Tại Đông Nam bộ, nơi có đàn heo thịt lớn nhất cả nước, hàng ngàn hộ gia đình không có lối thoát, nhiều hộ bán đổ, bán tháo, thậm chí phải “treo chuồng” vì không còn tiền để mua thức ăn cho heo. Bước sang năm mới 2018, thực tế đòi hỏi ngành chăn nuôi của vùng phải đổi mới, đầu tư nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Người chăn nuôi chịu thiệt
Trong năm 2017, tại tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước - đã có 2 lần giá heo hơi tụt đáy, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Trước tình hình này, cả hệ thống chính trị của địa phương phải vào chiến dịch “giải cứu” lượng heo tồn ở các hộ chăn nuôi. Từ thực tế đó, bước sang năm 2018, các trang trại chăn nuôi đã giảm đàn.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn heo của tỉnh còn khoảng 1,7 triệu con, giảm hơn 16% so với năm ngoái. Tại các trang trại chăn nuôi các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An… số heo thịt cũng chiếm một lượng khá lớn với hàng triệu con heo đang chờ xuất bán.
Các giải pháp giải cứu nông sản hiện nay, trong đó có heo thịt, đang can thiệp thô bạo vào thị trường. Cách làm này khiến việc giải cứu sẽ còn tiếp diễn, dẫn đến diễn biến xấu cho thị trường. Ở đây phải thay đổi từ ý thức sản xuất của nông dân về việc tham gia chuỗi, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Để làm tốt yêu cầu này cần có vai trò của các hiệp hội chăn nuôi. TS. NGUYỄN HỮU TỈNH, Phó Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ |
Số liệu trên cho thấy lượng heo thịt các tỉnh Đông Nam bộ hiện nay đang rất lớn, trong khi giá heo hơi tại thời điểm cuối tháng 3 lại có chiều hướng giảm dần. Cụ thể, tại Đồng Nai và TPHCM, giá heo dao động trong mức 28.000-30.000 đồng/kg, so với thời điểm giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất heo hơi có giá 33.000-35.000 đồng/kg.
Với mức giá này người chăn nuôi không có lời. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu mức lỗ vài ngàn đồng, vì chi phí đầu vào cao hơn nhưng giá bán thường ở mức thấp hơn so với các trang trại lớn. Điều bất hợp lý của thị trường lúc này là giá heo tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi ở khu vực Nam bộ đã giảm, trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao hơn gấp nhiều lần.
Khảo sát của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, cho thấy mỗi kg thịt heo bán ra, các khâu trung gian thu lợi 40.000-45.000 đồng. Cụ thể, thương lái mua heo tại chuồng, trại với giá chừng 28.000 đồng/kg. Sau khi giết mổ, heo đến tay các tiểu thương, hộ kinh doanh thịt với giá 35.000 đồng/kg, nhưng bán lẻ đến tay người tiêu dùng mức giá trên đã bị đẩy lên đến gần 80.000 đồng/kg.
Ông Thân Văn Sơn, một chủ trang trại nuôi heo thịt ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), cho biết giá heo hơi lúc này thấp nhưng bà con nông dân vẫn cầm cự được. Năm 2017, ông vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng đầu tư trang trại của gia đình với hơn 400 con heo thịt, trọng lượng khoảng 80kg mỗi con. Do nghĩ rằng trên thị trường giá có lúc xuống, lúc lên nên ông không xuất bán. Giữa năm, giá heo hơi chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg.
Đến lúc giá heo xuống quá thấp, gia đình không còn khả năng cung cấp thức ăn cho cả đàn nữa, ông mới gọi người tới mua thì đã quá trễ. Heo không bán được, nếu có bán mỗi con cũng lỗ hơn 1 triệu đồng. Tính ra cả đàn, gia đình ông Sơn lỗ hơn 400 triệu đồng. Đến nay, nghĩ đến chuyện năm cũ, ông thật sự hãi hùng.
Thế mạnh doanh nghiệp FDI
Thế mạnh doanh nghiệp FDI
Theo ghi nhận, sau Tết Mậu Tuất, việc xuất heo đi Trung Quốc không được suôn sẻ. Theo dự báo của ngành chăn nuôi vùng Đông Nam bộ, trong dài hạn việc xuất heo qua biên giới còn nan giải hơn, bởi ngay tại thị trường nội địa Trung Quốc đã có nhiều công ty chăn nuôi lớn nhanh chóng tăng đàn để giành lấy thị phần, bù đắp sản lượng thiếu hụt sau khi hàng loạt trang trại chăn nuôi nhỏ tại quốc gia này đóng cửa.
Tổng đàn heo nái của Việt Nam hiện khoảng 4,2 triệu con. Theo tôi phải giảm tổng đàn nái chỉ còn lại 2 triệu con là đủ cung cấp nguồn giống cho chăn nuôi. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi phải nâng cao tiêu chuẩn về giống, đầu tư trang trại... Các trang trại nhỏ cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung này. Đặc biệt phải đẩy mạnh đầu tư khâu chế biến. Nhiều nước trên thế giới Nhà nước không đổ tiền ra xây lò mổ, nhà máy cấp đông mà do chính người chăn nuôi, hiệp hội góp cổ phần để đầu tư. Ông KIỀU MINH LỰC, Phó Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi C.P. Việt Nam |
Tại tỉnh Đồng Nai lúc này, người chăn nuôi chỉ mong chờ vào sức tiêu thụ thịt heo của thị trường trong nước, nhất là TPHCM. Song, theo đánh giá của lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thị trường thịt heo trong nước hiện vẫn còn khủng hoảng thừa dẫn đến dội hàng, dội chợ, nên giá heo hơi không thể tăng. Đối với đàn heo thịt của tỉnh, nếu các đơn vị chăn nuôi chủ động giảm đàn từ khi xảy ra khủng hoảng giá vào đầu năm 2017, ngay trong quý I năm nay đã cân đối được cung cầu, giá về mức hợp lý.
Tuy nhiên, qua thống kê đến cuối năm 2017, tại tỉnh Đồng Nai đàn heo vẫn chưa giảm được bao nhiêu, ở mức gần 2 triệu con. Trong khi năm 2015, tổng đàn heo tại đây chỉ có 1,6 triệu con, năm 2016 là 1,7 triệu con. Đây là những năm thị trường Trung Quốc đang hút hàng.
Theo dự đoán của các chuyên gia nông nghiệp, với tình hình chăn nuôi heo như hiện nay, ngay trong quý II và quý III năm nay, chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ sẽ không thể cầm cự được. Thay vào đó, sân chơi này chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn FDI, bởi họ với tiềm lực tài chính dồi dào trụ lại chờ thị trường phục hồi. Trước đây, thị trường Trung Quốc quá hấp dẫn nên mọi người đổ xô nuôi heo.
Do đã lỡ xuống vốn đầu tư nên người nuôi buộc phải tiếp tục chăn nuôi. Lúc giá heo tụt đáy, tình hình chăn nuôi ở các trang trại, hộ gia đình có nơi phá sản do thức ăn chăn nuôi chiếm đến 70% giá thành, nhưng đàn heo nuôi tại các công ty lớn vẫn không giảm do họ chủ động được nguồn thức ăn, dẫn đến thị trường dư thừa là tất yếu. Từ sau Tết 2018 trở đi, giá heo giảm dần và tình hình này có khả năng kéo dài đến giữa năm, người chăn nuôi sẽ khổ sở trăm bề.
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay đa phần người chăn nuôi heo ở địa phương, dù nuôi nhỏ lẻ hay nuôi với quy mô trang trại tới vài ngàn con, vẫn làm theo kiểu truyền thống, tức tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn cho tới bán ra thị trường qua thương lái. Cách làm này đang dần không còn phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện đại, vốn đòi hỏi nguồn thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn và rõ ràng nguồn gốc. Sự thua thiệt của việc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được giải quyết nếu người chăn nuôi chấp nhận từ bỏ cách làm truyền thống, tham gia chuỗi liên kết, quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.
Một trang trại nuôi heo ứng dụng công nghệ cao.
Thay đổi để thích nghi
Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi nước ta sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, nhất là chăn nuôi công nghệ cao (CNC).
Như vậy, triển vọng về sự phát triển chăn nuôi chất lượng cao, bền vững là rất lớn. Hiện nay, một số doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi heo đang ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Cụ thể, trong vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp và tập đoàn trong nước đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, như Tập đoàn TH True Milk, Hòa Phát, Công ty Ba Huân (sản xuất trứng sạch)… với quy mô chăn nuôi lớn, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm cao. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi chất lượng cao nước ta
Theo Viện Chăn nuôi Việt Nam, một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững là ứng dụng CNC trong sản xuất, đây là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng cao. Theo đó, Nhà nước cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp với việc ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, việc lựa chọn, quyết định thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng CNC phải phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (điều kiện tự nhiên, thị trường, khả năng tài chính, công nghệ…).
Sau đó, ngành chức năng nên phân kỳ đầu tư để có bước đi thích hợp, tạo tiền đề tích lũy kinh nghiệm, tài chính và công nghệ để nhân rộng mô hình. Khi phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm sạch, chất lượng cao, có giá thành tốt.
Trở lại với tỉnh Đồng Nai, trung tâm chăn nuôi lớn nhất cả nước, Sở NN-PTNT cho hay toàn tỉnh đã xây dựng được 23 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP với 400 hộ chăn nuôi tham gia. Trong khủng hoảng giá heo vào năm 2017, các tổ hợp tác này vẫn đều đặn xuất heo ra thị trường với giá cao hơn heo nuôi kiểu truyền thống. Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý sẵn sàng bao tiêu sản phẩm nếu đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, con số 400 hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết còn quá khiêm tốn so với tổng số hơn 14.000 hộ chăn nuôi heo tại Đồng Nai. Trong tình hình hiện nay, người chăn nuôi và cả ngành nông nghiệp Đồng Nai cần phải thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi cao hơn của nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời liên kết để đủ sức và bảo đảm thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia đang chen chân vào lĩnh vực chăn nuôi.