Bảo tồn làng nghề đan ngư cụ truyền thống ở Quảng Ninh

(ĐTTCO) - Thị xã Quảng Yên đang nỗ lực bảo tồn, phát triển làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học bằng nhiều hình thức, như xây dựng mô hình, điểm đến tham quan, trải nghiệm cho du khách gắn với các sản phẩm OCOP.

Làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học không chỉ nổi tiếng với nghề đan thuyền nan, mà còn được mọi người biết đến với các sản phẩm ngư cụ phục vụ nhu cầu khai thác, đánh bắt thủy hải sản của người dân được làm từ tre, nứa như lờ, nơm, đó, lợp…

Nghề đan ngư cụ nơi đây được lưu truyền từ đời các cụ đến đời ông bà, cha mẹ. Thời kỳ cao điểm, cả làng Hưng Học có đến hàng trăm hộ cùng làm nghề, sản phẩm làm ra không đủ bán

Những người theo nghề hiện nay chủ yếu là những người cao tuổi trong làng. Ông Vũ Văn Thuận (64 tuổi, trú tại phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên) cho biết: "Nghề đan lơm, lờ... thực sự không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Hiện nay, các sản phẩm thủ công truyền thống nhưng gia đình vẫn tiếp hành trình "cha truyền con nối", muốn lưu giữ lại nghề truyền thống của tổ tiên"

Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng ông Thuận vẫn quyết tâm giữ nghề, dần đổi mới phương thức sản xuất để làng nghề truyền thống đan ngư cụ còn mãi với thời gian

Đi dọc làng nghề Hưng Học, nay đã là phố, mọi người có thể thấy những chiếc thuyền nan với đủ kích thước được bày ở hai bên đường. Đây là sản phẩm quan trọng của làng nghề

Anh Nguyễn Văn Võ, con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Giót (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên) là người có kinh nghiệm trong sản xuất thuyền nan cho biết: "Đan thuyền nan là nghề truyền thống của gia đình. Lúc nhỏ xem bố làm thuyền nên nghề ngấm vào máu. Có những ngày cả nhà có thể ngồi đan thuyền hăng say từ sáng đến tối mà không thấy mệt"

Để sản xuất ra một chiếc thuyền nan nhỏ phải mất thời gian từ 2-3 ngày công, thuyền lớn hơn mất từ 7-8 ngày hay đến 20 ngày. Không chỉ cần tay nghề vững mà để có được sản phẩm bền, đẹp... cần chọn được nguyên liệu những cây tre già, óng. Sau đó là chẻ tre, phơi nan, đan thuyền, phết lớp nhựa chống thấm, vào khung tạo hình

Anh Võ cho biết thêm, trước đây thuyền nan làm ra không đủ bán. Nay dù thu nhập không nhiều nhưng với quyết tâm giữ nghề, anh đã đổi mới cách làm, ứng dụng công nghệ để tăng độ bền cho sản phẩm thuyền nan và sản xuất thêm thuyền nhựa gắn máy để chịu được sóng gió tốt

Về làng, chứng kiến mọi người làm việc mới thấy việc đan thuyền nan, ngư cụ không chỉ là nghề kiếm sống, còn là tình yêu, niềm đam mê, kiên trì, nhiệt huyết của những người con trong làng nghề

Đến nay, làng nghề ngư cụ Hưng Học đang có dấu hiệu mai một khi chỉ còn 20 hộ tham gia sản xuất. Người người dân trong làng cho biết, sản phẩm ngư cụ làm ra đang dần mất chỗ đứng trên thị trường. Điều đó khiến thu nhập thấp nên đa số người trẻ lựa chọn đi làm ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nhiều hộ trong làng đã bỏ nghề đan ngư cụ

Để tự tháo gỡ những khó khăn, nhiều gia đình tìm hướng đi mới để duy trì, phát triển làng nghề. Có thể kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Anh Sáu (SN 1957, khu 3, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên) đã chuyển sang sản xuất sản phẩm mỹ nghệ, lưu niệm có mẫu mã đẹp; kết hợp với các đơn vị du lịch để hình thành điểm đến tham quan, mở các lớp học đan ngư cụ cho du khách

Sản phẩm thuyền nan Nam Hòa của ông Sáu đã được công nhận là thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh. Mỗi sản phẩm mô hình thuyền nan được bán ra thị trường giúp ông Sáu thu về từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Ông Sáu cho biết: "Sản phẩm làm ra được du khách đón nhận ông cảm thấy rất vui vì vừa có thêm thu nhập, vừa quảng bá, giới thiệu được làng nghề đến với người dân ở các địa phương khác cũng như du khách quốc tế"

Các lớp học đan ngư cụ của ông Sáu thu hút nhiều các bạn trẻ và du khách đến tham gia trải nghiệm. Bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần của làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học là trách nhiệm không của của những người con làng nghề mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương

Ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên cho biết: "UBND thị xã Quảng Yên đã xây dựng Đề án bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống giai đoạn 2021 - 2025, nhằm phát huy các giá trị làng nghề, trong đó có làng nghề đan ngư cụ Hưng Học. Huyện đang làm công tác tuyên truyền, quảng bá làng nghề trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; định hướng cho người dân ở các làng nghề tiếp tục sản xuất, tạo ra các sản phẩm thủ công phục vụ phát triển du lịch; Định hướng, lập hồ sơ đề nghị công nhận các nghệ nhân ở làng nghề để truyền nghề cho thế hệ mai sau"

Các tin khác