thị trường cũng không lớn, đơn hàng nhỏ khiến DN chưa mặn mà. 
Đơn hàng thiếu trầm trọng, DN rơi vào khó khăn chưa tìm được lối ra. Song đó chưa phải là tất cả những thách thức DN đang phải đối mặt. Tại cuộc họp hồi cuối tháng 8 vừa qua của ngành gỗ, HAWA cho biết qua khảo sát 52 DN hội viên có tới 29 DN nói họ không được hỗ trợ gia hạn tín dụng hay vay vốn với lãi suất cao. Trong lúc cần nguồn lực sản xuất tín dụng lại bít cửa.
Trước rất nhiều khó khăn hiện nay, các DN ngành gỗ kiến nghị giảm lãi suất, miễn giảm thuế đất trong thời gian 2-3 năm; hỗ trợ giảm % đóng bảo hiểm xã hội; trợ cấp thuế từ Chính phủ; giảm bớt tần suất kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước… 
 Thiếu đơn hàng từ thị trường chính, khó tìm thị trường mới thay thế… đang là những khó khăn bủa vây DN xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Các tin khác