Thương mại 6 tháng năm 2016

Xuất siêu thiếu bền vững

(ĐTTCO)  - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam có xuất siêu tăng mạnh, bởi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm. Điều này giúp doanh nghiệp (DN) Việt nâng cao sức cạnh tranh ở nhiều thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về tổng thể có những dấu hiệu thiếu bền vững.

(ĐTTCO)  - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam có xuất siêu tăng mạnh, bởi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm. Điều này giúp doanh nghiệp (DN) Việt nâng cao sức cạnh tranh ở nhiều thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về tổng thể có những dấu hiệu thiếu bền vững.

Xuất siêu nhờ khu vực FDI

Trong cán cân thương mại 6 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 11,2 tỷ USD để cán cân Việt Nam có con số xuất siêu 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, nguy cơ tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%. 6 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%. Kim ngạch hàng hóa  nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực FDI đạt 47,3 tỷ USD, giảm 1,8%. 

Xuất siêu của Việt Nam hoàn toàn đến từ khu vực FDI với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử và linh kiện, máy tính các loại. Những mặt hàng này chủ yếu gia công, lắp ráp ở Việt Nam. Do vậy giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế và tác động lan tỏa tới khu vực DN trong nước chưa nhiều. Và trong dài hạn, nền kinh tế cứ tiếp tục xuất siêu nhờ nước ngoài, đến lúc nào đó họ chuyển lợi nhuận về nước thì “của để dành” của Việt Nam sẽ không còn gì.

TS. Bùi Trinh, Chuyên gia kinh tế 

Có nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng tốt hơn nhập khẩu. Chẳng hạn điện thoại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 16,7%; dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%. Trong khi đó ở nhóm hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13,1 tỷ USD, giảm 5,9%; xăng dầu đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,5% (lượng tăng 28,1%); điện thoại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, giảm 7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 878 triệu USD, giảm 19,4%. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phải kể đến là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,5 tỷ USD, tăng 12,1%; kim loại thường khác đạt 2,2 tỷ USD, tăng 24,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,3%...

 Về nguyên nhân xuất siêu, theo một số chuyên gia có thể do DN FDI thận trọng hơn trong nhập khẩu nguyên liệu và phụ tùng, bởi năm ngoái họ đã tích cực nhập khẩu những mặt hàng này. Bên cạnh đó, DN FDI cũng đang muốn giảm bớt hàng tồn kho. Nguyên nhân nữa khiến xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng do giá xuất khẩu hàng hóa cơ bản hồi phục. Tuy nhiên, nếu lượng hàng tồn kho của DN FDI giảm, nhóm này sẽ tăng nhập khẩu trở lại. Vì thế nhiều dự báo cho rằng xu hướng xuất siêu sẽ khó duy trì trong năm tới. Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy mức độ tăng nhập khẩu của khu vực DN trong nước khá thấp. Đặc biệt, với sự sụt giảm mạnh của kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, cho thấy nhu cầu đầu tư dài hạn cho sản xuất giảm mạnh và có điều kiện sẽ tăng lượng hàng nhập khẩu…

Giảm Trung Quốc nhưng đối mặt với FTA

Theo nhiều chuyên gia, một trong những lo ngại đối với kinh tế Việt Nam là nhập khẩu quá lớn từ Trung Quốc. Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng hàng năm của hàng hóa nhập từ Trung Quốc rất cao. Sau những tháng đầu năm 2016 có một bất ngờ là kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 23,3 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này cũng cao hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 9,2 tỷ USD. Dù vậy, điểm tích cực đáng ghi nhận là xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.  

Những hiệp định ký kết mở ra vận hội mới cho cộng đồng DN, để doanh nhân hội nhập và phát triển. Bởi khi các FTA có hiệu lực và đi vào thực thi, Việt Nam và các nước đối tác tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết đã tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hóa. Khi đó thị trường trong nước sẽ dồi dào và phong phú các sản phẩm ngoại nhập, nhưng đồng thời hàng hóa của Việt Nam cũng phải cạnh tranh khốc liệt khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Hoàng Quang Phòng,Phó Chủ tịch VCCI

Từ trước đến nay, nhóm hàng nhập khẩu hàng tỷ USD từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày. Vì thế, việc điều chỉnh lại cơ cấu xuất nhập khẩu với Trung Quốc là bài toán đang được đặt ra lâu nay. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng còn sớm để đánh giá xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu giảm dần. Bởi việc nhập khẩu một số nguyên vật liệu từ Trung Quốc giảm có thể do một số ngành sản xuất của Trung Quốc đã chuyển qua Việt Nam như dệt nhuộm, hóa chất, chế biến giấy… Tình hình này cho thấy việc giảm nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ thực sự tích cực khi Việt Nam không còn phụ thuộc quá nhiều vào các mặt hàng tiêu dùng và máy móc lạc hậu từ nước này.

 Một thị trường khác đáng chú ý của Việt Nam là Hàn Quốc. Đây là quốc gia Việt Nam thường nhập siêu rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu từ nước này ước đạt 14,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ đạt 5,1 tỷ USD, dù đã tăng 39%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là Hoa Kỳ, với giá trị 17,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỷ USD, tăng 9,8%. Đối với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, giảm 12,6% và nhập khẩu 11,5 tỷ USD, giảm 3,4%.

Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực là FTA ASEAN và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia-New Zealand; 2 FTA song phương với Nhật Bản và Chile. Có 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là FTA Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu; 2 FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm FTA Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, với việc tham gia các FTA này, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam không phải chịu thuế suất hoặc có thuế suất rất thấp. Đây là cơ hội cho DN trong nước, đặc biệt khi TPP đi vào thực tế kỳ vọng sẽ giảm việc nhập khẩu quá lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong những lo ngại hiện nay là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác. Vì thế việc mở toang cánh cửa hội nhập đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn.

 Cuộc đua khốc liệt

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 427.800 tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số DN quay trở lại hoạt động 14.902, tăng 75,2% và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động 31.119, tăng 15%. Một khảo sát cũng cho thấy có 26,5% DN dự kiến tăng quy mô lao động; 7% DN cho rằng sẽ giảm và 66,5% DN không có biến động quy mô lao động trong những tháng cuối năm. Những con số này cho thấy có nhiều điểm tích cực đối với DN Việt Nam. Số DN mới thành lập và DN dự kiến mở rộng quy mô vượt trội so với số DN dừng hoạt động hoặc giảm quy mô. Điều này cũng được thể hiện qua việc vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm lên tới 618.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP lên đến 32,9%, một tỷ lệ khá cao so với mức trung bình những năm gần đây. Đặc biệt đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong thời gian qua cũng tăng khá mạnh.

Một điểm tích cực khác là đầu tư của khu vực DN FDI trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng tăng khá. Tổng số dự án được cấp phép lên tới 1.145 với số vốn đăng ký đạt 7.497 triệu USD, tăng 51,3% về số dự án và tăng 95,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 535 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 3.787 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 11.284 triệu USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay xuất khẩu của các DN FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trước khi đầu tư vào Việt Nam, DN FDI đều đã hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm của họ. Do đó, DN Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị đó phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe. Trong khi đó Việt Nam hiện nay có khoảng 400.000 DNNVV yếu về vốn, năng lực quản trị, công nghệ và kinh nghiệm tiếp cận thị trường. Nhiều đánh giá cho rằng DN Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để trở thành một trong những mắt xích của DN FDI. Ngoài ra, khi các FTA, TPP có hiệu lực, nhiều DN nước ngoài sẽ vào, DN nội không có năng lực sẽ dễ bị đào thải. DN Việt Nam đang đứng trước một cuộc đua khốc liệt.

Các tin khác