Xuất khẩu nông sản vào EU: Tránh để lợi thế trở thành thách thức

(ĐTTCO)-Xuất khẩu nông sản cần đảm bảo quy định của các thị trường trong liên minh châu Âu đề ra, để tránh không được ưu đãi thuế, thậm chí còn bị phạt về thuế cũng như gian lận xuất xứ hàng hóa.
Xuất khẩu nông sản vào EU: Tránh để lợi thế trở thành thách thức

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020. Sau 3 năm thực thi Hiệp định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với thị trường EU vẫn đạt gần 128 tỷ USD. Đáng chú ý, thị trường EU đã và đang là một trong những thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng đối với nông sản hàng hóa Việt Nam.

Nông sản vào EU vẫn ở mức khiêm tốn

Khẳng định tính hiệu quả cũng như những lợi thế do EVFTA mang lại khá khả quan, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam dưới tác động của EVFTA đã có lợi thế lớn tại thị trường EU.

Nông sản Việt đang ngày càng có giá trị gia tăng cao khi có chi phí lao động khá thấp, với 42% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu nông sản trong nước khá phong phú về chủng loại lại có sản lượng lớn và giá rẻ, nhất là lĩnh vực trái cây nhờ ưu đãi về vị trí địa lý tự nhiên, điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng nên diện tích cây ăn trái ngày càng được mở rộng.

Nhiều thị trường trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Trung Đông, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên các châu lục đã có sự xuất hiện của nông sản Việt. Theo thống kê tương đối, xuất khẩu nông sản với 11 mã HS quy ra kim ngạch tăng trưởng 12%-15% tương ứng với 2,6 tỷ USD năm 2021. Đến năm 2022 tăng trưởng đã đạt 21% với kim ngạch 3,2 tỷ USD cho thấy tiềm năng rất khả quan, nhưng so với tổng cầu nhập khẩu nông sản của thế giới, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn ở mức độ khiêm tốn.

Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Hiệp định EVFTA chính là điểm lợi thế cho các DN xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên theo ông Lăng, muốn được hưởng ưu đãi thuế quan sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chí xuất xứ hàng hóa, do đó cần có các biện pháp triển khai cụ thể. Đặc biệt, nếu không đảm bảo quy định của các thị trường trong liên minh đề ra, sản phẩm sẽ không được ưu đãi thuế, thậm chí còn bị phạt về thuế cũng như gian lận xuất xứ hàng hóa.

“Các nhà sản xuất, xuất khẩu cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất bảo quản thuộc danh mục cấm của EU. DN nếu không nghiên cứu kỹ sản phẩm sẽ bị trả về, hoặc bị lưu giữ hải quan khiến DN tốn kém rất nhiều chi phí. Ngoài ra, EU còn lên cảnh báo trên toàn hệ thống các quốc gia trong khu vực, khiến sản phẩm sẽ bị cấm nhập khẩu, bị rút khỏi hệ thống phân phối trên toàn châu Âu”, ông Lăng lưu ý.

Coi trọng quy tắc xuất xứ

Ngoài những nội dung về ưu đãi thuế dành cho hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sẽ được bãi bỏ đến 99% trong vòng 10 năm, TS. Remi Nguyễn, Trường Đại học Luật CNRS (Pháp), Tổng giám đốc Công ty tư vấn MLR, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cũng lưu ý các DN xuất khẩu quan tâm đến rào cản phi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý cũng như nâng cao hiệu quả của quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với nông sản xuất khẩu vào EU.

Quy tắc xuất xứ sản phẩm rất quan trọng trong quá trình xuất khẩu nông sản vào EU

Trong đó, việc giảm dần thuế quan sẽ mang lại cho hai bên khoảng thời gian để phát triển khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Mỗi bên sẽ phải có lộ trình để đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm xuất nhập khẩu cùng loại. Trong lộ trình này, cả EU và Việt Nam đã thiết lập lộ trình cắt giảm biểu thuế cho các loại sản phẩm, khoảng thời gian áp dụng cũng như danh mục sản phẩm sử dụng lộ trình cắt giảm đến khi đạt mức ưu đãi tốt nhất.

“Quy tắc xuất xứ sản phẩm rất quan trọng trong quá trình xuất khẩu nông sản vào EU. Các sản phẩm phải được sản xuất tại khu vực đã đăng ký chứng nhận sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm phải chứng minh được có hàm lượng giá trị gia tăng cao ngay từ trong nước, xem xét không áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao khi có yếu tố nguồn gốc nguyên liệu từ quốc gia khác”, TS. Remi Nguyễn khuyến nghị.

Lấy ví dụ sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào EU sử dụng nguyên liệu vải của Trung Quốc là không đảm bảo quy tắc xuất xứ, nhưng vẫn là sản phẩm đó nếu nguyên liệu vải nhập từ Hàn Quốc lại đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA. Vì thế TS. Remi Nguyễn đề xuất các DN xuất khẩu cần phải nắm rõ từng quy định về nguồn gốc xuất xứ trước khi xuất khẩu sản phẩm vào EU để được hưởng các ưu đãi nhất định.

Các tin khác