Xung đột Gaza bao giờ tới hồi kết?

(ĐTTCO) - Đã hơn 2 tháng sau khi Hamas tấn công miền Nam Israel vào ngày 7-10 giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ 240 người, và Israel đã đáp trả bằng các cuộc ném bom và pháo binh, khiến hơn 16.000 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 7.000 trẻ em.

Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel ở Khan Younis. Ảnh: Ibraheem Abu Mustafa/Reuters
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel ở Khan Younis. Ảnh: Ibraheem Abu Mustafa/Reuters

Ngày càng chia rẽ

Các cuộc tấn công của binh lính Israel và người định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng đã giết chết hơn 200 người Palestine, buộc toàn bộ cư dân phải rời bỏ nơi trú ẩn. Các bệnh viện, trường học và trại tị nạn trở thành mục tiêu, trong đó nhân viên và cơ sở của Liên hiệp quốc (LHQ) cũng bị Israel tấn công.

Trong bối cảnh đó, các xung đột ngoại giao cũng ngày càng sâu sắc. Các cuộc bỏ phiếu của LHQ, các bình luận của công chúng và các bước ngoại giao quan trọng trong 2 tháng qua, cho thấy cuộc chiến đã gây chia rẽ thế giới như thế nào.

Cụ thể, thế giới vẫn chưa thống nhất được nên dùng từ “ngưng bắn” hay “tạm dừng nhân đạo” để mô tả việc chấm dứt bạo lực và thù địch. Trong khi nhiều nước ủng hộ lệnh ngừng bắn, đồng minh của Israel lại kêu gọi tạm dừng.

Theo LHQ, lệnh ngừng bắn là “sự chấm dứt mọi hành động bạo lực chống lại dân thường”, trong khi tạm dừng nhân đạo là “sự chấm dứt tạm thời các hành động thù địch vì mục đích nhân đạo”. Tạm dừng hoặc đình chiến là tạm dừng chiến đấu trong khoảng thời gian nhất định.

Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu 5 nghị quyết trong suốt cuộc chiến và không thông qua được 4 nghị quyết, do sự bất đồng của các quốc gia. Trong số 15 thành viên, 4 thành viên đã bỏ phiếu chống (Pháp, Nhật Bản, Anh và Mỹ) dự thảo đầu tiên do Nga dẫn đầu kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức vào ngày 16-10, với lý do dự thảo không nêu tên hay lên án Hamas.

Brazil dẫn đầu dự thảo thứ hai vào ngày 18-10, lên án Hamas và kêu gọi tạm dừng nhân đạo, đã thu được số phiếu ủng hộ áp đảo, song lại bị Mỹ phủ quyết. Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết do nghị quyết không đề cập đến quyền tự vệ của Israel.

Dù LHQ nỗ lực kêu gọi chấm dứt xung đột, chính quyền Israel cho biết sẽ vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự kéo dài tại Dải Gaza.

Ngày 25-10, Nga đề xuất một dự thảo khác, kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và thả những người bị Hamas giam giữ.

Tuy nhiên, nghị quyết cũng không lên án Hamas. Chỉ có 4 thành viên bỏ phiếu ủng hộ. Vương quốc Anh cho biết họ muốn Hội đồng Bảo an làm việc hướng tới “văn bản cân bằng” và dự thảo của Nga không ủng hộ quyền tự vệ của Israel.

Mỹ cũng dẫn đầu dự thảo nghị quyết ngày 25-10, kêu gọi tạm dừng vì mục đích nhân đạo thay vì ngừng bắn. 10 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nhưng các thành viên thường trực Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết này.

LHQ cuối cùng đã thông qua nghị quyết do Malta dẫn đầu kêu gọi tạm dừng nhân đạo và chuyển hàng viện trợ tới Gaza vào ngày 15-11. Mỹ, Anh và Nga đã bỏ phiếu trắng, với 12 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ.

Jordan đã dẫn đầu nghị quyết không mang tính ràng buộc tại Đại hội đồng LHQ vào ngày 27-10, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, cùng với việc tiếp cận không bị cản trở với viện trợ nhân đạo tại khu vực bị bao vây, cũng như yêu cầu Israel rút lại lời kêu gọi sơ tán ở phía Bắc Gaza.

Có tới 120 quốc gia, trong đó có Pháp, đã bỏ phiếu ủng hộ. Chỉ có 14 quốc gia, trong đó có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, trong khi 45 quốc gia bỏ phiếu trắng. Nghị quyết này đã được thông qua.

Sẽ kéo dài nhiều tháng?

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với hãng tin AP, giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột là các cuộc giao tranh ác liệt trên bộ được hỗ trợ bởi lực lượng không quân, có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí trong nhiều tháng.

Theo ông Gallant, hiện lực lượng Israel chiến đấu với phiến quân trong và xung quanh thành phố Khan Younis phía Nam, nơi quân đội đã mở tuyến tấn công mới vào tuần trước. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi Hamas “đầu hàng ngay bây giờ”, đồng thời cho biết hàng ngàn chiến binh đã thiệt mạng trong cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 3.

Theo Bộ Y tế của Hamas, 2 tháng không kích cùng với cuộc tấn công trên bộ của Israel đã khiến hơn 18.200 người Palestine thiệt mạng. Mỹ đã bày tỏ quan ngại trước các báo cáo cho rằng Israel đã sử dụng phốt pho trắng do Mỹ cung cấp trong các cuộc tấn công vào Lebanon, đồng thời cho biết thêm họ đang tìm kiếm thêm thông tin chi tiết về các cáo buộc.

Trước đó, Lebanon đã cáo buộc Israel sử dụng vũ khí gây cháy vào tháng 10, trong khi tờ Washington Post tuần trước cho biết phân tích các mảnh đạn pháo từ một cuộc tấn công cho thấy đạn do Mỹ sản xuất. Việc sử dụng phốt pho trắng làm vũ khí hóa học bị cấm theo luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với các điều kiện nhân đạo, Israel tuyên bố sẽ sàng lọc viện trợ cho Gaza tại 2 trạm kiểm soát bổ sung, trước khi gửi chúng đến Gaza qua cửa ngõ Rafah.

Cơ quan nhân đạo LHQ OCHA hôm 10-12 cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo từ Ai Cập đến Gaza kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần kết thúc vào ngày 1-12, so với mức trung bình hàng ngày là 500 xe trước xung đột.

Theo một tuyên bố chung của quân đội Israel và COGAT, cơ quan của Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự của Palestine, các trạm kiểm soát bổ sung sẽ sàng lọc “các xe tải chở nước, thực phẩm, vật tư y tế và thiết bị trú ẩn”. Tuyên bố nhấn mạnh "sẽ không có nguồn cung cấp nào được đưa vào Dải Gaza từ Israel", mà chỉ qua Ai Cập.

Các cơ quan viện trợ đã cảnh báo nạn đói đang ngày càng trầm trọng tãi Gaza. Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết một nửa dân số đang chết đói. Các quan chức LHQ cũng cho biết 1,9 triệu người - 85% dân số Gaza - phải di dời và mô tả các điều kiện ở các khu vực phía Nam nơi họ tập trung là “địa ngục”.

Ngày 13-12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza và trả tự do vô điều kiện cho các con tin ngay lập tức. Tại phiên bỏ phiếu, Nghị quyết đã nhận được 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng. Trong khi đó, giao tranh dữ dội tiếp tục diễn ra đồng thời ở phía Bắc và phía Nam của dải Gaza.

Các tin khác