Không ưu đãi lãi suất cào bằng, doanh nghiệp lãi lớn không cần hỗ trợ
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chiều 12-7 đã họp trực tuyến với 16 ngân hàng, để thống nhất các phương thức, thời gian giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 63 của Chính phủ.
Lãnh đạo các ngân hàng đều thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng phải xem xét đối tượng vay vốn cụ thể, để việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất đúng địa chỉ, đúng khách hàng đang có khó khăn thực sự.
Thực tế, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến doanh nghiệp này nhưng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp khác, không thể cào bằng việc hỗ trợ. Các ngân hàng yêu cầu cần có tiêu chí đánh giá khách hàng, đảm bảo ưu tiên các đối tượng sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, ưu tiên cho doanh nghiệp có đơn hàng lớn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
Việc phân loại đối tượng hỗ trợ chính xác là việc làm cần thiết, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên HĐTV Agribank, cho biết ngân hàng đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Có khoản sẽ giảm 0,5%/năm, có khoản sẽ giảm 2 - 2,5%/năm. Tính trung bình, lãi suất cho vay của Agribank sẽ giảm khoảng 1%/năm.
Phó tổng giám đốc Sacombank - ông Phan Đình Tuệ, cho rằng với tổng dư nợ ở mức khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng giảm lãi suất 1% trong vòng 5-6 tháng, lợi nhuận cũng giảm trên 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch.
Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các nhà băng sẽ thực hiện giảm lãi suất với đúng đối tượng, là các khách hàng thực sự khó khăn.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ đánh giá cao tinh thần đồng chia sẻ của ngân hàng thương mại. Ông cho rằng quy mô và năng lực mỗi ngân hàng một khác, do đó mức độ hỗ trợ khách hàng cũng khác nhau. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến thị trường, can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Thống kê của VNBA, chỉ riêng giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (cuối tháng 4-2021) nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng với quy mô hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho các đối tượng vay vốn.
Như Agribank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân khu vực đô thị vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi 6,5-7%/năm; dành 30.000 tỷ đồng đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp SMEs, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm tới 4,5%/năm. Nhà băng này cũng dành 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu.
Từ ngày 16-6, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 lên 200.000 tỷ đồng, nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
BIDV cũng có gói hỗ trợ 135.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5-5,5%/năm cho các khoảng vay dưới 12 tháng.
Vietcombank đã giảm lãi vay và phí đối với khách hàng tại Bắc Giang, Bắc Ninh trong thời gian 3 tháng, mức giảm 1% với khoản vay VND và 0,5% với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới; giảm phí đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản với khách hàng cá nhân...
VietinBank ngoài việc tung gói 700 tỷ đồng tài trợ ngành máy móc thiết bị nông nghiệp, lãi từ 5,2%/năm, thì còn nhiều ưu đã lớn cho khách hàng hoạt động lĩnh vực xuất khẩu...
Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng.
SaiGonBank cũng tung gói tín dụng 900 tỷ đồng với lãi suất từ 5,5%/năm, giảm 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng, kéo dài đến hết ngày 31-8-2021.
BacABank có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng lãi từ 6,8%/năm cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng, và từ 7,3%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng.
SeABank, MSB và SHB đã tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.