Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng nhà nước (NHNN), 4 NHTM có vốn nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng NH tính từ ngày 27-2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6-12 tháng. Trong khi đó, các NHTMCP giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27-2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6-12 tháng.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Theo báo cáo của các NHTM, trong tháng 2, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022), đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết cũng chia sẻ về tình hình tín dụng đầu năm nay. Theo Thống đốc, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Cũng trong tháng 2, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, nhưng tính tới 28-2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.
Đối với việc này, Thống đốc cho biết, NHNN đã rà soát, đánh giá và thấy rằng các điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, từ đầu năm các ngân hàng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống dư thừa…
Do đó, việc tín dụng tăng trưởng chậm có một số nguyên nhân. Yếu tố đầu tiên là 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nguyên nhân thứ 2 là nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Đặc biệt, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Những năm trước, tín dụng bất động sản tăng cao, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các NHTM. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Thống đốc cũng biết, NHNN đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm, đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành hợp lý theo hướng phấn đấu giảm lãi suất hơn nữa. Theo ghi nhận của ĐTTC, trên thị trường 2 tháng vừa qua, các NH cũng ồ ạt triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển được ban hành tới đây, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
"Khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, có thể đến từ khía cạnh pháp lý, có thể từ khía cạnh thị trường như mất cân đối cung cầu thị trường các loại bất động sản khác nhau cũng như liên quan đến vấn đề về vốn. Đối với thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng", ông Hà phân tích.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này.
Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 NHTM có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 NH đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng (mỗi NH sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Trường hợp có thêm các NHTM đủ điều kiện tham gia, quy mô gói này có thể tăng lên.
Về lãi suất, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các NH đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các NH.