Khối nội bứt tốc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,87 tỷ USD (tăng 9,8%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,05 tỷ USD (tăng 5,6%).
Nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính tăng tới 19,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,7%.
Và tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD (tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 163,9 tỷ USD (tăng 13,8%, chiếm 72,2%).
Những con số trên cho thấy, mặc dù khu vực kinh tế trong nước vẫn chỉ chiếm chưa tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng lại đang có những bước tăng trưởng khá tốt so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Nếu xét theo từng nhóm hàng phải kể đến điểm sáng ngành nông sản, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21,4 tỷ USD sau 7 tháng (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Do giá xuất khẩu tăng, nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, ở mức 2 con số so với cùng kỳ năm trước, như cà phê tăng 30,9%, gạo tăng 25,1%, chè các loại tăng 34,8%, rau quả tăng 24,3%, nhân điều tăng 22,1%, hạt tiêu tăng 46,3%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 12,5%.
Tương tự, mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 8,87 tỷ USD (tăng 23,3%), da giày đạt hơn 12,8 tỷ USD (tăng 10,1%), thủy sản đạt hơn 5,28 tỷ đồng (tăng 7%).
Chia sẻ về tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm, không ít doanh nghiệp (DN), hiệp hội cho biết tình hình rất khả quan. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết đơn hàng của DN hiện đang khá dồi dào, thậm chí phải từ chối một số đơn có thời gian giao quá gấp.
Tương tự, khi nói về đơn hàng của các DN trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết hoạt động xuất khẩu tăng mạnh khi hầu hết các DN hội viên có đơn hàng đến cuối năm, cá biệt một số đơn vị nhận đến hết quý I-2025.
“Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới đang có nhiều chuyển biến tích cực, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, một số thay đổi hành vi tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, đang trở thành cơ hội cho các DN xuất khẩu nắm bắt, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay” - bà Chi cho biết thêm.
Quy định cản bước DN
Trong báo cáo tình hình xuất khẩu thủy sản tháng 7, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi liên tục tăng trưởng 2 con số từ 16-32%, xuất khẩu cá ngừ tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, từ khi Nghị định 37/2024 có hiệu lực (từ 19-5-2024), DN chế biến và xuất khẩu cá ngừ rơi vào tình thế “mệt mỏi”, vì không mua được nguyên liệu cá ngừ đóng hộp đúng theo quy định mới, đó là yêu cầu cá ngừ vằn khai thác phải đạt kích cỡ tối thiểu 0,5m.
Theo đó, một số DN cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân, do không đảm bảo kích cỡ (size) đạt 0,5m trở lên. Trong khi giai đoạn này đang là 3 tháng “vào vụ” từ tháng 7 đến tháng 9, mùa khai thác cá ngừ vằn của ngư dân Việt Nam.
Khi nói về đơn hàng của các DN trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết hoạt động xuất khẩu tăng mạnh khi hầu hết các DN hội viên có đơn hàng đến cuối năm, cá biệt một số đơn vị nhận đến hết quý I-2025.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Định, cho rằng quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác cá ngừ vằn 500mm là hoàn toàn không phù hợp với thực tế, bởi size 500mm trở lên chỉ chiếm tỷ lệ trung bình 5-7% trong các lô khai thác ngừ vằn hiện nay. Trong khi tiêu chuẩn thương mại quốc tế bình thường hiện nay nhỏ hơn rất nhiều, và đặc biệt chưa thấy quốc gia nào quy định cấm khai thác ngừ vằn nhỏ hơn 500mm.
Ngay như Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), cũng chưa có bất cứ báo cáo hay thông báo nào, rằng cá ngừ vằn bị khai thác quá mức hay quy định khai thác theo size.
Như vậy quy định này sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá thêm tiêu chí “ngư cụ” vào phần kiểm tra cấp phép xuất bến, cập bến, còn các DN chế biến xuất khẩu chắc chắn sẽ không có nguồn nguyên liệu ngừ vằn để thu mua sản xuất.
Nói về một số quy định “làm khó” DN, gần đây một vấn đề không mới nhưng tiếp tục được các DN ngành thực phẩm kiến nghị, liên quan đến tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu trong chế biến thực phẩm.
Đó là sau 8 năm kiến nghị, quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối, và sắt, kẽm vào bột mì tưởng chừng được các cơ quan quản lý lắng nghe, thì trong dự thảo sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế đã làm khó không ít DN, nhất là khi vừa làm hàng xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường nội địa.
Tại hội thảo do 6 hiệp hội DN, ngành nghề tổ chức mới đây tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Tình, Phó Tổng Giám đốc CTCP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cho biết, sản phẩm mì của Vifon không chỉ tiêu thụ trong nước, mà công ty còn xuất khẩu sản phẩm đến hàng trăm quốc gia.
Nhưng tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài khác nhau, nên để sản xuất được cả sản phẩm có sử dụng bột mì cho thị trường xuất khẩu và nội địa, DN phải dừng máy thay đổi nguyên liệu, tốn rất nhiều chi phí để vệ sinh, điện nước và thời gian từ 10-15 giờ mới chuyển được dây chuyền vận hành làm hàng nội địa sang hàng xuất khẩu.
Còn nếu nói việc đầu tư mua mới dây chuyền sản xuất phục vụ riêng xuất khẩu và nội địa, đại diện Vifon cho rằng quá tốn kém và không cần thiết.
Thách thức ở thị trường Mỹ
Những năm qua, khi Việt Nam ngày càng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, cánh cửa xuất khẩu ngày càng mở rộng, nhưng những thách thức theo đó cũng nhiều hơn lên. Một trong số đó là việc các DN phải đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng gia tăng ở các quốc gia nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước họ, đặc biệt là từ thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ.
Cục PVTM (Bộ Công Thương) dẫn thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, Mỹ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM, và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp PVTM lớn nhất với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đến nay Mỹ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Theo Cục PVTM, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (KTTT), có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC). Trong các vụ việc điều tra CBPG, khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT, Mỹ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc CBPG, khiến mức thuế CBPG tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của DN Việt.
Trong các vụ việc điều tra CTC, Mỹ cũng sử dụng ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế khi tính toán biên độ trợ cấp, khiến mức thuế CTC tăng cao. Thí dụ, Mỹ có thể dùng lãi suất vay hay tiền thuê đất của nước khác làm ngưỡng chuẩn (thường ở mức cao), để so sánh với lãi suất vay hay tiền thuê đất của DN Việt Nam (thường ở mức thấp hơn) để tính lợi ích DN nhận được, khiến biên độ trợ cấp bị đẩy lên cao.
Nói về quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền KTTT, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (DN xuất khẩu tôm), cho rằng sự kiện này không khách quan, bởi Việt Nam đã được 73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận có nền KTTT, trong đó có Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Đây đều là những quốc gia lớn. Quyết định này chắc chắn gây bất lợi cho các DN Việt có xuất hàng vào Mỹ chẳng may vướng các vụ kiện như CBPG hay CTC. Bởi qua đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ không công nhận các dữ liệu của các DN Việt Nam cung cấp để xem xét thuế, mà lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây nhiều phiền phức, phí tổn, thậm chí không công bằng.
Tương tự ngành tôm, không ít DN trong ngành gỗ cũng cảm thấy quyết định chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT của Mỹ sẽ còn làm khó DN. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường DN phải đối mặt với nhiều vụ điều tra CBPG, CTC.
Ngay sau quyết định của Mỹ, Bộ Công Thương cho biết: “Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra CBPG và CTC để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng DN”.
Hiện VASEP đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, báo cáo kiến nghị sửa đổi Nghị định 37 phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn, trong đó có nội dung liên quan đến quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn.