Chuỗi “nói đi rồi nói lại”
Hãng tin CNN sáng 7-10 đã hình dung thị trường cổ phiếu toàn cầu không thể hiểu nổi “bão tweet” của ông Trump (nguyên văn “Global markets struggle to make sense of Trump's stimulus tweet storm”).
Số là vào buổi chiều 6-10, ông Trump bất ngờ tuyên bố qua twitter việc đang yêu cầu các đại diện của mình kết thúc thương lượng về gói cứu trợ kinh tế mới của Mỹ với Hạ viện, nơi Đảng Dân chủ nắm ưu thế.
Ông cho rằng gói cứu trợ lớn sẽ chỉ được thông qua sau kỳ bầu cử nếu ông thắng cử. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với lời kêu gọi trước đó khi ông còn đang ở bệnh viện vào ngày 4-10. Khi đó ông Trump kêu gọi các bên có liên quan cần phải thúc đẩy để đưa ra gói kích thích kinh tế lần thứ 2 sớm.
Sự đảo chiều (lần thứ nhất) trong quan điểm của ông Trump chỉ trong 2 ngày trước và sau khi ông xuất viện, đã làm thị trường bất ngờ và chỉ số S&P 500 giảm ngay hơn 100 điểm trong ngày 6-10. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi kêu gọi “chấm dứt đàm phán”, ông Trump đã có vẻ thay đổi quan điểm, sau khi thị trường cổ phiếu rớt khá mạnh.
Ông kêu gọi các nhà làm chính sách thông qua các gói cứu trợ nhỏ hơn, mỗi gói nhắm vào hỗ trợ 1 ngành kinh tế như hàng không và doanh nghiệp nhỏ. Dường như ông Trump đã thể hiện quan điểm quyết không ủng hộ gói cứu trợ lớn Đảng Dân chủ, mà muốn chia nhỏ ra nhiều gói cứu trợ và nhắm vào một số ngành và lĩnh vực cụ thể.
Ông viết một đoạn tweet kêu gọi Hạ viện và Thượng viện nên thông qua “ngay lập tức” gói hỗ trợ 25 tỷ USD giúp trả lương cho nhân viên ngành hàng không và 135 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Ông khẳng định: “Cả 2 gói này sẽ được tài trợ bằng nguồn tiền chưa sử dụng đến của Đạo luật Cares. Tôi có tiền. Tôi sẽ ký ngay”. Các nhà phân tích thị trường đã “ngơ ngác” trong vài giờ vì không hiểu ông Trump muốn gì. Nhưng ngày hôm sau các thị trường bắt đầu tăng điểm lại một cách thận trọng.
Ngay cả như vậy, nhiều nhà phân tích vẫn thận trọng cho rằng quan điểm của ông Trump chưa rõ ràng và gây khó hiểu. Họ chưa rõ lập trường của ông ở đâu và cú đảo chiều quan điểm (lần thứ hai) này là do đâu.
Dù sao, đến cuối ngày 7-10, thị trường đã gần như lấy lại tất cả những gì đã mất do dòng tweet “chấm dứt thương lượng” của ông Trump gây ra. Có người đùa ông Trump là “nhà giao dịch trong ngày”, đẩy thị trường xuống rồi lại kéo thị trường lên.
Một số phân tích nghiêm túc hơn cho rằng ông Trump đã dùng chiến thuật thương lượng kiểu thể hiện lập trường cứng rắn, buộc phía bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, phải chấp nhận thương lượng theo cách ông muốn.
Theo đó, ông Trump không thích gói cứu trợ 2.200-2.400 tỷ USD của Hạ viện muốn đề xuất. Ông cho rằng gói cứu trợ này nhằm giải cứu những bang ủng hộ Đảng Dân chủ, vốn là những bang theo ông là “quản trị kém, tội phạm cao” và sử dụng tiền không liên quan đến những vấn để của Covid-19.
Ông nói phía bà Pelosi đã không quan tâm hợp lý đến đề xuất 1.600 tỷ của Nhà Trắng (thấp hơn nhiều với mức thấp nhất của gói cứu trợ do phía Hạ viện đề xuất), nên phía ông không muốn thương lượng tiếp.
Người ta bắt đầu nghĩ rằng hình tượng “bàn tay sắt” trong thương lượng này của ông Trump sẽ kết thúc triển vọng của gói cứu trợ quy mô lớn vài ngàn tỷ USD sẽ diễn ra trước bầu cử tổng thống Mỹ, và thị trường có vẻ đang chấp nhận việc chỉ có vài gói cứu trợ nhỏ hơn cho từng ngành với hy vọng gói cứu trợ lớn sẽ đến sau bầu cử.
Đòn “phục kích” ngày thứ Sáu
Thế nhưng mọi việc không ngừng ở đó. Ngay khi thị trường Mỹ chuẩn bị kết thúc giao dịch vào ngày thứ Sáu 9-10, ông Trump lại viết một đoạn tweet “Thương lượng gói hỗ trợ Covid tiếp tục. Hãy có một gói cứu trợ lớn”. Lời kêu gọi “Go Big” này của ông Trump là đòn “phục kích” nữa với giới đầu tư ngay khi kết thúc thời gian giao dịch chính của các sàn cổ phiếu.
Đi kèm với lời kêu gọi của ông Trump, Nhà Trắng đang đề xuất gói cứu trợ kinh tế mới với quy mô 1.800 tỷ USD, cao hơn mức 1.600 tỷ USD trước đó. Đây có thể xem là lần thay đổi quan điểm nữa của ông Trump. Ông đã thừa nhận điều này trên chương trình radio của Rush Limbaugh, khi nói mình đã thay đổi quan điểm theo hướng “hoàn toàn ngược lại” so với lập trường trước đó.
Đến lúc này, người ta vẫn không biết được điều gì ẩn đằng sau sự thay đổi trong quan điểm của ông Trump. Có ý kiến cho rằng ông Trump không muốn bị cử tri đánh giá đã chặn một gói cứu trợ giúp đỡ cho kinh tế Mỹ, gây phản ứng tiêu cực trước bầu cử. Lại có quan điểm cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc thương lượng giữa bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Mnuchin ngày 8-10.
Nước Mỹ đang đi vào kỳ bầu cử mới và nhà đầu tư vẫn sẽ phải dở khóc dở cười với những dòng tweet của ông Trump. Họ cũng không biết sẽ phải chịu đựng nó chỉ vài tháng hay là vài năm nữa. |
Lại có quan điểm cho rằng bất kỳ gói cứu trợ hơn 1.000 tỷ USD nào cũng khó thông qua ở Thượng viện Mỹ, do nhiều Nghị sĩ Cộng hòa vẫn cho rằng không cần thêm gói cứu trợ kinh tế nữa. Vì vậy, những đòn thay đổi quan điểm của ông Trump vẫn chỉ là “chiêu trò”, vì ông biết chắc cuối cùng dù chỉ là gói 1.600 tỷ USD cũng khó thông qua được ở Thượng viện trước bầu cử tổng thống.
Cho đến lúc này, người ta vẫn không thể biết được đâu là lý do chính khiến ông Trump thay đổi quan điểm. Chỉ có điều có thể biết chắc, ông Trump “không thể dự đoán được”.
Với các tweet của mình và những phản ứng thay đổi lập trường liên tục với tiến trình thương lượng như thế này, chứng tỏ ông Trump là tổng thống Mỹ không thể dự đoán trước như thế nào. Âu đó cũng là điều thú vị đối với những nhà quan sát thị trường cổ phiếu Mỹ. Nhưng với nhà đầu tư, họ chưa chắc thích điều đó.