Đâu là kẽ hở thiếu an toàn và bền vững khi chỉnh sửa Nghị định 24?

(ĐTTCO) - Nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Đây được xem là giải pháp ổn định thị trường vàng, hạn chế “vàng hóa” và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô hơn 12 năm qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Đâu là kẽ hở thiếu an toàn và bền vững khi chỉnh sửa Nghị định 24?

Vậy vì sao phải xem xét chỉnh sửa NĐ24?

Từ năm 2022, giá vàng thế giới tăng mạnh, trong khi đó giá vàng miếng SJC lại tăng nhanh và mạnh hơn giá vàng thế giới, mức chênh lệch có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng.

Lý giải cho chênh lệch quá mức này, ngoài yếu tố tâm lý người dân tăng cường tích lũy vàng do những lý do khách quan từ yếu tố bất định toàn cầu, các diễn biến nội tại nền kinh tế nội địa vẫn mang tính quyết định.

Các kênh đầu tư khác trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu - nhất là sau sự cố Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát gặp nhiều rủi ro, khiến một phần không nhỏ dòng tiền chuyển sang thị trường vàng. Cùng với đó lãi suất tiền đồng sụt giảm, thậm chí thấp hơn nhiều so với lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VNĐ đang trong chiều hướng tăng mạnh, là lý do người dân chuyển sang tích trữ vàng.

Nhưng có lẽ, điều mang tính quyết định dẫn đến chênh lệch giá vàng cao là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung trên thị trường gần 10 năm nay. Đối với vàng nguyên liệu dùng để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, mức chênh lệch so với vàng thế giới thấp hơn, khoảng từ 1-4 triệu đồng/lượng.

f7ea1dacf5a926f77fb8.jpg

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, dẫn đến hiện tượng buôn lậu vàng và nhiều hệ lụy kèm theo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân.

Trước mắt, để chấn chỉnh ngay các bất cập trên thị trường vàng, và với mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng, một số hướng chỉnh sửa NĐ24 có vẻ như sẽ được NHNN nghiên cứu. Trong đó, giải pháp được các chuyên gia và truyền thông đề cập nhiều nhất là NHNN không độc quyền sản xuất vàng miếng, mà lựa chọn một số doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất.

NHNN sẽ cấp hạn mức sản xuất, nhập khẩu vàng miếng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN có thể sẽ xem vàng trang sức mỹ nghệ không có tính chất tiền tệ, mà chỉ là loại hàng hóa bình thường và giao cho các bộ ngành có liên quan thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ).

Giải pháp NHNN không độc quyền sản xuất vàng miếng

Đối với hướng chỉnh sửa thứ nhất, NHNN không độc quyền sản xuất vàng miếng, dường như còn quá nhiều câu hỏi cần phải làm rõ. Liệu chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới sẽ giảm bền vững sau khi chỉnh sửa NĐ24 sẽ ra sao? Tức chênh lệch giá vàng bao nhiêu là đủ để chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền nhóm?

Liệu người dân có chịu đựng tiếp tục tình trạng độc quyền: thay vì bức xúc trước các thất bại của Nhà nước (do NHNN độc quyền) sang thất bại của thị trường do độc quyền nhóm (chỉ có một số ít doanh nghiệp được “đủ điều kiện” cấp hạn ngạch nhập vàng).

Giả dụ sau này, nếu cục diện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất ổn, chênh lệch lại tăng lên, thậm chí lên đến hơn 20 triệu đồng/lượng so với trước khi chỉnh sửa NĐ24? Liệu Nhà nước có can thiệp, có tăng cường cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng và ở mức nào để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia và an toàn tiền tệ vĩ mô?

Đến đây điều đồng thuận duy nhất của nhiều luồng quan điểm đối với thị trường vàng để trả lời cho các câu hỏi trên, là hãy để cho thị trường vàng vận hành tự do. Giá vàng sẽ do thị trường quyết định.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao thì ai mua vàng SJC có thương hiệu (cho dù NHNN sắp tới xóa độc quyền vàng SJC) cao thì bán cao, nếu mua vàng nữ trang 99,99% thì mua thấp bán thấp; ai dám đầu cơ phải chấp nhận rủi ro giá vàng bất ổn.

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp mang tính thị trường mạnh mẽ như thế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy Nhà nước phải lập ra sàn vàng. Dường như giải pháp này chưa hoặc không nằm trong nội dung chỉnh sửa NĐ24 lần này (tác giả sẽ bàn về chủ đề này trong số báo khác).

Có lẽ không có bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên thế giới đang phải chịu sức ép mọi phía như cách NHNN gánh chịu, là bằng mọi cách phải có giải pháp ngay và tức thời để bình ổn giá vàng. Bất chấp một điều rằng, không có ngân hàng trung ương nào trên thế giới lại đứng trước tình thế lấy giá vàng làm neo danh nghĩa để làm hài lòng người dân hoặc “ai đó”, chỉ vì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao.

Còn để cho thị trường vàng miếng vận hành tự do, không có quốc gia đang phát triển nào, với việc tài khoản vốn còn bị kiểm soát, tỷ giá không thả nổi hoàn toàn (như Trung Quốc, Ấn Độ), lại để cho các doanh nghiệp tự cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Trong số báo trên Đầu tư Tài chính “Sửa Nghị định 24, cẩn trọng kẻo sai một ly đi một dặm” ngày 26-2-2024, tác giả có nêu kinh nghiệm thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu ngân hàng trung ương lấy chênh lệch giá vàng làm mục tiêu chính sách.

Đúng là cần phải ứng xử vàng trang sức mỹ nghệ như hàng hóa thông thường. Nhưng nếu nói nó là hàng hóa thì thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương liệu có thỏa đáng? Đối với vàng, đâu thể lập luận toán học giản đơn như thế. Đằng sau khái niệm vàng, cần nhớ, đó là một hệ sinh thái vàng vô cùng phức tạp.

Giải pháp khả dĩ là quản lý vàng theo cơ chế thị trường, tuân theo sự quản lý của Nhà nước. Điều này nghe có vẻ hay về mặt lý thuyết, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy các giải pháp thực thi cũng gặp nhiều bất cập. Chẳng hạn, Ấn Độ đặt ra nguyên tắc 20-80 cho nhập khẩu vàng. Theo đó, với 100 tấn vàng nhập thì 20 tấn sẽ được dùng trong lĩnh vực chế tác trang sức mỹ nghệ, 80 tấn còn lại sẽ lưu lại trong nền kinh tế. Có 2 kinh nghiệm chúng ta có thể nghiên cứu từ nguyên tắc 20-80.

Thứ nhất, nếu giá trị gia tăng của vàng trang sức dùng để xuất khẩu gấp 4 lần vàng nguyên liệu nhập khẩu, lượng USD nhập khẩu 80 tấn vàng sẽ được cân đối bằng 20 tấn vàng xuất khẩu (thu về lượng USD gấp 4 lần nhiều hơn để bù đắp 80 tấn nhập khẩu).

Thứ hai, chỉ khi nào các doanh nghiệp sản xuất sử dụng hết 80 tấn nhập khẩu cho vàng trang sức mỹ nghệ, hoặc trong các ngành công nghiệp có liên quan (như y tế, xe hơi…), Nhà nước sẽ tiếp tục cấp tiếp hạn ngạch nhập khẩu.

Mặc dù mới đây Ấn Độ đã hủy bỏ cơ chế 20-80, nhưng ý tưởng này có thể hữu ích để Việt Nam tham khảo, nhằm tăng trách nhiệm giải trình lý do tại sao cơ quan chức năng lại cấp hạn ngạch nhập khẩu với số lượng nào đó và cho “ai đó”, để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, tỷ giá và cán cân thương mại.

Xem vàng trang sức mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, giao Bộ Công Thương quản lý

Giải pháp thứ hai, xem vàng trang sức mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, đồng thời giao cho bộ ngành có liên quan như Bộ Công Thương tổ chức xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Cơ sở cho đề xuất này là một khi đã xem vàng trang sức là hàng hóa, NHNN không thể kiểm soát như vàng miếng (mang tính chất tiền tệ).

Tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi, đồng thời cũng đã có cuộc làm việc với Hội đồng Vàng Thế giới đều khẳng định rất rõ các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Bộ Thương mại hoặc Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế quản lý mặt hàng vàng”.

Đúng là cần phải ứng xử vàng trang sức mỹ nghệ như hàng hóa thông thường. Nhưng nếu nói nó là hàng hóa thì thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương liệu có thỏa đáng? Đối với vàng, đâu thể lập luận toán học giản đơn như thế. Đằng sau khái niệm vàng, cần nhớ đó là một hệ sinh thái vàng vô cùng phức tạp.

Sản phẩm hoàn chỉnh tuy là vàng trang sức, nhưng nguyên liệu cho nó lại có tính chất tiền tệ vì phải tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu (ngoại trừ doanh nghiệp sử dụng vàng nguyên liệu trong nước). Đứng ở khía cạnh này, cũng khá hợp lý nếu ngân hàng trung ương nhận trách nhiệm kiểm soát và cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, kể cả vàng nguyên liệu.

Viện dẫn kinh nghiệm của Singapore, Thái Lan, nhưng có lẽ ông Nguyễn Thế Hùng đã quên mách nước cho Chính phủ biết cách Trung Quốc quản lý thị trường vàng. Trung Quốc mặc dù được xem như hình mẫu thị trường vàng tương đối tự do, nhưng lại quy định bắt buộc tất cả vàng và “sản phẩm vàng”, đều phải do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quản lý.

Chính sách này được phổ biến bằng 28 quy định xuất nhập khẩu vàng thông qua Nghị định số 01 của PBOC và Tổng cục Hải quan, do Thống đốc Chu Tiểu Xuyên ký ngày 8-3-2015. Thậm chí chính phủ còn quy định tất cả dòng chảy vàng nhập và xuất khẩu, phải qua sàn vàng Thượng Hải cũng do PBOC quy định (Xem “Detailed Delivery Rules of Shanghai Gold Exchange” quy định bổ sung tháng 11-2019 trên website PBOC).

Theo tôi, NHNN cần phải cân nhắc nghiêm túc việc giao vàng nữ trang cho các bộ có liên quan quản lý và tự cân đối ngoại tệ xuất nhập khẩu các sản phẩm từ vàng. Đây có thể là kẽ hở chết người, nếu NHNN chỉnh sửa NĐ24 theo hướng có khả năng tạo ra lợi ích nhóm độc quyền. Việc chuyển trạng thái đột ngột từ việc NHNN độc quyền sang thị trường tự do hoàn toàn nhưng chưa có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để kiểm soát trục lợi, có thể gây mất an toàn cho hệ thống tài chính.

Còn các nhóm lợi ích khi đề xuất cũng nên có trách nhiệm dựa trên cái lợi chung của nền kinh tế và quyền lợi của 100 triệu dân, trong đó có lợi ích của mình, thay vì chỉ nêu những gì có lợi cho nhóm lợi ích thiểu số.

Một vài doanh nghiệp kinh doanh và chế tác vàng đang rất hân hoan nếu quy định này trở thành hiện thực. Nhưng NHNN cũng đừng nên quên sứ mệnh lịch sử của mình là bảo đảm an toàn cho cả hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.

Các tin khác