Bài toán giảm lãi suất

Mặt bằng lãi suất năm 2014 đã giảm về mức thấp, năm 2015, người đứng đầu NHNN cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp định hướng giảm thêm 1-1,5% lãi suất trung, dài hạn. So với lạm phát, định hướng trên của NHNN là có cơ sở vì trong thời gian qua lạm phát, rất thấp và dự báo vẫn thấp trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bài toán lãi suất 2015 phụ thuộc vào nhiệm vụ đẩy nhanh tái cơ cấu NH, xử lý nợ xấu và cả sức ép từ việc phát hành trái phiếu của Chính phủ.

Mặt bằng lãi suất năm 2014 đã giảm về mức thấp, năm 2015, người đứng đầu NHNN cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp định hướng giảm thêm 1-1,5% lãi suất trung, dài hạn. So với lạm phát, định hướng trên của NHNN là có cơ sở vì trong thời gian qua lạm phát, rất thấp và dự báo vẫn thấp trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bài toán lãi suất 2015 phụ thuộc vào nhiệm vụ đẩy nhanh tái cơ cấu NH, xử lý nợ xấu và cả sức ép từ việc phát hành trái phiếu của Chính phủ.

Lãi suất thực đang ở mức cao

Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, tính đến 24-2 tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là 0,96%. Trước đó, theo một báo cáo của UBND TPHCM, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 1% so cuối năm 2014 và tăng 13,65% so cùng kỳ. Những kết quả này hoàn toàn trái ngược với diễn biến của những năm trước.

Cụ thể 2 năm liền 2013-2014, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đều âm. Một trong những nguyên nhân là do sau khi doanh nghiệp dồn sức vay vốn để tập trung sản xuất kinh doanh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán thường ít chú trọng vay vốn thời điểm đầu năm. Do vậy tín dụng đến thời điểm hiện tại dương là một chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.

Dư địa giảm lãi suất ồ ạt trên diện rộng khó có thể xảy ra. Thay vào đó, giảm lãi suất cho vay chỉ có thể diễn ra tại một số NH thông qua việc vận động từ phía NHNN và công cụ hỗ trợ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), lãi suất cho vay doanh nghiệp hiện vào mức 8-11%/năm, bình quân 9,59%/năm tại thời điểm cuối tháng 2-2015, thấp hơn bình quân 9,88%/năm trong tháng 1-2015 và thấp hơn bình quân 10,04%/năm trong tháng 12-2014.

Agribank là NH gần nhất công bố áp dụng lãi suất mới đối với tiền gửi bằng VNĐ kể từ ngày 2-3 với mức giảm 0,2-0,4% các kỳ hạn, trong đó sẽ áp dụng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 4 tháng giảm 0,2% và lãi suất huy động cao nhất tại Agribank hiện nay là 6,3% thay vì 6,5%/năm như trước đây.

Tại thời điểm đầu năm 2015, BIDV cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động 1 tháng từ 4,55%/năm xuống còn 4%/năm, 6 tháng từ 5,55%/năm xuống còn 5,3%/năm.

Hiện tại, các NH được tự do xác định lãi suất cho vay và lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, còn lãi suất huy động ngắn hạn bị khống chế bởi quy định trần lãi suất của NHNN. Gần đây, một số thông tin đồn đoán trên thị trường cho rằng trần lãi suất huy động có thể sẽ được NHNN cắt giảm thêm 1,5% xuống 4%/năm, trước đó lần giảm thứ 2 của năm 2014 vào tháng cuối tháng 10 còn 5,5%/năm.

Trong một báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 3-2015 của Khối nghiên cứu kinh tế của HSBC, tổ chức này cho rằng NHNN sẽ sớm thông báo cắt giảm thêm 0,5% đối với lãi suất thị trường mở OMO. Theo HSBC, trong vài tháng gần đây, lãi suất thực đã tăng khá mạnh do lạm phát thời gian qua ở mức khá thấp. Đây là dư địa để NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới.

Lãi suất đã chạm đáy?

Đường cong lãi suất 2014 liên tục được điều chỉnh giảm rõ rệt, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn so với giai đoạn 2005-2006. Theo NHNN, mặt bằng lãi suất đầu vào trong năm 2014 đã giảm 1-1,5 điểm phần trăm, trong khi mặt bằng lãi suất đầu ra đã giảm 2 điểm phần trăm. Nhiều NH liên tục hạ lãi suất huy động để làm cơ sở giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Trong bản tin mới đây của HSC, các chuyên gia cho rằng tốc độ giảm lãi suất huy động đang chậm lại và đồng thời lãi suất cho vay cũng sẽ sớm chạm đáy. HSC phân tích, lãi suất cho vay trung hạn giữa các NH có biên độ biến động khá hẹp (9-10,6%) với biên độ chênh giữa lãi suất cao nhất và thấp nhất là 1,6%.

Trong khi đó lãi suất huy động bình quân giảm 0,11% xuống 5,93%/năm so với 6,04%/năm trong cuộc khảo sát tháng 12 và giữ nguyên so với cuộc khảo sát tháng 1-2015. Điều này cho thấy lãi suất huy động đang lập đáy, HSC dự báo khoảng 5,8%/năm.

Ảnh: LONG THANH

 Ảnh: LONG THANH

Theo HSC, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 1 tháng đã giảm từ 5,39%/năm vào cuối tháng 9-2014 xuống còn 4,72%/năm gần đây (giảm 0,67%). Tuy nhiên, trong tháng 2-2015, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn gần như không thay đổi so với tháng liền trước.

Trong khi đó, CPI theo năm đã giảm từ 3,62% vào cuối năm 2014, xuống chỉ còn 0,36% vào tháng 2-2015. Đối với lãi suất cho vay, HSC ước tính lãi suất cho vay bình quân có thể chạm đáy ở khoảng 9,5%/năm vào tháng 3-2015 trước khi bật lại lên 10,5%/năm vào cuối 2015.

Cùng chung quan điểm với việc lãi suất khó giảm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho cho rằng “mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống khoảng 7-9%/năm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là vấn đề nan giải”. Ông Nghĩa giải thích thanh khoản của hệ thống NH đã bắt đầu ổn định, nhưng nếu Chính phủ cứ tiếp tục phát hành trái phiếu thì lãi suất cho vay trung và dài hạn khó giảm, thậm chí mặt bằng lãi suất có thể tăng trở lại từ quý III-2015.

Khác với sự lạc quan của NHNN, không ít chuyên gia, tổ chức vẫn thận trọng với xu hướng giảm lãi suất trong năm 2015. Xem ra bài toán lãi suất năm 2015 vẫn sẽ khá nan giải dù tình hình lạm phát và vĩ mô khá thuận lợi.

Các tin khác