Công điện Thủ tướng nêu rõ, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8, bước đầu đã đi vào cuộc sống góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Việc triển khai đưa Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các khó khăn vướng mắc từ thực tiễn. Theo đề xuất của các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh thời gian sớm 5 tháng hiệu lực của Luật Đất đai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành luật, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã hoàn thành việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ trước ngày 1-8.
Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành và địa phương đã rất nỗ lực ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai được thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, tiến bộ mà Luật Đất đai đã đề ra.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực tế và tổng hợp báo cáo của các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tỉnh thành vẫn chưa ban hành đầy đủ các nội dung được giao trong luật và các nghị định; đặc biệt, một số tỉnh thành chưa ban hành được một nội dung nào để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (gồm các tỉnh thành: Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước, An Giang).
Thủ tướng phê bình các tỉnh thành phố còn chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh thành thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng. Các địa phương chậm ban hành văn bản quy định theo thẩm quyền phải đánh giá nguyên nhân, tác động ảnh hưởng đến kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn địa phương mình; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra việc ban hành chậm, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 15-10.
Các địa phương tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15-10, báo cáo kết quả Bộ TN-MT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.
Các địa phương cũng cần chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổ chức phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai; bố trí nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn ở địa phương; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền, không để xảy ra ách tắc làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt, đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương.
Thủ tướng giao Bộ TN-MT thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả công điện này.