Lạm phát dự báo tăng nhưng vẫn... thuận lợi
Số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê phát đi hôm cuối tuần cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12-2020. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 4-2021 có 4 nhóm giảm giá so với tháng trước, gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; bưu chính, viễn thông; văn hóa, giải trí và du lịch.
Số liệu tháng 4 đã tiếp tục làm dịu đi những lo lắng, rằng lạm phát quay lại sẽ chấm dứt xu hướng lãi suất thấp duy trì suốt thời gian qua. Trước đó, CPI tháng 3-2021 ghi nhận tăng 0,27% so với tháng trước và bình quân CPI quý I-2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm vẫn khiến TTCK tháng 3 và tháng 4 đã phập phồng lo lắng.
Tương quan VN Index và tỷ lệ P/E. Giai đoạn cuối tháng 4 thị trường giảm ít nhưng P/E giảm nhanh hơn là
do tính tới yếu tố kết quả kinh doanh quý I-2021. Nguồn FiinPro
do tính tới yếu tố kết quả kinh doanh quý I-2021. Nguồn FiinPro
Nếu mổ xẻ những yếu tố tác động lên CPI quý I có thể thấy giá lương thực, thực phẩm cũng như chi tiêu ăn uống ngoài gia đình, giá nhiên liệu tăng đã tác động kéo CPI. Trong khi đó giá nhiên liệu, điện nước, vật liệu xây dựng giảm. Đặc biệt là giá điện sinh hoạt giảm 7,28%, giá xăng dầu giảm 9,54%. Trên cơ sở này, các công ty chứng khoán (CTCK) đều nhận định trong thời gian tới diễn biến lạm phát sẽ ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi hơn thách thức. CTCK VCBS dự đoán lạm phát trong năm 2021 sẽ trong khoảng 3-3,5%. CTCK Bảo Việt cũng đưa ra con số tương tự. Dự báo này thấp hơn một chút so với con số mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 28-4 vừa qua đưa ra 3,8%.
Tuy vậy điểm chung là các phân tích đều chỉ ra rằng mặt bằng lạm phát đang ở mức thấp, nhưng khó có thể thấp hơn mà tiềm ẩn nhiều yếu tố thúc đẩy tăng, dù mức tăng chưa đáng ngại. Khi nhìn về xu hướng, giai đoạn hiện tại cũng như cả năm 2021 có khả năng duy trì mặt bằng lạm phát thấp, nhưng là tăng dần theo thời gian. Điều này là hiển nhiên vì khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại, áp lực lạm phát cũng tăng theo. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2021, giá dầu tăng mạnh như một tín hiệu rõ ràng về kỳ vọng các nền kinh tế trên thế giới sẽ quay lại công suất hoạt động gần như bình thường trước đại dịch. Giá các loại hàng hóa cơ bản cũng tăng với tốc độ chóng mặt.
Một ước tính của CTCK Bảo Việt cho rằng trong năm 2020, chỉ số giá nhóm ngành giao thông giảm mạnh 19,57% do giá xăng dầu giảm mạnh. Giá xăng RON 95 đóng cửa tháng 4-2020 tại đáy 11.631 VNĐ/lít. Kết thúc quý I-2021, giá xăng RON 95 đã tăng lên mức 19.045 VNĐ/lít, cao hơn 38,12% so với mức đáy hồi tháng 4-2020. Như vậy mức dự báo tăng trung bình 23% của giá xăng RON 95 cũng sẽ có tác động đẩy CPI trung bình năm 2021 tăng lên so với cùng kỳ, khiến chỉ số giá xăng dầu tăng khoảng 5,12%, tác động làm CPI tăng lên 0,18 điểm phần trăm.
Thực tế CPI tháng 4 này cũng đã phản ánh đúng dự báo đó. Trong 6 nhóm hàng hóa tăng giá thì nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu 3 lần từ cuối tháng 3 và trong tháng 4. Ngoài ra giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu: Giá gạo 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm.
Lợi nhuận quý I làm giảm mức định giá cổ phiếu
Lợi nhuận quý I làm giảm mức định giá cổ phiếu
Đà tăng của TTCK đầu năm 2021 đã từng làm nổi lên lo ngại về mức tăng quá nóng trong khi các hoạt động kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Cho đến khi VN Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm lên mức 1.268 điểm ngày 20-4 vừa qua thì hệ số P/E của chỉ số đại diện này đã là 20 lần. Trong 6 phiên kế tiếp cuối tháng 4, thị trường giảm không đáng kể (chỉ số điều chỉnh giảm 2,28%) nhưng P/E lập tức chỉ còn chưa tới 18 lần. Đó là do các cổ phiếu bắt đầu được cập nhật lợi nhuận quý I-2021 mà hầu hết là tăng trưởng tích cực.
Điều này chứng tỏ rằng thị trường chiết khấu tương lai là phù hợp, ít nhất là tới thời điểm hiện tại, khi kết quả kinh doanh góp phần khiến định giá cơ bản thị trường trở nên hợp lý hơn, bớt “nóng” khi so sánh với quá khứ. Mặc dù vậy không thể phủ nhận rằng tốc độ tăng trưởng là một yếu tố khác, khi “sức nóng” chính là tốc độ tăng dựa trên dòng vốn vào quá gấp gáp. Nếu có điểm ấn tượng nào về TTCK trong quý I-2021 thì chính là thanh khoản và quy mô sử dụng margin. Cả hai yếu tố này đều đã lập kỷ lục và thêm một kỷ lục nữa là số lượng nhà đầu tư mới, chỉ trong 3 tháng đã bằng 65% tổng số tài khoản mở cả năm 2020 và cao hơn 40% so với số lượng cả năm 2019. TTCK đón nhận nguồn vốn khổng lồ này cũng dựa trên nền tảng thuận lợi nhất: Chi phí vay quá rẻ.
Tuy nhiên, chứng khoán không thể dựa mãi vào dòng tiền rẻ. Lãi suất cũng đã “chạm đáy” cùng với lạm phát và trong tương lai chỉ có thể tăng dần lên chứ không thể giảm thêm. Quay trở lại với diễn biến bất ngờ trên thị trường liên ngân hàng cuối tuần qua, lãi suất qua đêm đột ngột vọt lên 1,02%/năm. Còn nhớ dịp gần Tết Nguyên đán (9-2-2021), lãi suất qua đêm cũng vọt lên trên 2% nhưng đó là do yếu tố mùa vụ. Hiện tại lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng cao hơn và tăng dần. Sau “cú sốc” đầu tháng 2 đó, lãi suất qua đêm liên ngân hàng không bao giờ quay trở lại ngưỡng dưới 0,2%/năm nữa, mà nâng dần lên trên 0,4%/năm trong tháng 4 và chốt tháng trên 1%/năm. Câu chuyện lãi suất lên cao bao nhiêu sẽ khiến TTCK lo lắng vẫn còn xa, nhưng cũng giống như chứng khoán, quan trọng là một xu hướng tăng không chống lại được, sẽ khiến thị trường chiết khấu trước tương lai.