Xuất khẩu sang Mỹ sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024

(ĐTTCO) - Năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ suy giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Bước qua năm 2024, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đều kỳ vọng những tín hiệu khả quan hơn từ thị trường lớn này.

Năm 2024 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD.
Năm 2024 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD.

Đơn hàng sẽ phục hồi

Khép lại năm 2023, ngành gỗ và các sản phẩm gỗ chỉ có thể mang về 13,37 tỷ USD, thấp hơn 3 tỷ USD so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm, do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính như Mỹ, EU sụt giảm mạnh, doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng nhất là trong 2 quý đầu năm.

Song từ những tín hiệu phục hồi trong các tháng cuối năm, năm 2024 toàn ngành vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm hơn phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi tốt. Bởi lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, việc làm đang tăng, đặc biệt xây dựng và mua bán nhà đất có tín hiệu tích cực, cho thấy xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại.

Đáng chú ý, các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là nguồn cung ứng quan trọng, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng của mình, nên khả năng tăng trưởng trở lại của mặt hàng gỗ Việt ở thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất thế giới là khả quan.

Cùng với đó, nhiều nhóm ngành khác cũng tin tưởng vào những tín hiệu lạc quan của thị trường này như xuất khẩu tôm. Những năm qua Mỹ là một trong số những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 15% so với cùng kỳ, nhưng đây vẫn là thị trường lớn nhất của con tôm Việt với tổng kim ngạch 682 triệu USD.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tăng nhẹ trong năm 2024, khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt và doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi. Tương tự, ngành may cũng tin vào sự phục hồi của thị trường Mỹ.

Khi đặt ra mục tiêu kim ngạch 44 tỷ USD cho năm 2024 (tương đương kết quả kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành năm 2022), Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn như Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu hàng dệt may.

Chuỗi suy giảm lâu nhất trong vòng 10 năm qua của xuất khẩu Việt Nam đã chạm đáy, nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024, nhất là với thị trường Mỹ.

Nhận định của Tập đoàn VinaCapital

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tháng 1-2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,2 tỷ USD tăng 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31-1, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thông tin Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm 2025, do đó chính sách thương mại khó có thay đổi đáng kể trong năm 2024.

Tuy nhiên, để thu hút cử tri, chính quyền hiện tại có thể đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, từ đó tạo ra nhiều khó khăn thông qua các rào cản phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Thận trọng trước thách thức

Nói về rào cản PVTM tại Mỹ, tôm đang là ngành gặp nhiều thách thức. Bà Kim Thu cho biết mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đang khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ hiện tại. Mặc dù hiện nay một số doanh nghiệp xuất hàng theo hình thức FOB (người bán hết trách nhiệm khi hàng được giao xuống tàu đúng thời gian, địa điểm trong hợp đồng), chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá cước tàu biển tăng, song về lâu dài nếu tình hình ở Biển Đỏ không cải thiện, việc ảnh hưởng là không tránh khỏi.

Bởi bất cứ khâu nào trong chuỗi giá trị tăng lên khiến người mua sản phẩm, dịch vụ cuối cùng phải chi nhiều hơn. Đồng nghĩa, hàng hóa bị mất khả năng cạnh tranh, thị phần của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ngoài vấn đề về PVTM và khó khăn trước mắt do căng thẳng tại Biển Đỏ, nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng cần lưu ý đến những quy định ngày càng khắt khe hơn từ Mỹ. Chẳng hạn, mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ cần hết sức lưu ý môi trường pháp lý của Mỹ yêu cầu các sản phẩm gỗ nhập khẩu đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, an toàn, doanh thu và thương mại công bằng.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam phải tuân thủ các quy định về gỗ hợp pháp, đồng thời nhanh chóng thích ứng với những quy định mới. Tương tự, ngành may để có chỗ đứng vững chắc trong thị trường lớn Mỹ, phải đáp ứng được các yêu cầu về xanh hóa và tiết kiệm năng lượng. Điều đáng mừng, các doanh nghiệp dệt may đang ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu từ nhà nhập khẩu.

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% (tương đương đạt 377 tỷ USD). Đây là mục tiêu nhiều thách thức, song với việc bám chắc các thị trường trọng điểm và mở rộng thêm thị trường mới, khả năng hoàn thành mục tiêu là có cơ sở.

Với riêng thị trường Mỹ trước cả cơ hội và thách thức đan xen, ông Hưng kiến nghị cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngành hàng địa phương cần tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách của Mỹ ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc, có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Thương vụ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến xuất khẩu tại Mỹ.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các đối tác, xác minh tư cách pháp nhân nhằm tránh các rủi ro trong giao dịch thương mại cho doanh nghiệp…

Các tin khác