Bỏ độc quyền vàng nhưng không để trục lợi chính sách

(ĐTTCO) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh lại định hướng quản lý của thị trường vàng: “Bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp nhu cầu thực tế của người dân”. Trong số các biện pháp đề cập đến điều đó, có câu chuyện sửa đổi Nghị định 24.

Bỏ độc quyền vàng nhưng không để trục lợi chính sách

Thực ra Nghị định (NĐ24) ra đời trong bối cảnh hoạt động huy động và cho vay vàng còn nhiều phức tạp, tỷ giá hối đoái khó lường và áp lực lạm phát cao. Hiện tại tình hình đã khác, nên đã có nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sửa đổi NĐ24 và những giải pháp sắp tới cần hướng vào đâu để đạt được “an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân”?

3 xu thế và 3 chính sách cần hướng tới

Để nhìn nhận về vấn đề này, cần nhận ra một số xu thế trên thị trường vàng quốc tế và Việt Nam. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang là những tay chơi mua vàng, là lực đẩy chính của đợt tăng giá vàng từ đầu năm đến nay, đặc biệt là các ngân hàng trung ương châu Á.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương đã mua 1.037 tấn vàng trong năm ngoái, chỉ thấp hơn một chút so với đỉnh lịch sử 2022, trong khi một số quỹ ETF vàng đang bị rút tiền ròng (nghĩa là họ phải bán vàng ra).

Trong đó, xu thế tích trữ vàng ở cả chính phủ lẫn người dân Trung Quốc đều tăng là điều được truyền thông viện dẫn nhiều, đến nỗi cả một chuyên gia quản lý quỹ lên kênh truyền hình CNBC nói thẳng, rằng giá vàng hiện nay đang do lực mua từ Trung Quốc dẫn dắt.

Đầu tháng 3 năm nay, báo chí Ấn Độ theo sát diễn tiến giá vàng, cũng đăng tin rằng lực mua của Trung Quốc là “nền tảng” của đợt tăng giá vàng từ đầu năm đến nay trên thị trường quốc tế.

imsttct0315-1-23p8-16735807980951501095019.jpg

Thứ hai, tại Việt Nam, vàng vừa là một kênh đầu tư an toàn, bảo toàn tài sản của số đông, lại cũng là một kênh lướt sóng kiếm lời của một bộ phận nhỏ hơn.

Vì vậy, trong bản thân biến động của giá vàng, là phản ánh quan hệ đầu tư/đầu cơ đó. Mà nói tới đầu tư, đầu cơ, nếu như giá chứng khoán không cần bình ổn, vì sao cần đặt ra vấn đề bình ổn giá vàng. Người dân là nhà đầu tư, họ tự quyết định nên làm gì.

Thứ ba, cái nhiều người lo sợ “vàng hóa” nền kinh tế, đã không còn là một hiện tượng phổ biến, và không đáng lo ngại với sự phổ biến của nhiều phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, hay như giới trẻ không xem vàng là một công cụ thanh toán tiện lợi.

Vì vậy, nỗi lo “vàng hóa” chỉ là một con “ngáo ộp” đang được ai đó đưa ra để “đe dọa” chính sách hơn là một mối nguy thực tế.

Nhìn 3 xu thế đó, có thể thấy rằng những chính sách hướng tới quản lý thị trường vàng an toàn, lành mạnh, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, không cần phải hướng tới bình ổn giá vàng.

Thay vào đó, các chính sách cần hướng tới 3 nhu cầu chiến lược: (1) có kênh để người dân tích trữ và đầu tư vàng một cách an toàn, vì đây là một lựa chọn đầu tư bảo vệ tài sản hợp pháp và chính danh của họ; (2) phải có công cụ để phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp và người dân khi giá vàng biến động quá lớn, nhưng cũng tránh để công cụ phòng ngừa rủi ro thành công cụ đầu cơ quá đà; (3) đảm bảo gia tăng dự trữ quốc gia phù hợp đủ để phòng chống với những cú sốc về tỷ giá, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước tăng dự trữ vàng.

Được cái này nhưng mất cái khác lớn hơn

Chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới cũng là một nỗi lo, và để một tổ chức độc quyền vàng như SJC cũng không ổn. Nhưng cần làm rõ là bỏ độc quyền có chắc thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới không?

Và liệu thu hẹp chênh lệch có phải hy sinh các mục tiêu ổn định vĩ mô khác không? Thí dụ, nếu có tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ để nhập vàng sẽ gây ra sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ, cũng như gây mất cân đối trạng thái ngoại tệ trong ngắn hạn.

Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi chắc chắn chỉ sửa chữa mỗi NĐ24 sẽ không giải quyết được hết vấn đề. Vì vậy, hãy đừng xem đây là chiếc đũa thần để giải quyết quá nhiều thứ.

Thay vào đó, hãy tập trung vào những mục tiêu tôi đề ra ở trên, đó là tổng thể chính sách phải đảm bảo: Đó là người dân có thể đầu tư vào vàng để bảo vệ tài sản của họ trước lạm phát, đồng thời họ có thể phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng dễ dàng. Những điều đó cần đạt được nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô về tỷ giá, và không làm sụt giảm dự trữ ngoại hối quốc gia.

Bất cứ đề xuất chính sách nào cũng sẽ phải trả lời được họ làm gì cho những mục tiêu chiến lược đó. Nếu không, người ta sẽ dễ dàng tận dụng thời cơ này để đưa ra những đề xuất về những sàn vàng, giao dịch vàng tài khoản, và rồi mục tiêu thật sự là “mở sàn, thu phí”, làm giàu cho một số ít ông chủ cuộc chơi, chứ thực tế không giải quyết gì nhiều cho các vấn đề như thu hẹp chênh lệch giá với quốc tế cả.

Điều chỉnh một chính sách không còn phù hợp để bỏ thế độc quyền trong sản xuất vàng miếng và trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, không nên được xem là cơ hội để một số người cài cắm, vận động chính sách để mở một bàn cược mới cho họ chia chác với chiêu bài giảm chênh lệch với giá vàng quốc tế.

Quản lý an toàn, lành mạnh và bền vững, phải bắt đầu từ việc thừa nhận nhu cầu đầu tư thực tế của người dân và xu thế trên thị trường quốc tế, chứ không phải từ một mục tiêu duy ý chí, dễ bị lợi dụng để trục lợi chính sách.

Chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới là bất ổn, nhưng bỏ độc quyền vàng như SJC cũng không ổn. Bởi thu hẹp chênh lệch giá vàng có thể phá vỡ các mục tiêu ổn định vĩ mô khác. Chẳng hạn nếu có tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ để nhập vàng sẽ gây ra sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ, cũng như gây mất cân đối trạng thái ngoại tệ trong ngắn hạn.

Các tin khác