AI và tầm nhìn nguồn nhân lực

(ĐTTCO)-Trả lời ĐTTC, ông PHẠM KIM CƯƠNG, cựu kỹ sư phần mềm của Google và Airbnb, hiện là founder (người sáng lập) Công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) Cohost.ai, cho rằng AI đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế số, song đây là lĩnh vực Việt Nam vẫn đang thiếu nhân lực có trình độ cao.
AI được triển khai nhận diện khuôn mặt trong hệ thống ngân hàng.
AI được triển khai nhận diện khuôn mặt trong hệ thống ngân hàng.
PHÓNG VIÊN: - Là chuyên gia về AI và từng làm việc nhiều năm tại các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, ông nhận định như thế nào về xu hướng cũng như tiềm năng và cơ hội phát triển AI của Việt Nam hiện nay?
Ông PHẠM KIM CƯƠNG: - Tôi cho rằng phát triển AI là xu hướng không thể tránh khỏi, vấn đề là tốc độ ứng dụng như thế nào. Hiện nay, vì đại dịch Covid-19 mọi người đều ít nhiều phải tiếp cận với môi trường làm việc từ xa.
Chính phủ điện tử sẽ tiến thêm bước dài so với năm ngoái và chúng ta sẽ ngày càng có nhiều dữ liệu, là điều kiện cần để ứng dụng AI vào cuộc sống. Việc sử dụng công nghệ AI giờ đây không còn là vấn đề “tại sao” nữa, mà là “làm gì và như thế nào”. 
Tôi lấy thí dụ: Khi bạn nhìn thấy người bạn mình với khuôn mặt trắng bóc và mịn màng khác thường trên internet, bạn sẽ không hỏi “tại sao bạn ấy lại sử dụng app ứng dụng AI”, mà câu hỏi đặt ra thường là “cô ấy dùng app AI nào?”. Khi bạn mua một con robot hút bụi từ Xiaomi, bạn không hỏi “tại sao nhiều người dùng thế?”, mà là “robot này hoạt động như thế nào?”. Tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận và học miễn phí về AI nhờ vào internet.
Ngay trong ngành du lịch (lĩnh vực chúng tôi đang đưa ứng dụng AI vào), việc áp dụng AI cũng phát triển rất nhanh. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như VinPearl áp dụng nhận dạng khuôn mặt để thay cho thẻ và chìa khóa, đem lại tiện nghi tối đa cho khách hàng.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã triển khai các trợ lý ảo thông minh để chăm sóc khách hàng, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Một số chuỗi khách sạn đã bắt đầu áp dụng hệ thống cài đặt giá cả tự động để tối đa được doanh thu hàng tháng... Tôi tin tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện lớn hơn bao giờ hết cho gần 100 triệu người dân nước ta.
- Theo ông, khó khăn của Việt Nam khi tham gia cuộc CMCN 4.0, nhất là khi lĩnh vực AI đang đi sau thế giới rất nhiều? Cần làm gì để tạo sự kết nối mạng lưới đổi mới công nghệ, sáng tạo một cách hiệu quả?
Việc sử dụng công nghệ AI giờ đây không còn là vấn đề “tại sao” nữa, mà là “làm gì và như thế nào”. Tôi tin tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện lớn hơn bao giờ hết cho gần 100 triệu người dân nước ta.
- Theo tôi, khó khăn lớn nhất của chúng ta là việc đào tạo nhân lực. Chúng ta đang có thế hệ trẻ đầy tiềm năng nhưng thiếu các chương trình đào tạo trong nước về AI. Để tạo ra sự kết nối mạng lưới đổi mới công nghệ, sáng tạo, chúng ta nên tổ chức các sự kiện online và offline, mời các chuyên gia nước ngoài đến trình bày.
Thí dụ, ngày hội AI do VinAI tổ chức, đã thu hút được hàng ngàn khán giả từ mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó chúng ta cần truyền thông nhiều hơn nữa các bài học thành công của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cuối cùng là cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước vào các dự án kết nối như sáng kiến kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức...
Cũng xin được nói thêm, tôi đã có hơn 10 năm làm việc ở Thung lũng Silicon với các tập đoàn công nghệ của Mỹ. Tôi nhận thấy họ cho các doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI, từ đó làm mũi nhọn cho các ngành kinh tế khác.
Cụ thể, ở Mỹ, đổi mới sáng tạo bắt đầu từ các dự án lớn từ tiền thuế của chính phủ như bay lên Mặt trăng của John Kennedy, giải mã gen dưới thời George H. Bush, dự án BRAIN của Barrack Obama về khoa học thần kinh.
Sau đó các dự án sẽ được đưa vào các trường đại học để đào tạo và các doanh nghiệp để thương mại hóa. Các doanh nghiệp thành công sẽ đóng số tiền thuế lớn để chính phủ có thể dùng đầu tư vào các dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo.
- Chúng ta đang tập trung phát triển cơ sở dữ liệu cấp quốc gia (về dân số, về địa chính, về ngành…), nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông có kiến nghị giải pháp gì để tháo gỡ?
- Tôi tin các đồng nghiệp của tôi ở các trường đại học và bộ ngành đang làm tốt công việc này. Đây là dự án có ý nghĩa thực tiễn lớn. Tôi nghĩ các khó khăn không phải là về vấn đề kỹ thuật. Còn thực chất khó khăn là gì cần phải thực hiện và kiểm tra từ những khâu cụ thể.
Nếu có khó khăn tôi cho rằng chủ yếu do việc chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, dữ liệu bị phân mảnh. Lúc này, rất cần có nguồn nhân lực có trình độ về AI để sửa các lỗi đó.
Hiện tại chúng tôi đã cho ra mắt sản phẩm trợ lý ảo cho quản gia công nghệ (hay còn gọi là cohost). Trợ lý ảo này dành cho người đi du lịch, với 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh ngành du lịch đang bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong thời gian thử nghiệm, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực từ các quản gia công nghệ và chủ bất động sản. Nhờ có chức năng trả lời tin nhắn tự động, các nhà quản lý tiết kiệm được trung bình 1 giờ/ngày, đồng thời mang lại trải nghiệm thú vị cho người dùng. Ứng dụng dịch tự động cũng làm cho các cohost tự tin giao tiếp với người nước ngoài.  
Cohost của chúng tôi giúp khách du lịch nước ngoài nhận được những thông tin quý hiếm mà trước đây chỉ người bản xứ mới biết, mang lại hình ảnh tốt đẹp và lan truyền được bản sắc văn hóa Việt Nam. Hệ thống so sánh giá cả tự động của chúng tôi cho phép các nhà quản lý không bị lãng phí đêm trống và tăng doanh thu vào những dịp cuối tuần, lễ tết.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các tổng đài ảo công nghệ nhận dạng giọng nói để giúp các tiểu thương (micro entrepreneur) vận hành bộ máy kinh doanh của mình được trơn tru hơn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác