4 giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững

(ĐTTCO)-Sự chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững sẽ giúp cả hệ sinh thái được hưởng lợi, từ doanh nghiệp thương mại điện tử đến nhà bán hàng và người tiêu dùng. PV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân để hiểu hơn về vấn đề này.
Thương mại điện tử theo hướng bền vững là “con đường” tất yếu giúp cho các doanh nghiệp thương mại điện tử xây dựng những giá trị vững bền lâu dài trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế
Thương mại điện tử theo hướng bền vững là “con đường” tất yếu giúp cho các doanh nghiệp thương mại điện tử xây dựng những giá trị vững bền lâu dài trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế

- Phát triển thương mại điện tử bền vững là động lực thúc đẩy nền kinh tế số, vậy Thứ trưởng nhận định như thế nào về vai trò thương mại điện tử trong phát triển nền kinh tế số Việt Nam hiện nay?

- Cùng với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mấu chốt của nền kinh tế số vì thế cũng được mở rộng. Các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số.

Theo Nghị quyết 52-NQ/TW và Nghị quyết 01/NQ-CP, thương mại điện tử được định hướng là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của nền cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Theo báo cáo do eMarketer công bố tháng 1/2022, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng.

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế số Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế Internet đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan, đạt 23 tỷ đô vào năm 2022. Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022 – 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và những tác động sâu rộng tới toàn bộ đời sống của người dân, ngành thương mại điện tử đang tích cực chuyển mình theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững, với sức mạnh dựa vào công nghệ và quá trình chuyển đổi số nhanh chóng. Do đó, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tăng trưởng bền vững sẽ trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam.

-Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý. Điều này đã gây trở ngại gì trong việc vận hành và phát triển thương mại điện tử, thưa Thứ trưởng?

-Trong những năm gần đây, cộng hưởng từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, Internet cùng những tác động của đại dịch Covid-19 không những thay đổi thói quen người tiêu dùng, mà còn thay đổi phương thức quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đưa thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau (như tiền kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ...) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Thêm vào đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm: hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử nói chung đến các quy định điều chỉnh giao dịch thương mại điện tử nói riêng, hay các quy định về quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng...

Do vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Để hạ tầng chính sách được hiệu quả đồng bộ, Quốc hội, Chính phủ hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử như dự án luật Giao dịch điện tử, dự án luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về quản lý thuế, Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử...

Các dự án kể trên hướng đến mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại trên không gian mạng.

-Sự chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững là “chìa khóa” để doanh nghiệp thương mại điện tử, nhà bán hàng và người tiêu dùng đều được hưởng lợi, xin Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai giải pháp gì để định hình thương mại điện tử phát triển lành mạnh và bền vững?

-Thương mại điện tử theo hướng bền vững thích ứng với bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay là “con đường” tất yếu giúp cho các doanh nghiệp thương mại điện tử xây dựng những giá trị vững bền lâu dài trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử lành mạnh, bền vững, Bộ Công Thương tập trung triển khai bốn nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử: Tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp,

Thứ hai, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Thứ ba, triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: các giải pháp về thanh toán (keypay, thẻ việt); trục hợp đồng điện tử; ngày mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu (GoExport, ECVN, Vietnamexport); triển khai Giải pháp nâng cao năng lực dự báo thương mại điện tử quốc gia; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công Thương - Hệ sinh thái này sẽ quy tụ các hệ thống, giải pháp kỹ thuật đã phát triển trong thời gian qua, trên cơ sở đó triển khai một cách đồng bộ những hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới, dự kiến Hệ sinh thái sẽ ra mắt vào quý III năm 2023.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy về thương mại điện tử và kinh tế số, phối hợp với các địa phương, các trường đại học trên cả nước và các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến giao dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.

Các tin khác