Buộc tăng dự phòng
Năm 2019, khi nói về nợ xấu, nhiều chuyên gia đều cho rằng tỷ lệ nợ xấu của từng NH nói riêng và cả hệ thống nói chung trong từng thời điểm có thể tăng hoặc giảm, nhưng nợ xấu của cả hệ thống NH đã tương đối ổn, những NH giữ tỷ lệ nợ xấu mức dưới 2% chấp nhận được.
Do vậy nợ xấu có thể phát sinh ở NH này có thể tăng nhưng NH kia có thể giảm, nên về tổng thể tỷ lệ nợ xấu không thành vấn đề. Tuy nhiên, diễn biến nợ xấu tăng hiện tại không thể yên tâm.
Như ĐTTC đã phân tích ở các bài báo trước, tỷ lệ nợ xấu tại các NHTM đang có xu hướng tăng nhanh, thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý III-2020, trong khi nợ xấu dự báo vẫn còn tiềm ẩn dưới “tấm thảm” cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid 19.
Số liệu tổng hợp 27 NHTM đã công bố báo cáo tài chính quý III hợp nhất, cho thấy tổng nợ xấu nội bảng vào cuối tháng 9 đạt hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm.
Trong đó có 4 NH ghi nhận nợ xấu giảm là Techcombank, SeABank, NCB và PGBank, còn lại 23 NH có nợ xấu tăng. Đặc biệt có 7 NH có nợ xấu nội bảng tăng trên 50%, dẫn đầu là VietinBank với tốc độ tăng số dư nợ xấu 66%, tiếp đó là TPBank với tốc độ tăng 60%.
Thống kê của NHNN cũng cho thấy, đến ngày 9-11 các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng, với dư nợ 341.855 tỷ đồng. Dĩ nhiên, không phải tất cả dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của NHNN đều sẽ trở thành nợ xấu, nhưng khả năng nợ xấu tăng vẫn được dự báo sẽ xảy ra, khiến tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vượt ngưỡng 3% trong thời gian tới.
Thực tế, các NHTM không khoanh tay trước thực trạng nợ xấu đang có xu hướng tăng lên. Vì hơn ai hết NH nắm rõ tình trạng nợ xấu hiện tại, cũng như dự báo được những thông số nợ xấu của chính họ trong thời gian tới và giải pháp xử lý nợ xấu cũng không có nhiều.
Từ đầu năm đến nay, các NH đã lần lượt mua lại các khoản nợ từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) do đã đến hạn VAMC không xử lý được. Bởi việc bán nợ cho VAMC trước đây thực chất chỉ là “gá nợ” cho tổ chức giữ hộ. Hoạt động này không có nhiều ý nghĩa khi NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để lấy nợ về tự xử lý. Vì thế, kỳ vọng vào việc xử lý nợ của VAMC cũng khá mờ nhạt.
Đứng trước rủi ro nợ xấu tái hiện, các NH trở lại với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử, trong quý III chi phí dự phòng của Vietcombank đã tăng lên hơn 34,7% so với cùng kỳ 2019, lên mức 2.025 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng dự phòng rủi ro của NH đạt hơn 6.033 tỷ đồng so cùng kỳ 2029 ở mức 4.819 tỷ đồng.
Khoản trích lập dự phòng rủi ro tại các NH khác cũng tương tự, đều được tăng lên so với cùng kỳ 9 tháng năm ngoái, như VietinBank tăng đến 39%, VPBank tăng thêm 14,4%, ACB tăng gần 5 lần (từ 145 tỷ đồng lên 703 tỷ đồng), Nam A Bank tăng gấp 7,8 lần, Techcombank tăng lên 2.200 tỷ đồng so với 605 tỷ đồng cùng kỳ…
Khi bộ đệm mỏng, thiệt thòi cổ đông
Khi bộ đệm mỏng, thiệt thòi cổ đông
Đa số NH hiện nay đã niêm yết, việc lợi nhuận sụt giảm sẽ tác động đến giá trị cổ phiếu, đồng thời tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm tới có thể sẽ ở mức thấp, thậm chí không có cổ tức. |
Chỉ có một số NH tăng được tỷ lệ LLR như Vietcombank đạt hơn 215%, Techcombank tăng tỷ lệ LLR từ 95% lên mức 147%, MB tăng từ 110% lên 119%, BacABank đạt 124%…
Bên cạnh đó có NH có LLR chưa đạt 100% như TPBank (92%), BIDV (87%), đồng thời có khoảng 15 NH ghi nhận LLR suy giảm. Tại ACB, tỷ lệ LLR rơi từ mức 174% hồi đầu năm xuống 117% vào cuối quý III. VietinBank cũng tương tự từ 120% xuống 84,25%. Vài NH có tỷ lệ LLR khá mỏng như VPBank chỉ 49%, VIB 48%, thậm chí KienlongBank chỉ 17%. Như vậy, nếu năm trước các NH có thể tự tin nợ xấu dù có tăng nhưng tỷ lệ LLR vẫn đủ sức để đối phó, nay phải có những tính toán tăng tốc dự phòng rủi ro khi dự báo về nợ xấu không mấy sáng sủa.
Thông thường, 2 quý cuối năm là thời điểm các NH tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để tăng bộ đệm xử lý nợ xấu. Vì vậy, hạng mục này dự kiến tiếp tục tiêu tốn chi phí lớn của NH trong quý IV, thậm chí kéo dài sang năm sau, để đảm bảo bao phủ nợ xấu hiện hữu lẫn các khoản có thể phát sinh do cơ cấu thời hạn trả nợ.
Thực chất, việc các NHTM tăng cường chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng là điều rất tốt, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, đây sẽ là tin không vui đối với cổ đông NH. Vì dù dự phòng rủi ro là khoản để dành, nhưng lợi nhuận của NH sẽ bị ăn mòn, và thực tế đang có một số NH bị giảm lợi nhuận vì phải mạnh tay trích lập dự phòng trong 9 tháng qua.