Không thể phủ nhận, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ; không còn cơn sốt giá vàng miếng; ngăn chặn được tình trạng vàng hóa... Nhưng ở thời điểm hiện tại, một số quy định của nghị định đã không còn phù hợp và cần sửa đổi để cả người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.
Cần sớm tăng cung
Tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã tồn tại nhiều năm nay và hiện vàng SJC cao hơn giá thế giới đến 16-18 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu của thị trường đối với vàng miếng SJC là có nhưng nguồn cung hạn chế, vì 10 năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC.
Cũng phải nói thêm, trên thế giới hiếm có nước nào chênh lệch giá vàng với quốc tế lại cao như Việt Nam. Thậm chí, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng là bất hợp lý, làm gia tăng tình trạng nhập lậu vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ gây ảnh hưởng đến tỉ giá và bất ổn thị trường.
Tình trạng này còn khiến người dân có nhu cầu nắm giữ vàng, bao gồm cả vàng SJC và vàng trang sức, bị thiệt thòi. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, tình hình địa chính trị quốc tế bất ổn, chứng khoán thế giới biến động mạnh… thì nắm giữ vàng như tài sản an toàn là nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư. Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, NHNN cần sớm có giải pháp để tăng cung cho thị trường, thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới.
Ngoài ra, từ khi có Nghị định 24, NHNN đã không cho phép các NH thương mại huy động hoặc cho vay vàng, không cho phép sử dụng vàng làm tài sản có và đưa vào bảng cân đối tài sản của các NH nên thị trường vàng phát triển ổn định và không bị chi phối, điều khiển bởi nguồn vàng huy động của các NH thương mại. Công tác điều hành thị trường vàng của NHNN được thực hiện theo hướng để thị trường tự điều tiết cung - cầu theo định hướng của chính sách nên nhà nước không phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường như trước đây.
Nhưng hiện tại, sau gần 10 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành theo hướng hội nhập quốc tế nên một số quy định của Nghị định 24 đã không còn phù hợp, cần sớm sửa đổi theo thông lệ quốc tế. Thị trường vàng ổn định trong thời gian qua đã góp phần hiệu quả vào công cuộc chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế, cũng là cơ sở để trả vàng về lại bản chất như một loại hàng hóa thông thường.
Cho nhập vàng nguyên liệu
Các chuyên gia và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhiều lần kiến nghị NHNN cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Bởi mức chênh lệch quá lớn này trở thành "chuyện lạ" của giá vàng, trong khi những người có nhu cầu mua vàng thương hiệu quốc gia lại bị thiệt.
Để kéo giá vàng trong nước và thế giới về sát nhau, cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay. Đồng thời, chọn thêm một số thương hiệu vàng đủ tiêu chuẩn, chất lượng khác cùng tham gia thị trường vàng miếng. Vì việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng sẽ giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng trên thị trường. Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, vàng trang sức, vàng nhẫn… đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nguồn cung tăng sẽ góp phần giảm giá vàng.
Thực tế, các nước ở gần chúng ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia… đều có chính sách cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trong nước, trong khi nhiều năm nay, Việt Nam không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Khi kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới, tình trạng nhập lậu vàng và 2 giá của USD cũng sẽ không còn.
Nhiều ý kiến lo ngại nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá USD/VNĐ. Tuy nhiên, lo ngại này chỉ đúng vào khoảng 10 năm trước, khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn mỏng; còn hiện tại, theo công bố của nhà nước, mức dự trữ ngoại hối đã tăng lên rất nhiều và vượt 100 tỉ USD. Nếu chỉ trích 1% (khoảng 1 tỉ USD) thì đã có thể nhập được lượng vàng đáng kể để tăng cung cho thị trường. Trong trường hợp cần thiết có thể xuất khẩu trở lại vàng để thu ngoại tệ.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để doanh nghiệp có đủ nguyên liệu sản xuất.
Sửa đổi quy định - nếu cần thiết
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022. Tại nghị quyết, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ. Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết), báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Huỳnh Trung Khánh (Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới)