Ngành giáo dục nước ta đang trong quá trình hoàn thiện và nâng cao chất lượng để sánh vai các nền giáo dục trên thế giới. Câu chuyện cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng năm nào chúng ta cũng bàn luận, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến. Tại sao?
Quan điểm và nhận thức
![]() |
Lâu nay, cụm từ “chất lượng giáo dục” đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục và cả trong dư luận xã hội. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào thật hoàn chỉnh thế nào là chất lượng giáo dục chuẩn. Có quan điểm cho rằng chất lượng giáo dục là những lợi ích, giá trị kết quả học tập mang lại cho cá nhân và xã hội trước mắt và lâu dài. Khái niệm trên được đúc kết từ nhiều góc độ khác nhau.
Dưới góc độ quản lý, chất lượng giáo dục là học sinh phải nắm được các kiến thức kỹ năng, phương pháp chuẩn mực sau một quá trình học; đáp ứng được các yêu cầu khi lên lớp, chuyển cấp, vào học nghề và hành nghề. Có ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục là chất lượng con người được đào tạo từ các hoạt động giáo dục. Theo đó, phẩm chất của con người gắn liền với người đó, còn giá trị của con người phải gắn liền với đòi hỏi của xã hội. Theo quan niệm hiện đại, chất lượng giáo dục phải bảo đảm 2 thuộc tính cơ bản: tính toàn diện và tính phát triển.
Vấn đề đặt ra là không có đội ngũ nhà giáo tâm huyết, chất lượng, thì không thể có chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cơ sở vật chất, cơ chế quản lý, chương trình sách giáo khoa, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, vấn đề thi cử và đánh giá. Để giải quyết bài toán chất lượng giáo dục phải giải quyết đồng bộ các vấn đề trên. Trước tiên, người thầy phải thực sự thay đổi. Bởi chương trình sách giáo khoa có thể kém nhưng ông thầy giỏi vẫn có thể xử lý được.
Rộng ra, hiện nay chúng ta đang nói giáo dục toàn diện: nhà trường không chỉ dạy chữ, trao kiến thức mà còn bồi dưỡng nhân cách của người học. Về điều này không ai có thể thay thế người thầy. Kiến thức xã hội yếu sẽ có internet hỗ trợ, nhưng để đánh vào tình cảm có tác động chuyển hóa những nhận thức thành hành vi, thành những việc làm cụ thể, người thầy phải đảm nhận công việc này. Sách vở không thay được ông thầy, internet cũng không thay được.
Ở vấn đề ngược lại, người học cũng phải thay đổi. Người học không chịu học, chỉ chờ xin điểm, chờ quay cóp. Như vậy người thầy có dạy giỏi mấy cũng không làm cho giáo dục có chất lượng được. Trò phải biết cách tự học, thường xuyên quyết tâm chăm lo đến kết quả thực chất của quá trình học tập của mình. Nếu thi cuối kỳ, cuối năm không đủ điểm phải chấp nhận lưu ban để học lại.
Chỉ có đạt chất lượng của từng năm học mới có chất lượng của cả cấp học. Đã đến lúc chúng ta xem xét đến phương pháp dạy và học hiện nay: thầy đọc trò chép, trò học thuộc lòng để trả bài là kiểu giáo dục tụt hậu.
Nhân lực, trí lực và tiềm lực
Đổi mới giáo dục lần này được xem là quyết sách nên cần nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót để chỉnh sửa một cách có trách nhiệm. Vì thế, ngành giáo dục cần cơ chế đổi mới thực sự, nên được ưu tiên đầu tư về tiền của và nhân lực. Và quan trọng hơn phải được quan tâm đúng mức trong công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra. Đặc biệt các cơ sở giáo dục đào tạo phải được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về chất lượng đào tạo. Phải đoạn tuyệt hẳn với cơ chế quản lý bao cấp, xin - cho. |
Chúng ta cần một nền giáo dục không phải chỉ để có vài học sinh giỏi đi thi quốc tế, mà để đảm bảo cho con người đi vào đời, hữu ích trong cuộc sống. Xã hội đang kém phát triển phải đẩy giáo dục lên trước, giáo dục phải đi trước để đẩy xã hội chứ không phải xã hội chi phối giáo dục. Nhận rõ điều này, Hoa Kỳ có nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhập cư đối với nhân lực chất lượng cao, trọng dụng người tài.
Họ có những nguồn kinh phí dồi dào và ổn định, từ đó xây dựng được cơ sở vật chất tốt, nguồn giảng viên giỏi cũng như quỹ hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo và sau khi đào tạo có được kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn áp dụng trong công việc. Để có nền giáo dục chất lượng, Hoa Kỳ coi trọng sáng tạo, khuyến khích và phát triển nhân tài trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt các ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Hàn Quốc, Singapore thành công nhanh chóng trong tiến trình công nghiệp hóa là do họ thu hút được đội ngũ trí thức lớn có khả năng tiếp thu và áp dụng thành công các kỹ năng mới và công nghệ tiên tiến.
Điểm chung của các nước này là luôn nhận thức sâu sắc rằng muốn nâng cao mức sống, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ có một con đường là biến quốc gia mình thành một xã hội có học vấn cao.
Thí dụ, ngay sau khi giành được độc lập, ông Lý Quang Diệu đã đề ra mục tiêu biến Singapore thành một xã hội có học vấn cao. Giáo dục chính là chìa khóa để nâng cao đời sống và là động lực để phát triển đất nước. Chính sách về giáo dục đã được chính phủ đề ra trên nhiều phương diện: ưu tiên ngân sách, trường học mở rộng cửa cho tất cả mọi người có điều kiện học tập, đào tạo toàn diện kết hợp giữa khoa học - kỹ thuật với nền văn hóa truyền thống. Các trường đại học công do nhà nước tài trợ kinh phí…
Hay tại Nhật Bản người dân luôn nhận thức đất nước họ nghèo, không có mỏ vàng, mỏ kim cương, không có tài nguyên nhưng họ có ý chí và khát khao. Chính vậy khi thế chiến thứ 2 chưa kết thúc họ nghĩ ngay đến việc nếu chiến tranh kết thúc phải có nguồn nhân lực để tái thiết đất nước và hiện nay họ là cường quốc kinh tế đứng thứ 3 thế giới.