Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, Bến Tre càng không thể mãi giữ quan điểm phát triển cục bộ, nhỏ lẻ hoặc đứng ngoài những biến động đang “nóng” lên liên tục trên bình diện quốc tế. Vì vậy, Bến Tre phải dũng cảm đương đầu với thử thách, tìm cơ trong nguy để vực dậy những ưu điểm, những thế mạnh vốn có.
Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp
Trong chiến tranh, quân và dân Bến Tre đã làm nên chiến thắng Đồng Khởi vẻ vang thì nay Bến Tre cần vận dụng tinh thần Đồng khởi đó để làm nên một cuộc “đổi đời” trong thời bình - Đồng khởi phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu. Đó là lý do ngày 28-4-2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động Chương trình 10 về “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”.
Xây dựng và thực hiện môi trường thuận lợi khởi nghiệp, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong nhân dân; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (bằng những chính sách, công cụ cụ thể); ươm tạo và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tư vấn, duy trì và phát triển doanh nghiệp… là yêu cầu bắt buộc, cần thực hiện xuyên suốt, quyết liệt. Làm được điều này công cuộc phát triển mới đạt kết quả tốt và vững bền. |
Bến Tre là một tỉnh có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ; thu nhập của người dân mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mức bình quân chung khu vực. Trong những năm qua, kinh tế Bến Tre có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu khá tích cực; bình quân 5 năm (2010-2015) tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,64%/năm.
Đi liền với phát triển kinh tế, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trong tỉnh qua các năm tăng khá. Trong điều hành kinh tế địa phương, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre qua 10 năm đều nằm trong nhóm tốt, riêng năm 2015 xếp hạng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính công (PAPI) cũng tăng đáng kể, nằm ở mức 19/63 tỉnh, thành.
Điều đáng ghi nhận là kết quả vượt bậc sau khi tỉnh Bến Tre triển khai chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp 28-4-2016 đến nay. Năm 2016 chỉ số PCI tỉnh Bến Tre đạt 60,91 điểm, tăng 0,81 điểm, xếp hạng 12/63 tỉnh/thành phố; xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (sau Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ); giữ nguyên thứ hạng so với năm 2015, thuộc nhóm điều hành tốt.
Đặc biệt ngày 22-3-2018, kết quả công bố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID): tỉnh Bến Tre xếp hạng 5/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc.
Du khách nước ngoài thích thú khám phá miệt sông nước Bến Tre.
So với bình quân chung của cả nước và khu vực ĐBSCL, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bến Tre còn nhỏ, số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô nhỏ chiếm đa số, khả năng cạnh tranh thấp; bình quân hàng năm, có khoảng 250 doanh nghiệp mới được thành lập, tuy nhiên số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động vẫn còn khá cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh mặc dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều cơ hội để thuyết phục người dân sẵn sàng bỏ vốn ra làm ăn.
Cản ngại tâm lý
Tâm lý đa số gia đình, các hộ kinh doanh hiện nay là muốn an toàn, có cuộc sống ổn định; ngại mạo hiểm, gia đình cũng ít ủng hộ cá nhân khởi nghiệp. Mặt khác, văn hóa Việt Nam chưa cổ động khởi nghiệp, khó chấp nhận thất bại, luôn sợ bị coi thường nếu như thất bại và xem thất bại như là dấu chấm hết.
Ngoài ra, các điều kiện về vốn, thị trường, nhân lực, tri thức, thủ tục hành chính... cũng làm cho nhiều người đắn đo, e ngại khi quyết định khởi nghiệp. Đối với hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo (đa chiều) ở nước ta còn khá cao, tính chủ động thoát nghèo của người dân còn thấp. Đó là những rào cản tâm lý cần vượt qua, không trông chờ vào sự hỗ trợ của ai đó, nhất là của Nhà nước, phải tự nghĩ ra cách làm để thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững.
Sự phồn thịnh chỉ có thể có được từ hoạt động kinh tế, trong đó Doanh nhân - Doanh nghiệp là lực lượng đóng trụ cột chính của sự phát triển. Nếu Bến Tre tập trung thực hiện tốt Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp mới tạo ra năng lực sản xuất mới sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng phát triển bền vững. Điều này cũng nhằm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Để làm được điều này, cần cải thiện thực chất, nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho mọi người; doanh nhân tự tin, yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên làm ăn bài bản; làm giàu chính đáng. Bến Tre đang đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2.500 doanh nghiệp các loại hình được thành lập mới và khoảng 25.000 hộ kinh doanh cá thể hình thành.
Theo chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, khởi nghiệp có 2 nội dung chính là khởi nghiệp để thoát nghèo và khởi nghiệp để làm giàu. Khởi nghiệp theo 2 cách khác nhau, khởi nghiệp mưu sinh và khởi nghiệp dựa trên các ý tưởng sáng tạo gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp ra đời nhằm kêu gọi người người, nhà nhà phát huy tinh thần Đồng Khởi năm xưa để làm nên cuộc Đồng Khởi mới.
Sản xuất gắn với thị trường
Sản xuất gắn với thị trường
Hướng tới mục tiêu này, Bến Tre xây dựng một hệ thống các chương trình cụ thể cho từng đối tượng và có chính sách, cách thức để hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo; khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp; khởi nghiệp theo hướng thành lập doanh nghiệp... thông qua đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp mạnh mẽ trong nhân dân. Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp là giải pháp tốt nhất, con đường ngắn nhất để mau chóng đưa tỉnh Bến Tre thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu.
Mặt khác, để khởi nghiệp thành công cần thiết phải trang bị “tinh thần và kỹ năng” cho người khởi nghiệp. Người khởi nghiệp muốn thành công và phát triển bền vững phải theo xu thế thị trường và hội nhập, liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh; cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.
Tư duy mới là nông dân khi sản xuất phải gắn với thị trường, nghĩa là phải tìm hiểu thị trường đang cần gì; sản phẩm đó yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng ra sao; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có mẫu mã phù hợp. Sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua kết nối với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu... sẽ tạo đà bứt phá đối với một tỉnh nghèo thuần nông.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp phải kết hợp dịch vụ du lịch. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã đề ra ý tưởng: Nông nghiệp hiện nay đối với Bến Tre phải là nông nghiệp liên kết vùng và kéo theo các dịch vụ khác chứ không chỉ dựa vào thu nhập bán sản phẩm nông nghiệp thô như trước đây.
Hy vọng với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là chương trình lớn của quốc gia đang được triển khai trong cả nước sẽ được Bến Tre xây dựng và triển khai sâu rộng trên nguyên tắc mỗi làng một sản phẩm, học hỏi từ kinh nghiệm Nhật Bản. Trọng tâm của chương trình này là sản phẩm địa phương nhưng hướng đến tiêu thụ toàn cầu.