Có nên để cho Nghị định 24 'ngủ yên'?

(ĐTTCO) - Chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước cho độc quyền thị trường vàng miếng SJC bằng Nghị định 24/2012 làm thiếu hụt nguồn cung.

Bỏ độc quyền vàng SJC là điều nên làm.
Bỏ độc quyền vàng SJC là điều nên làm.

Do vậy, bỏ độc quyền vàng SJC là điều nên làm, nhưng bỏ độc quyền bằng cách sửa NĐ24, và sửa như thế nào để không gây ra những hệ lụy cho chính sách tỷ giá, cũng như tránh trục lợi từ việc sửa chính sách này, là điều các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần tính đến.

Để làm rõ vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Có ý kiến cho rằng, hãy để cho NĐ24 ngủ yên, vì giá vàng lên xuống tạo chênh lệnh giá trong nước và thế giới sẽ có lúc phải xuống. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Tôi đồng ý với ý kiến này. Bởi khi đặt mục tiêu điều hành thị trường vàng để hạn chế tối đa chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, thì cách tốt nhất sẽ phải nhập khẩu vàng. Và NHNN trực tiếp nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng bán ra cho các công ty kinh doanh vàng thực hiện phân phối ra thị trường.

Khi nguồn cung dồi dào tất yếu chênh lệch giá vàng thu hẹp. Nhưng cách làm này đâu cần thiết phải sửa NĐ24. Nhưng cũng cần nói thêm, nếu NHNN nhập khẩu vàng thì ngoại tệ dự trữ bị mất đi, và NHNN sẽ thiếu hụt ngoại tệ trong việc điều hành chính sách tỷ giá.

Hiện tại, dự trữ ngoại hối Việt Nam chỉ đâu đó mới đáp ứng được mức tối thiểu của an toàn tài chính theo khuyến nghị của IMF. Nếu chiếu theo Quyết định 412/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ, về “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”, lượng dự trữ ngoại hối này còn phải gia tăng thêm.

d144a9dbdef70da954e61.jpg

- Chênh lệnh giá vàng là điều đáng lo với giới đầu tư hay đầu cơ, nhưng đã đầu tư họ phải tự điều chỉnh hành vi của mình vào các loại tài sản khác nhau, Nhà nước cần gì phải can thiệp. Ông nghĩ sao?

- Đầu tư vàng thường được chia thành 2 nhóm nhà đầu tư với mục đích khác nhau. Thứ nhất, nhóm mua vàng vì nhu cầu cất trữ. Nhóm nhà đầu tư này thường không quan tâm đến giá vàng cũng như chênh lệch giá vàng bao nhiêu ở thời điểm mua. Họ nhìn về dài hạn không chỉ vài năm, mà thậm chí hàng chục năm. Khi môi trường kinh doanh càng trở nên bất ổn, rủi ro cao, việc cất trữ tài sản của nhà đầu tư càng gia tăng.

Tôi lấy đơn cử để chứng minh cho nhóm nhà đầu tư này. Nhiều khu đất ở những trung tâm kinh tế lớn đã có chủ sở hữu và không triển khai hoạt động hơn chục năm nay, những nhóm nhà đầu tư này họ sẽ làm gì ngoài đất đã mua?

Trong quá khứ, nhiều thời điểm truyền thông hay giới chuyên gia đã có những cảnh báo về giá tài sản này đang ở mức đỉnh, nhưng đã trở nên vô nghĩa trong dài hạn với họ. Nói cách khác, chiến lược đầu tư của nhóm nhà đầu tư này phân bổ tiền vào các lớp tài sản khác nhau trong dài hạn.

Thứ hai, nhóm nhà đầu tư mua vàng vì xem vàng như là kênh đầu tư để kinh doanh. Hoạt động của họ là mua vào và bán ra với mục đích tìm kiếm chênh lệch giá. Nghĩa là mua cao bán cao hơn, hoặc mua thấp chờ giá cao.

Vậy nếu NHNN cho phép nhập khẩu vàng, đây là cơ hội tốt cho nhóm thứ nhất được mua vào với giá thấp. Nhưng với nhóm thứ hai, dù mua thấp nhưng khả năng còn thấp hơn, nên họ sẽ chờ đợi nhóm thứ nhất hành động, và khi cạn kiệt nguồn cung nhóm thứ 2 sẽ đầu cơ chênh lệch giá.

Khi nguồn cung dồi dào, tất yếu chênh lệch giá vàng thu hẹp, nhưng cách làm này đâu cần thiết phải sửa NĐ24. Trong khi đó, nếu NHNN nhập khẩu vàng thì ngoại tệ dự trữ bị mất đi, và NHNN sẽ thiếu hụt ngoại tệ trong việc điều hành chính sách tỷ giá.

Do vậy với nhà đầu cơ vàng vì mục đích kinh doanh chênh lệch giá, phải khơi thông các kênh đầu tư khác cho họ, hơn là dập tắt kênh đầu tư vàng bằng việc nhập khẩu. Ngược lại, nhập khẩu vàng sẽ tạo cơ hội cho nhóm nhà đầu tư thứ nhất, xem vàng như một kênh cất trữ tài sản của mình trong dài hạn thay cho bất động sản.

- Nếu bỏ độc quyền vàng SJC, đồng nghĩa sửa NĐ24. Vậy theo ông chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới sẽ rút ngắn?

- Nhiều quan điểm cho rằng cần bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, nên đề nghị sửa NĐ24. Trước tiên, đi kèm với NĐ24 là Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23-8-2012, về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Theo đó, các công ty kinh doanh vàng có thể thực hiện gia công vàng miếng SJC từ các loại vàng khác (Điều 8). Nghĩa là các công ty kinh doanh vàng đều có thể thực hiện gia công vàng miếng theo tiêu chuẩn chất lượng SJC. Vậy cớ gì lại bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC?

Phải chăng chúng ta quay trở lại thời kỳ trước NĐ24, là tồn tại trên thị trường vàng có nhiều loại vàng miếng mang thương hiệu khác nhau. Qua đó giá cả của từng loại vàng miếng này cũng khác nhau. Vậy tại sao đều là vàng miếng với tiêu chuẩn 99,99% lại có giá khác nhau?

Câu trả lời là chất lượng thật của vàng miếng đó. Tại sao không phải là vàng miếng SJC với một chất lượng được kiểm soát và giám sát của NHNN. Nếu tiếp cận trên góc độ này, các công ty kinh doanh vàng trong nước sẽ chuyển vàng để thực hiện gia công ra vàng miếng SJC. Người dân mua vàng SJC vì nó đảm bảo chất lượng quốc gia, nên nếu có sửa nên sửa Quyết định 1623/QĐ-NHNN hơn NĐ24.

Do vậy, mục đích của đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC là để nhằm mục đích đạt được 2 mục tiêu, tự chủ sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn của mỗi công ty, và qua đó gây áp lực nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất.

Với cách thức này, lượng ngoại tệ đáp ứng cho nhu cầu nhập vàng sẽ không giới hạn. NHNN không đáp ứng được cơn khát này tất yếu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ tiếp tục diễn ra, vàng nhập lậu là điều đương nhiên.

- Như ông phân tích, vậy cớ gì chỉ một bộ phận nhỏ đầu tư muốn có lời cao phải tạo sức ép chính sách?

- Hiện tại, trong nền kinh tế có rất nhiều công ty kinh doanh vàng, liệu NHNN đã có dữ liệu tồn kho vàng của những công ty này qua 3 hay 5 năm không? Tôi nghĩ, nếu có dữ liệu này tin rằng nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại cách quản lý thị trường vàng.

Đơn cử, có 1 công ty kinh doanh vàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, có lượng tồn kho tăng gấp đôi trong 3 năm và tăng nhiều lần trong 5 năm gần đây. Nếu xu hướng này diễn ra cho tất cả công ty kinh doanh vàng, một câu hỏi đặt ra là kể từ khi NĐ24 ra đời, NHNN không nhập khẩu vàng, các công ty kinh doanh vàng này mua vàng ở đâu để tồn kho tăng?

Nếu chấp nhận câu trả lời “từ vàng nhập lậu” thì nguồn cung vàng trong nước vẫn có, chỉ có điều là nguồn vàng này chưa được chuyển thành vàng miếng SJC, nên chênh lệch giá cao hơn chênh lệch của vàng nhẫn.

Vậy việc nhập khẩu vàng chính thức từ NHNN, cũng chỉ là thay thế lượng vàng nhập lậu này và dự trữ ngoại tệ quốc gia bị mất đi. Nên nếu nhìn góc độ này càng không thể sửa NĐ24.

- Theo ông như thế nào để thị trường vàng đạt được “an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân”?

- Có lẽ, cách tiếp cận “an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân”, phải được xem xét dưới tiêu chuẩn là các chính sách quản lý thị trường vàng nào dẫn đến sự không an toàn, không lành mạnh, không hiệu quả sẽ là chính sách không được ban hành.

Thí dụ: Nếu cấp hạn ngạch cho nhập khẩu vàng làm cho dự trữ ngoại tệ thiếu an toàn và mất an ninh tài chính tiền tệ, thì không được phép thay đổi cách quản lý thị trường vàng. Nếu cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng để bán vàng ra, lợi ích này tại sao không phải do NHNN thực hiện mà để doanh nghiệp thực hiện?

Một chính sách mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp được phép nhập khẩu và bất bình đẳng, phần còn lại là chính sách không lành mạnh và không hiệu quả cho ngân sách nhà nước…

Do vậy, qua phân tích trên, thiết nghĩ vì những áp lực nhất định của thị trường vàng, chính phủ có thể cho phép NHNN nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng SJC, sau đó bán đấu giá công khai trong nước cho các công ty kinh doanh vàng mua để phân phối trong nước.

Cách làm này có thể hy sinh một phần nhỏ dự trữ quốc gia nhưng vẫn thu về một lượng tiền VNĐ cao hơn. Đồng thời thị trường cũng minh bạch và lành mạnh.

- Xin cảm ơn ông.

Nếu cấp hạn ngạch cho nhập khẩu vàng làm cho dự trữ ngoại tệ thiếu an toàn và mất an ninh tài chính tiền tệ, thì không được phép thay đổi cách quản lý thị trường vàng. Nếu cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng để bán vàng ra, thì lợi ích này tại sao không phải do NHNN thực hiện mà để doanh nghiệp thực hiện?

Các tin khác