Các FTA tạo xung lực mới cho hoạt động xuất khẩu

(ĐTTCO)-Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.
Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ để tăng năng suất lao động. (Ảnh: TTXVN)
Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ để tăng năng suất lao động. (Ảnh: TTXVN)

Quá trình hội nhập quốc tế và kinh tế đã và đang mở ra cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Đặc biệt, việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.

FTA - trợ lực xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu được đánh giá là một trong những điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2021, dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD và 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 431,94 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% và nhập khẩu đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.

Trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng cao. Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) dẫn số liệu đến hết tháng Bảy cho thấy, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5%; xuất khẩu sang Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%. Đây đều là những nước cùng tham gia Hiệp định CPTPP với Việt Nam.

Ngoài ra, với thị trường EU, sau 7 tháng, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt 27,67 tỷ USD, tăng 21,1%; ASEAN ước đạt 20,38 tỷ USD, tăng 25,8%; Hàn Quốc ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 14,5%; Nhật Bản ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 12,2%...

Có thể thấy, với “chất xúc tác” từ các Hiệp định FTA, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt để biến thành các cơ hội mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Đơn cử, lĩnh vực da giày, hiện Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu sang Trung Quốc, đứng thứ 3 về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin, qua 7 tháng xuất khẩu da giày đạt trên 14 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó nhiều thị trường có mức tăng trưởng cao, như: thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng 24%, Liên minh châu Âu (EU) tăng 17,5%... Đặc biệt là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã duy trì được tốc độ xuất khẩu rất tốt. Như, thị trường CPTPP, xuất khẩu của ngành da giày đạt 10%, thị trường EU là 18%.

“Cho đến thời điểm này, các lợi thế của các FTA đã được ngành da giày đã tận dụng rất tốt và các FTA chính là động lực để ngành da giày vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn qua,” đại diện Lefaso chia sẻ.

Nhạy bén để nắm thời cơ

Với những kết quả nổi bật trong thời gian qua cho thấy, xuất khẩu hiện trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới mở thêm nhiều cơ hội và đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.

Dù vậy, để tận dụng hết lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại, cũng như mở rộng diện hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp sẽ phải vượt qua các thách thức về quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc…

Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, mặc dù doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan xuống rất thấp nhưng ngược lại doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các thị trường đó thì mới có thể tham gia các sân chơi này.

Lấy ví dụ về ngành dệt may, các sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phải tái chế, tái sử dụng được… Hơn nữa, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới nguồn nhân lực.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, hiện nay tỷ lệ nội địa hoá ngành da giày đã tăng lên mức 55% và mục tiêu nâng dần lên từ 70-80% cho chung nguyên phụ liệu của toàn ngành.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp khó khăn về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu, như mặt hàng da thuộc hàng năm phải nhập hàng tỷ USD do mặt hàng này bị các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường…,” bà Xuân nói.

Vì vậy, để giải quyết và ứng phó với các thách thức, đại diện Lefaso kiến nghị cơ quan chức năng cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.

Cùng với đó, bà Xuân mong muốn Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đang được soạn thảo sẽ sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, ông Lê Hoàng Tài lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực các kỹ năng về ngoại ngữ, đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại, đặc biệt có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, giảm chi phí, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Các tin khác