Bất lực khi dự báo về thị trường, xuất khẩu vẫn chưa thấy ánh sáng

(ĐTTCO) - Kinh tế thế giới khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 vẫn trong xu hướng giảm. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của nhiều ngành hàng vẫn đang chìm trong khó khăn.
Dệt may xuất khẩu 4 tháng qua cũng chỉ đạt 9,57 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt may xuất khẩu 4 tháng qua cũng chỉ đạt 9,57 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hiện nay không thể dự báo

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của Việt Nam đều ghi nhận mức sụt giảm từ 5,9-19,3% trong tháng 4. Đơn cử như mặt hàng giày dép, 4 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 6,1 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nói về tình hình chung của ngành, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết hồi đầu năm hiệp hội xây dựng kịch bản xấu cho năm nay là giảm kim ngạch xuất khẩu khoảng 10% so với năm ngoái, nhưng đến thời điểm này giảm còn sâu hơn dự báo.

Cũng trong xu hướng giảm như da giày, xuất khẩu dệt may 4 tháng qua cũng chỉ đạt 9,57 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành may đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023 khoảng 48 tỷ USD, tương đương mỗi tháng phải xuất khẩu được khoảng 4 tỷ USD. Thế nhưng trong quý I toàn ngành mới chỉ mang về 8,7 tỷ USD, giảm 18,6% so với năm ngoái và hết tháng 4 tình hình cũng không khá hơn là bao.

Hiện tại các DN vẫn đang trong tình trạng đói đơn hàng. DN lớn thì thiếu hụt khoảng 20%, còn các DN nhỏ thì con số này khoảng 40-50%. Lý giải nguyên nhân vì sao các DN nhỏ lại thiếu nhiều đơn hàng như vậy, ông Tùng cho biết trước đây hầu hết các DN lớn nhận đơn hàng sau đó chuyển sang DN nhỏ gia công, nhưng nay DN lớn còn thiếu đơn hàng thì lấy đâu chuyển cho DN nhỏ.

Không nằm ngoài khó khăn chung, các DN trong ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng. Chưa hết nhiều đơn hàng khách ký rồi nhưng đẩy lui thời gian nhận hàng khiến tồn kho tăng cao, dòng tiền về bị hạn chế/ngắt quãng gây ra nhiều áp lực, trong đó đáng chú ý là việc khó duy trì thu mua nguyên liệu cho người dân.

Phía Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết khi cầu thu mua bị giảm và giá một số nguyên liệu cũng giảm, trong khi chi phí sản xuất cao khiến khu vực nuôi trồng thủy sản chững lại. Không ít người đã tạm dừng thả giống hoặc giảm nuôi. Hệ lụy này là đáng quan ngại không chỉ cho trước mắt mà cả cho giai đoạn nửa cuối năm 2023, nếu thị trường hồi phục mà nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu nghiêm trọng.

Cần trợ lực trong ngắn và dài hạn

Khó khăn là điều mà hầu hết DN của các ngành hàng xuất khẩu đang cảm nhận rõ nét. Thế nhưng điều được quan tâm lúc này là liệu khi nào tình hình thị trường sẽ tốt trở lại. Ở góc nhìn không mấy lạc quan, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng với ngành thời trang nói chung thì mọi giải pháp cũng chỉ cứu vãn tình hình xuân hè 2024, chứ khó mà cứu tình hình từ nay đến hết quý III.

Tuy nhiên ở một góc nhìn tích cực hơn, nhiều ý kiến lại đồng tình rằng khoảng cuối quý II bước qua quý III năm nay mọi thứ sẽ tốt hơn lên. Nhưng để có thể đón nhận những cơ hội ấy thì DN đang cần nhiều trợ lực cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Chính vì thế phía Vitas kiến nghị nên có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động. Đơn cử như gói vay mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19, để giúp DN phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cũng nói về vấn đề lãi suất và vốn vay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, kiến nghị nên giảm lãi suất vay USD cho DN xuống dưới 4%. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong lúc này.

Không chỉ các ngành hàng khó khăn về đơn hàng mới cần vốn, mà ngay như xuất khẩu gạo, ngành đang có nhiều tín hiệu xuất khẩu tích cực cũng không nằm ngoài khó khăn chung này. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết tín dụng là vấn đề đang được cộng đồng thương nhân xuất khẩu gạo khu vực ĐBSCL quan tâm nhất hiện nay.

Do vậy, phía hiệp hội kiến nghị cần có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tạo điều kiện cho thương nhân có thêm nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ, góp phần ổn định giá lúa đầu ra cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch chính vụ, đồng thời góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cộng đồng DN.

Ngoài vấn đề vốn, lãi suất thì các DN cũng rất mong mỏi sẽ được phía Bộ Công Thương hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, bởi bình thường xúc tiến thương mại đã quan trọng thì trong lúc khó khăn về đơn hàng như hiện nay xúc tiến thương mại lại càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Theo đánh giá nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA hiện chưa được khai thác tốt. Các nhà sản xuất trong nước rất cần sự trợ giúp của các tham tán thương mại để kết nối với các nhà mua hàng, đồng thời chia sẻ thêm thông tin của các nhà mua hàng này với DN trong nước. Có như vậy thì trong ngắn hạn bài toán đơn hàng cũng có thêm lời giải.

Hiện tại các DN vẫn đang trong tình trạng đói đơn hàng. DN lớn thì thiếu hụt khoảng 20%, còn các DN nhỏ thì con số này khoảng 40-50%. Trước đây hầu hết các DN lớn nhận đơn hàng sau đó chuyển sang DN nhỏ gia công, nhưng nay DN lớn còn thiếu đơn hàng thì lấy đâu chuyển cho DN nhỏ.

Các tin khác