Bắt tay đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM

(ĐTTCO)-Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đang trong giai đoạn gấp rút triển khai sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Với một dự án có quy mô lớn, trải dài qua 4 tỉnh thành thì việc làm sao để triển khai đồng bộ là hết sức quan trọng để dự án có thể hoàn thành đúng thời hạn.
Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực ĐNB (Ảnh: G.L)
Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực ĐNB (Ảnh: G.L)

TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai cũng đã cụ thể hoá bằng việc ký kết kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án cùng với quy chế phối hợp, trong đó vai trò của TP.HCM được nhấn mạnh như là một “nhạc trưởng”.

Đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương

Dự án Vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư bằng Nghị quyết số 57 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng chiều dài hơn 76km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 75.378 tỷ đồng, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là 41.589 tỷ đồng.

Đây là dự án mang tầm quốc gia, được kỳ vọng là động lực thúc đẩy vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Dù chi phí thực hiện lớn nhưng nhận thức được đây là dự án trọng điểm, cấp bách, các địa phương cũng thể hiện quyết tâm rất lớn qua việc HĐND TP.HCM và các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều có Nghị quyết riêng về dự án, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua, các địa phương cũng đã nhanh chóng triển khai. Với một dự án tầm quốc gia, xuyên qua nhiều địa phương thì tính đồng bộ là cực kỳ quan trọng để bảo đảm cho thành công của dự án. Do đó, ngày 5/7/2022, 4 địa phương có dự án đi qua đã cùng ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai và Quy chế phối hợp, trong đó khẳng định sẽ “triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tiến độ và phát huy hiệu quả đầu tư khi đưa dự án vào khai thác sử dụng”. 

Bắt tay đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM ảnh 1
Bình đồ Vành đai 3 (Ảnh: Ban Giao thông)
Theo quy chế phối hợp thì UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối, thay mặt các địa phương để làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội trong các trường hợp phát sinh các vấn đề cần tháo gỡ cũng như trình Chính phủ báo cáo Quốc hội theo định kỳ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, dù khối lượng công việc lớn nhưng với việc xây dựng các kế hoạch cụ thể, quy chế phối hợp rõ ràng, đồng bộ…và cả kinh nghiệm của mình, TP sẽ làm tốt vai trò “nhạc trưởng”.

"Chúng tôi thấy việc phải phối hợp nhiều địa phương, khối lượng công việc lớn trong khoảng thời gian ngắn rõ ràng là có khó khăn, nhưng với trách nhiệm và kinh nghiệm trong thời gian qua, TP.HCM sẽ làm tốt việc này" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.

Bình Dương thành lập 6 tổ chỉ đạo, Long An giải quyết việc thiếu nguyên vật liệu

Trong dự án lớn này, mỗi địa phương đảm nhận 2 dự án thành phần. Do khối lượng công việc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề rất phức tạp, nên đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, làm sao phải đồng bộ về thời gian, tiến độ, cơ chế, chính sách để có mặt bằng để thi công…

Tại Bình Dương, đoạn Vành đai 3 đi qua dài hơn 26 km. Thuận lợi là tỉnh đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3 km, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn nên chỉ còn 10,7 km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương phân bổ 50%. Theo kế hoạch thì việc phân bổ vốn nói trên trong giai đoạn 2022 - 2027 nhưng để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương bố trí vốn trong giai đoạn 2023 - 2024, phần vốn còn lại tỉnh sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành trong năm 2024 (sớm hơn 3 năm). 

Để đảm bảo đồng bộ việc khởi công vào tháng 6/2023, Bình Dương cũng đặc biệt chú trọng và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó đã thành lập 6 tổ chỉ đạo để kiểm tra, đôn đốc toàn diện việc triển khai dự án, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tại các địa phương có tuyến đường đi qua là TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, người dân rất đồng thuận.

Các địa phương này đang chờ bàn giao mốc ngoài thực địa để thống kê cụ thể số trường hợp bị ảnh hưởng tiến đến việc đền bù, hỗ trợ tái định cư. 

Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An cho biết, qua kiểm đếm sơ bộ, thành phố có 150 cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Thành phố đã chuẩn bị khu tái định cư ở phường Đông Hòa với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, gần Quốc lộ 1K để hỗ trợ chỗ ở cho người dân, đảm bảo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Theo ông Tuấn: "Chấp hành sự chỉ đạo của tỉnh, Dĩ An trong tâm thế sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ. Khi được bàn giao mốc ngoài thực địa thì thành phố sẽ triển khai các bước theo quy trình. Tinh thần chậm nhất đến tháng 5/2023 có thể đạt chỉ tiêu bàn giao 70% mặt bằng sạch để thi công dự án".

Tại Long An, tỉnh đã giao dự án thành phần về xây dựng cho Sở Giao thông vận tải và dự án thành phần về giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Bến Lức. Thuận lợi là 6,8km đi qua địa phương chủ yếu là đất trống, dân cư không nhiều. Đến nay, các thủ tục về giải phóng mặt bằng cũng như hồ sơ về xây dựng đã được triển khai cơ bản đảm bảo đúng tiến độ và dự kiến tỉnh cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai, đôn đốc. 

Khó khăn lớn nhất của Long An là nguồn nguyên vật liệu để san lấp bởi địa phương này không có các mỏ đá, mỏ cát… Do đó, phía Long An đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương có mỏ nguyên liệu tham gia hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết: "Về vấn đề vật liệu lần này, Nghị quyết Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương không có tuyến đường này đi qua, nhưng có các nguồn nguyên vật liệu thì cũng phải hỗ trợ cho các địa phương mà có dự án".

Còn tại Đồng Nai, dự kiến sẽ thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 49ha của 457 hộ dân (378 hộ dân có đất bị thu hồi và 79 hộ có tài sản trên đất) trên địa bàn 2 xã Long Tân và Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch.

Khoảng 100 hộ dân sẽ phải thực hiện bố trí tái định cư. Các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án sẽ được bố trí tái định cư tại 2 khu tái định cư ở xã Phú Hội (16ha) và Phước An (44ha), huyện Nhơn Trạch. Hiện các cơ quan chức năng của địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng 2 khu tái định cư này, đảm bảo tiến độ chung.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM được đánh giá sẽ giúp cho hạ tầng giao thông tại khu vực Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được cải thiện đáng kể, qua đó sẽ góp phần đưa kinh tế TP.HCM cũng như của các địa phương trong vùng “cất cánh”.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, dự án Vành đai 3 là trách nhiệm chính trị cũng như là sự cam kết của TP và các địa phương trước Trung ương.

bat tay nhau day nhanh tien do du an vanh dai 3 tp.hcm hinh anh 5
Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã hoàn thành (Ảnh: G.L)

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Vành đai 3 đã 10 năm. Nếu hôm nay không được triển khai như thế này nó sẽ chậm sang nhiệm kỳ sau. Thời gian thì ùn tắc, khó khăn, vướng mắc, cho nên tất cả chúng ta phải đặt ra trong tình thế buộc phải hành động. Không giải quyết được thì nó đồng nghĩa với đánh mất cơ hội. Mà đánh mất cơ hội cho mình thì còn có thể chấp nhận nhưng mà đánh mất cơ hội cho địa phương, cho đất nước không biết điều gì sẽ xảy ra". 

Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản cùng quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, TP.HCM và các địa phương trong vùng cam kết bắt tay nhau thực hiện thành công dự án trọng điểm quốc gia này. Đó như là lời cam kết trước Trung ương và đáp lại sự kỳ vọng của hơn 20 triệu nhân dân ở khu vực Đông Nam bộ, nhất là trong bối cảnh vùng này đang cần có một “lực đẩy” mạnh mẽ hơn nữa để bứt phá ở thời điểm sau đại dịch COVID-19.

Các tin khác