Yêu cầu trình NQ mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian sớm nhất

(ĐTTCO)-Quốc hội không quy định “cứng” về thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 là vào ngày 31-12-2023 để bảo đảm linh hoạt, thống nhất với nội dung trong nghị quyết và phù hợp với thực tiễn.
Quốc hội chiều 15-11: Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội chiều 15-11: Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 15-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Cùng với đó thông qua 13 nghị quyết, trong đó có: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Quốc hội yêu cầu trình Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian sớm nhất ảnh 2Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sang kỳ họp kế tiếp; cho ý kiến lần đầu về 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư, tài chính, tài sản, đất đai, xây dựng cơ bản thông qua đấu thầu, đấu giá; quản lý thuế; giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; công tác phòng, chống cháy nổ; an toàn giao thông; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Quốc hội yêu cầu trình Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian sớm nhất ảnh 3Các ĐBQH dự họp chiều 15-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Kể từ khi Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.

Quốc hội cũng đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam; giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất. Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TPHCM được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quốc hội không quy định “cứng” về thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 là vào ngày 31-12-2023 để bảo đảm linh hoạt, thống nhất với nội dung trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 và phù hợp với thực tiễn (về nguyên tắc, Nghị quyết 54 sẽ được thực hiện cho tới khi có văn bản mới do Quốc hội ban hành thay thế nghị quyết này) có hiệu lực.

Quốc hội yêu cầu trình Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong thời gian sớm nhất ảnh 4Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự phiên bế mạc. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức hội nghị kỷ niệm 80 năm thực hiện “Đề cương văn hóa Việt Nam”, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại, các lễ hội văn hóa bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Các tin khác