Bất cập cơ chế bán vốn nhà nước

(ĐTTCO) - Dù có cơ chế riêng trong việc bán vốn nhưng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn gặp khó trong quá trình thoái vốn. 
Bởi quy định hiện hành về bán vốn khác với thông lệ quốc tế, khiến ít nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) muốn mua cổ phần nhà nước. Từ trường hợp của SCIC cho thấy quy định chung về thoái vốn cần có sự thay đổi.
Thu về gấp 4,4 lần giá vốn
Theo SCIC, tổng công ty đã tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp (DN), thoái và bán vốn thành công ở 986 DN, thu về gần 37.000 tỷ đồng, gấp 4,4 lần giá vốn. Đáng kể là những thương vụ thành công nổi bật như bán 8,73% vốn điều lệ tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thu về 20.276 tỷ đồng với giá bán thành công cao hơn 10% thị giá tại thời điểm bán vốn; thoái vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh với mức giá 90.000/cổ phần…
Việc bán vốn tại DN của SCIC được nhìn nhận từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp hơn khi lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục DN bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới NĐT tốt, thực hiện tái cấu trúc DN trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn. 
 Cách bán vốn cho NĐT chiến lược hiện nay đang ngược với cách làm phổ biến của thế giới. Quy định hiện nay là cổ phần nhà nước phải được chào bán công khai qua đấu giá, NĐT chiến lược cũng phải đấu giá cùng NĐT nhỏ lẻ khác. Trong khi đó, NĐT chiến lược phải cam kết rất nhiều như cam kết gắn bó với DN; đưa vốn, công nghệ vào... nên quy định như trên không hấp dẫn họ. 
Ông LÊ SONG LAI
Phó Tổng giám đốc SCIC
Để có căn cứ thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động thoái vốn nhà nước tại DN, SCIC đã xây dựng và ban hành quy chế bán cổ phần tại DN với quy trình bán vốn chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ theo quy định pháp luật. Nhiều năm nay, SCIC luôn được chọn làm tiên phong trong việc áp dụng các phương thức bán mới để bán vốn nhà nước tại DN. Nhiều vướng mắc trong ưu tiên bán
Tuy đạt được kết quả tốt ở những thương vụ bán vốn, nhưng SCIC đang gặp khá nhiều vướng mắc. Những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn của SCIC đã bộc lộ nhiều hạn chế, quy định chồng chéo tại nhiều văn bản pháp luật, lại chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc thiếu cụ thể, quy định hiện hành về bán vốn khác với thông lệ quốc tế khiến khó có thể thu hút được NĐT tầm cỡ thế giới dù đã có nhiều văn bản mới được ban hành như Nghị định 147/2017/NĐ-CP và Nghị định 148/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của SCIC, Nghị định 32/NĐ-CP về đầu tư, sử dụng và quản lý vốn tại DN. 
Hiện quy trình bán vốn của SCIC gồm 3 bước: đấu giá, chào giá cạnh tranh, thỏa thuận. Các bước này đang khiến quy trình bán cổ phần nhà nước bị kéo dài vì phải thực hiện thêm bước chào bán cạnh tranh trước khi được bán thỏa thuận, trong khi bản chất chào bán cạnh tranh gần giống như đấu giá. Nếu chỉ 1 NĐT đăng ký chuyển sang bán cạnh tranh (thường kéo dài 2-3 tháng), nhưng nếu NĐT đã không tham gia đấu giá sẽ ít tham gia chào bán cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nhiều quy định mới liên quan xác định giá khởi điểm đến định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử... chưa có hướng dẫn để thực hiện. Một số quy định hiện hành chưa được cụ thể hóa. Ngoài ra là những vướng mắc trong việc lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm, việc thuê tư vấn định giá và tổ chức bán đấu giá vừa phức tạp hơn vừa làm tăng chi phí bán vốn. 
Bất cập cơ chế bán vốn nhà nước ảnh 1 LADOPHAR, là một trong những DN thuộc SCIC thoái vốn không thành. 
Việc xử lý công nợ trong quá trình bán vốn cũng là một điểm khó khăn cần được gỡ vướng để tránh thất thoát vốn nhà nước. Theo quy định hiện hành, SCIC phải xử lý công nợ của DN trước khi bán vốn, với DN chưa xử lý xong công nợ SCIC không bán vốn được. Hầu hết DN đã có công nợ đang thua lỗ không trả được nợ.
Nếu chờ xử lý xong công nợ mới được bán vốn rất khó thực hiện. Mặt khác, thời gian để NĐTNN nghiên cứu, tìm hiểu DN quá ngắn, thông tin không đủ (thường chỉ là bản cáo bạch), trong khi có những thương vụ NĐTNN phải mất 6 tháng đến 1 năm để tiếp cận thông tin, làm việc trực tiếp với DN để xác định đúng thực trạng của DN. Thế nhưng, quy định hiện hành không hỗ trợ NĐT tiếp xúc với DN. Việc bán vốn hiện vẫn theo kiểu “có gì bán đó”. 
Theo các chuyên gia, nếu chủ sở hữu hiểu được năng lực thực sự của người bán, tin được người bán, dù bán được giá nào chủ sở hữu cũng yên tâm vì họ sẽ bán được giá tốt nhất. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa có tiêu chí đánh giá người bán vốn, quy trình bán vốn chưa khoa học và chưa thực tế nên khó yên tâm rằng giá bán là giá đúng của thị trường.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ bán vốn chuyên nghiệp, quy trình bán chuyên nghiệp tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Khi đã có được quy trình chuyên nghiệp con người chuyên nghiệp và cơ chế thưởng phạt chuyên nghiệp, dù bán thỏa thuận hay đấu giá cũng sẽ yên tâm giá bán đó là giá đúng. 
Một chuyên gia về bán vốn của SCIC cũng cho rằng, trong bán vốn, trên thế giới tồn tại rất nhiều kiểu bán. Người có hàng phải biết được là với mặt hàng nào bán kiểu gì. Thí dụ, với mặt hàng hấp dẫn, nhiều NĐT quan tâm như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thì đấu giá.
Nhưng với DNNN đang khó khăn và Nhà nước đang muốn thoái vốn, cách bán đấu giá trước chỉ dẫn đến việc “mang đi bán rồi lại mang về”. Cần hiểu rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của việc thoái vốn nhà nước là rút vốn nhà nước ra khỏi DN và tìm được NĐT chiến lược giúp cải thiện DN, đưa DN hoạt động tốt hơn.

Các tin khác