Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Liên kết đi vào chiều sâu

(ĐTTCO) - Trong vùng Đông Nam bộ, TPHCM là trung tâm du lịch của cả nước, lượt khách quốc tế trong những năm gần đây chiếm khoảng 50% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu chiếm khoảng 1/4 tổng thu du lịch của cả nước và đóng góp từ 10-11% GRDP cho TPHCM.  
Sản phẩm du lịch chủ lực của TPHCM là du lịch kết hợp hội nghị - hội thảo, du lịch kết hợp mua sắm, du lịch kết hợp ẩm thực, vui chơi giải trí, văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi đó, thế mạnh của vùng Đông Nam bộ là cảnh quan thiên nhiên và sản vật phong phú; mỗi tỉnh, thành trong vùng lại có những sắc thái riêng rất thuận lợi cho việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tạo sức mạnh tổng hợp cho cả vùng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Liên kết đi vào chiều sâu ảnh 1
Việc liên kết có hiệu quả phải được đo lường trên các tiêu chí về du khách đến với vùng Đông Nam bộ ngày càng đông hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, quảng bá đến bạn bè của họ nhiều hơn và tỷ lệ du khách quay lại cũng cao hơn. Để đạt được các mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú ý tập trung vào 4 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, như thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch. Do đó, cần phối hợp tổ chức nhiều hội nghị mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Khi hạ tầng du lịch của vùng phát triển thì sản phẩm du lịch liên kết vùng chắc chắn sẽ được nâng chất, hấp dẫn với du khách.
Thứ hai, đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành. Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch Đông Nam bộ cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán từng địa phương, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng thực hành. Việc đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch, còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Với thế mạnh tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, 13 trường đại học, cao đẳng và gần 1.300 doanh nghiệp, hơn 4.500 cơ sở lưu trú, TPHCM phải giữ vai trò chủ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho cả vùng và cả nước.
Thứ ba, liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể. Mỗi địa phương trong vùng đều có đặc trưng riêng: Bà Rịa - Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển đảo, Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực gắn với văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao, Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch khám phá - mạo hiểm - trải nghiệm, Tây Ninh có chiến khu D và núi Bà Đen. Cần khai thác hiệu quả sự đa dạng và khác biệt này trong chiến lược xây dựng sản phẩm chủ lực và thương hiệu chung cho vùng. Đồng thời, phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện sản phẩm cũng như các yếu tố bổ trợ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của du lịch vùng.
Thứ tư, phát triển du lịch vùng phải gắn với xu hướng du lịch thông minh và du lịch có trách nhiệm để phát triển bền vững. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan phải gắn liền với việc bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng. Phát triển du lịch thông minh cũng là xu hướng phát triển bền vững, phải chú trọng sự đồng bộ của hạ tầng tích hợp dữ liệu với cấu trúc 3 bên nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Kết nối nhưng không hòa lẫn

Khởi động thành công thị trường khách nội địa là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc quảng bá và chào đón khách quốc tế trong thời gian tới. Bởi vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao qua hiệu quả của công tác kiểm soát dịch, khách du lịch quốc tế sẽ có xu hướng lựa chọn Việt Nam, một trong những quốc gia an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kết nối nhưng không hòa lẫn ảnh 1
Sự liên kết hợp tác phát triển du lịch của vùng phải đáp ứng điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn cho du khách, đội ngũ nhân lực ngành, cũng như cộng đồng xã hội; làm nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời, từng cấp chính quyền địa phương trong vùng tiếp tục lắng nghe, chủ động tháo gỡ trong thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân và kịp thời kiến nghị Chính phủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ. 
Để có được mối liên kết bền vững, các địa phương trong vùng cần đoàn kết để thực hiện trọn vẹn năm chữ “Kết” trong quá trình phát triển du lịch, đó là: Kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng; Kết nối kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng; Kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; Kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực; Kết nối nhưng không hòa lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có.
Ông LÊ KIM BẰNG, GĐ Sở VHTT-DL Đồng Nai:

Đẩy mạnh khai thác tài nguyên tự nhiên

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đồng Nai khá phong phú, đa dạng có rừng, thác, sông, hồ núi. Nổi bật là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai - khu du lịch tổng hợp đa sắc màu; Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là điểm du lịch quốc gia; sông Đồng Nai thơ mộng, hiền hòa, một trong những dòng sông đẹp và dài nhất Nam bộ, có những dòng suối, hồ và những dòng thác đẹp, như thác Mai - Hồ nước nóng, thác Ba Giọt, thác Giang Điền, hồ Trị An mênh mông như biển cả. Núi Chứa Chan nổi tiếng với phong cảnh hùng vĩ, có chùa Bửu Quang ở độ cao 600m - quần thể kiến trúc dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm kỳ vĩ của núi rừng...
Hiện Đồng Nai đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động các dự án, như khu du lịch Suối Mơ - Tân Phú, điểm du lịch Ngọc Hoa Trang… Một số dự án có quy mô lớn, chất lượng cao được đưa vào hoạt động gần đây, như khách sạn Central Park, đạt tiêu chuẩn 5 sao, Resort Cat Tiên Orchard Home (Tân Phú), Resort Chibu (Nhơn Trạch)... Việc ký kết hợp tác với các tỉnh Đông Nam bộ được kỳ vọng giúp du lịch Đồng Nai phát triển bền vững hơn. 
Ông NGUYỄN THANH PHONG,  PGĐ  Sở VHTT-DL Bình Dương:

Thế mạnh vườn cây ăn trái và làng nghề

Điểm mạnh của du lịch Bình Dương là những vườn cây ăn trái, với những loại trái cây nổi tiếng như măng cụt Lái Thiêu. Đây cũng là trái cây làm nên món ăn đặc sản gỏi gà măng cụt. Bình Dương cũng được biết đến là địa phương có những làng nghề truyền thống lâu đời, như làng nghề gốm sứ, với sản phẩm đa dạng về màu sắc, kiểu dáng từ những đồ gia dụng đến đồ trang trí mỹ nghệ, gốm công nghiệp; làng sơn mài Tương Bình Hiệp - làng nghề làm nên nét đẹp văn hóa du lịch Bình Dương. Ngoài nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, Bình Dương còn có cụm du lịch hồ Dầu Tiếng, những lễ hội thu hút du khách như lễ hội chùa bà Thiên Hậu. Với du khách là doanh nhân, 4 sân golf lớn trong tỉnh là địa chỉ không thể bỏ qua. Còn khu du lịch Đại Nam là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách khi tới Bình Dương. 
Bình Dương tự tin đủ năng lực tổ chức loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Trong tương lai, dựa vào thế mạnh vốn có là công nghiệp, chúng tôi muốn xây dựng những sản phẩm du lịch công nghiệp, đưa khách đến tham quan các nhà máy, xí nghiệp… Thông qua việc ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác với các tỉnh Đông Nam bộ, Bình Dương hy vọng thu hút được ngày càng nhiều du khách đến với địa phương. Tính đến thời điểm này chúng tôi cùng các tỉnh xây dựng được 2 tour liên tỉnh TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh; TPHCM - Bình Dương - Bình Phước.
Ông ĐỖ MINH TRUNG, PGĐ Sở VHTT-DL Bình Phước:

Bức tranh văn hóa  độc đáo

Bình Phước không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú làm say lòng du khách, còn sở hữu bức tranh văn hóa độc đáo. Nơi đây có du lịch sinh thái rừng và sinh thái tự nhiên, gắn với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, như trảng cỏ Bù Lạch, vườn quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá - Thác Mơ… Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, có những nét văn hóa riêng, thể hiện qua các lễ hội như lễ lập làng mới, đặt tên con, lễ quay đầu trâu, cúng lúa, cầu mưa… Các công trình kiến trúc cổ, đình chùa, nhà thờ, di chỉ là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh. Bình Phước tự hào về sản phẩm du lịch về nguồn, với trên 30 di tích lịch sử đã được công nhận di tích quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt là di tích quốc gia Tà Thiết và hệ thống di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
Sáng kiến liên kết phát triển du lịch đã hòa nhịp mở ra cơ hội cho vùng. Bình Phước coi việc kết nối giao thông trong vùng, xây dựng tuyến giao thông trọng yếu, đường huyết mạch. Bình Phước sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm du lịch, quản lý bảo tồn giá trị văn hóa. Trước mắt, đã có 3 đơn vị du lịch Bình Phước ký kết với doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM thực hiện các chính sách kích cầu. Theo đó, Khu di tích quốc gia Tà Thiết cam kết giảm 30% giá phòng, giá vé vào cổng. Khu Lâm Viên Mỹ Lệ và khách sạn Mỹ Lệ giảm 20% giá lưu trú, thực ăn uống và vé vào cổng. Khách sạn An Lộc Hotel &Spa giảm 30% trên tổng giá thành dịch vụ với khách đoàn.
TRẦN THỊ THU HIỀN, PGĐ Sở VHTT-DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Tài nguyên biển đa dạng, phong phú

Điểm nổi bật nhất của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là tài nguyên biển. Với 305km chiều dài bờ biển, trong đó trên 100km có nhiều bãi cát đẹp, hình thành nên các bãi tắm lý tưởng. Bà Rịa - Vũng Tàu có cả núi, sông, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn Ramsa của thế giới; có huyện đảo Côn Đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm sát đường hàng hải quốc tế, tạo nên tiềm năng du lịch biển phong phú. Hệ sinh thái biển và ven biển khá độc đáo, đa dạng thích hợp cho các loại hình du lịch khám phá biển, như lặn biển, câu cá, ngắm san hô; có suối nước nóng Bình Châu với nhiệt độ cao nhất lên đến 80OC, thích hợp với nhu cầu chữa bệnh, nghỉ dưỡng của du khách. Dọc bờ biển có núi Lớn, núi Nhỏ, núi Dinh, núi Minh Đạm, với địa hình và cảnh quan đẹp, đang hình thành các khu du lịch phức hợp mang tầm quốc tế. 
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, có các làng nghề truyền thống như làm tranh sơn mài, đúc đồng, làm  bánh tráng, nấu rượu… kết hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống. Đặc biệt, tỉnh có số giờ nắng cao trong năm, rất ít khi có bão, khí hậu nhiệt đới gió mùa… rất  phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với thể thao biển, với y tế, du lịch MICE, văn hóa lịch sử tâm linh, sinh thái, cộng đồng. Tỉnh có nhiều dự án du lịch chất lượng cao đã hình thành và kinh doanh có hiệu quả, như Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, các khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, cáp treo Hồ Mây, suối khoáng nóng Bình Châu, Lan Rừng Resort & Phước Hải Beach, Oceanami, Vietsovpetro Hồ Tràm, Sanctuary Hồ Tràm, Sixsenses Côn Đảo, khách sạn Pull Man, Resort Melia Hồ Tràm…
Ông NGUYỄN HỒNG THANH, GĐ Sở VHTT-DL tỉnh Tây Ninh:

Tận dụng những di tích, danh thắng

Tây Ninh là tỉnh miền Đông Nam bộ có đường biên giới 240km với Campuchia, với 3 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam, 3 cửa khẩu quốc gia Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ. Tỉnh có 2 trục lộ giao thông quan trọng là đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) và Quốc lộ 22B. 
Tây Ninh sở hữu nhiều di tích lịch sử cách mạng tầm quốc gia. Trong đó có di tích cấp quốc gia đặc biệt là căn cứ Trung ương Cục miền Nam; có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Tòa thánh Tây Ninh là công trình kiến trúc độc đáo, hay núi Bà Đen được mệnh danh là nóc nhà Nam bộ. Tây Ninh cũng nổi tiếng với những làng nghề làm nên những món đặc sản làm say lòng nhiều du khách như bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. 

Xây dựng  3 tuyến du lịch mẫu liên kết
1. Tuyến TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh (2 ngày 1 đêm) với các điểm tham quan: Đồn điền cao su thời Pháp thuộc, lòng hồ Dầu Tiếng, chùa Thái Sơn - núi Cậu, cáp treo núi Bà Đen, thánh thất Cao Đài, trà Hoàng Ngọc.
2. Tuyến TPHCM - Bình Dương - Bình Phước (2 ngày 1 đêm) với các điểm tham quan: Căn cứ lịch sử cách mạng Tà Thiết, đồn điền cao su thời Pháp thuộc, lâm viên Mỹ Lệ, chùa Thái Sơn - núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng
3.Tuyến TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu (2 ngày 1 đêm) với các điểm tham quan: Đảo O-Đồng Trường, trấn biên Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều, bảo tàng vũ khí, khu du lịch cáp treo Hồ Mây, bến du thuyền Marine, đảo Gò Găng, nhà lớn Long Sơn.

Các tin khác