Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, nhất thiết phải ứng dụng CNC mới nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi và có giá thành cạnh tranh. Trao đổi với ĐTTC, một số chuyên gia chăn nuôi trong nước đã góp ý về vấn đề này.
Ông VŨ MẠNH HÙNG, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn:
Liên kết xuất khẩu theo chuỗi
Gần đây, chúng ta hay nghe đến cụm từ công nghiệp 4.0 hay công nghệ 4.0, thực chất công nghiệp hay công nghệ cũng chỉ là cách gọi về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 là máy hơi nước, lần 2 là máy phát điện, lần 3 là điện tử, thì lần 4 được gọi là cuộc cách mạng số.
Nghĩa là thông qua các công nghệ như internet, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... con người sẽ chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Công nghệ 4.0 sẽ tác động đến hầu hết lĩnh vực, mọi ngành nghề, tác động đến mọi tầng lớp lao động và tác động sâu sắc đến nền kinh tế của đất nước. Vì vậy việc áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực sản xuất được xem là xu thế tất yếu trong tương lai.
Tập đoàn Hùng Nhơn với lĩnh vực chính là sản xuất chăn nuôi heo, gà cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với nền tảng từ cuộc cách mạng công nghệ 3.0 chính là toàn bộ dây chuyền sản xuất khép kín, tự động hóa Hùng Nhơn đang áp dụng với công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức). Vì thế, hệ thống trang trại của chúng tôi đều được áp dụng theo tiêu chuẩn khắt khe của Global GAP và ISO 9001:2008.
Tuy nhiên, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như về quy trình kỹ thuật để có thể áp dụng thành công công nghệ 4.0. Do đó chúng ta cần có quy trình kỹ thuật bài bản và phải đúng quy trình dựa trên nền tảng kỹ thuật CNC. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chúng tôi do nguồn vốn huy động lớn nên phải chia thành từng giai đoạn để thực hiện.
Thí dụ, đầu tháng 3-2008, Hùng Nhơn khánh thành đưa vào sử dụng 6 trang trại gà thịt. Đến tháng 12-2009 chúng tôi khánh thành giai đoạn 2, tiếp tục mở rộng quy mô trang trại lên gấp 3 lần, nâng tổng số trang trại lên con số 18. Và đến tháng 7-2017 chúng tôi đưa vào khai thác thêm 2 trang trại. Tính đến thời điểm này Hùng Nhơn đang khai thác tổng cộng 20 trang trại gà thịt, 8 trang trại gà đẻ trứng, 8 trang trại heo sạch, quy mô gần 40 trang trại các loại.
Một số thách thức đang đặt ra cho chúng tôi là trình độ lao động và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Bởi lẽ người chăn nuôi không thể đơn phương tự đi tìm giống đầu vào, tự tìm thức ăn chăn nuôi cho phù hợp, nuôi lớn rồi tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Cách đây hơn 10 năm tôi đã nuôi mộng sản xuất thịt gà với số lượng lớn, đã tự tìm tòi, tự nghiên cứu con giống, tự đi mua thức ăn, có lúc đàn gà số lượng lên đến hơn ngàn con, tôi lại tự đi tìm đầu ra cho các lứa gà của mình.
Đi tìm đầu ra đã khó, những lúc trái gió trở trời, gà bị dịch bệnh chết hàng loạt lại càng khiến tôi điêu đứng. Lúc này câu hỏi lớn nhất trong đầu tôi là làm thế nào để tìm được giống tốt để chống chọi với dịch bệnh, tìm được nguồn thức ăn đủ tiêu chuẩn và tìm đầu ra ổn định. Thực tế, tình trạng này đang diễn ra ở các hộ chăn nuôi và nhiều trang trại chăn nuôi trong cả nước.
Và rồi những câu hỏi tưởng chừng như không lời giải đáp giờ đã có câu trả lời. Tôi quyết định tham gia mô hình liên kết xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi CNC, bao gồm Công ty Bel Gà (cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (cung cấp thức ăn chăn nuôi), Tập đoàn Hùng Nhơn (tổ chức sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn), Công ty San Hà và Công ty Koyu & Unitek (chế biến và giết mổ) cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thành công quan trọng bước đầu đó là việc xuất khẩu lô thịt gà thương phẩm đầu tiên sang thị trường khó tính Nhật Bản vào ngày 9-9-2017. Trong năm nay chúng tôi sẽ xuất khẩu tiếp thịt heo, trứng gà, và các loại gia cầm khác.
Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang ứng dụng hệ thống sản xuất hoàn toàn tự động và với công nghệ điện toán đám mây, người điều khiển có thể điều khiển từ xa, không cần phải có mặt trực tiếp cũng có thể điều khiển được tất cả trang trại cùng một lúc. Điều này giúp giảm được nhân công, chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất và tất nhiên giảm được giá thành. Mô hình trên có thể nhân rộng, áp dụng cho bà con nuôi gà, heo, bò ở quy mô tập trung. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để áp dụng mô hình chuỗi liên kết xuất khẩu chăn nuôi CNC và công nghệ 4.0 tại Việt Nam.
Ông NGUYỄN KIM ĐOÁN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:
Xây dựng trang trại VietGAP
Từ năm 2015 trở về trước, ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai có nhiều thuận lợi, đã giúp các hộ chăn nuôi trong tỉnh có nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo bán ra có rất thấp so với giá thành sản xuất. Thậm chí, có lúc giá heo xuống chỉ còn một nửa giá thành sản xuất. Điều này đã khiến ngành chăn nuôi heo lao đao và có nhiều hộ nông dân phá sản. Một số hộ cạn kiệt vốn và phải bỏ nghề, tìm việc khác để làm.
Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia ngành chăn nuôi. Theo đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt và sẽ bị thua ngay trên sân nhà nếu không chịu thay đổi. Hiện nay, các cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi đi theo chuỗi liên kết. Các doanh nghiệp xây dựng chuỗi rất tốt, nhưng nông dân vẫn đang ì ạch, chưa đạt được thành công, nên tất cả đều thông qua thương lái. Thương lái ép mua heo của nông dân giá thấp và bán cho người tiêu dùng giá cao. Chỉ khi hộ chăn nuôi tham gia chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối, mới có thể hài hòa được lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Năm 2018, với khoảng 500 thành viên là các nhà chăn nuôi, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ xây dựng 50-80 trang trại VietGap và đề nghị những cơ quan chức năng, chẳng hạn Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai hỗ trợ. Việc xây dựng trang trại heo VietGAP giúp truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm thịt heo, đáp ứng yêu cầu thị trường TPHCM (yêu cầu truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng). Ngoài ra, từ những trang trại VietGAP, Hiệp hội sẽ thành lập thêm những cửa hàng bình ổn giá, giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.