LTS: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Trong nhóm giải pháp đó, kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những giải pháp quan trọng, như chương trình khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 áp dụng trên địa bàn toàn quốc từ ngày 1 đến 31-7. Tuy nhiên, đúng vào tuần lễ cuối tháng 7, dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng và đến nay đã lan ra nhiều tỉnh thành cả nước.
Thực tế này đặt ra câu hỏi có nên đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Trong khi đó Chính phủ vẫn kiên định thực hiện “mục tiêu kép”: Đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Để các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn đa chiều, ĐTTC tổ chức “bàn tròn online” lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.
Phải giải tỏa tâm lý bi quan
Kích thích tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ trợ lực cho đầu tư công để giữ tổng cầu ổn định ở một mức độ nào đó, đảm bảo cho các hoạt động kinh tế được duy trì và ngăn chặn khả năng rơi vào suy thoái.
Một cách truyền thống thì kích cầu thường được thực hiện thông qua một chính sách tiền tệ mở rộng hoặc bằng chính sách tài khóa nới lỏng. Mở rộng tiền tệ sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất giảm xuống và các điều kiện kinh tế - tài chính trở nên thông thoáng hơn, cả hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ trở nên nhộn nhịp do mặt bằng giá cả đã được kéo giảm.
Chính sách tiền tệ mở rộng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá có tác dụng kích thích chi tiêu.
Một chính sách tài khóa nới lỏng bằng việc giảm thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính công nói chung cũng có tác động tích cực lên tiêu dùng, vì điều này khiến cho thu nhập khả dụng của người dân tăng lên trong khi chi phí giá thành của doanh nghiệp thì giảm xuống.
Thế nhưng, hiện nay rào cản khó khăn nhất của các giải pháp kích cầu chính là tâm lý phòng ngừa rủi ro của người dân trước một tương lai đầy bất định. Họ có xu hướng sắp xếp lại chi tiêu của mình, tiết kiệm hơn, phòng thủ nhiều hơn để đối phó với những kịch bản xấu có thể xảy ra.
Vì vậy, chính sách kích cầu lần này muốn thực sự hiệu quả và tạo ra đột phá thì cần phải có giải pháp để làm tan chảy tâm lý bi quan đang đóng băng niềm tin của người tiêu dùng.
Suốt nửa năm qua, công chúng đã đón nhận quá nhiều các thông tin tiêu cực xếp chồng lên nhau, từ các thông tin dịch bệnh cho đến số người lao động bị mất việc đang tăng lên, doanh nghiệp bị giải thể phá sản vẫn liên tục xảy ra.
Những dự báo còn cho thấy nếu 1-2 tháng nữa mà không có những chuyển biến đột phá thì sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp phải dừng hoạt động do cạn kiệt nguyên vật liệu và đơn hàng... khiến cho họ cảm thấy một tương lai rất mờ mịt.
Và tâm lý bi quan rất dễ hình thành hiệu ứng lây lan và những thông tin cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ dần in sâu, hình thành các hành vi thích ứng và nếu đã trở thành định kiến thì rất khó để thay đổi. Đây chính là bức tường sắt đánh bật tất cả các chính sách giảm thuế, giảm giá, trợ cấp hay nới lỏng các điều kiện kinh tế để kích cầu.
Trong khi đó, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong đợt dịch đầu thì quá hạn chế và hiệu quả mờ nhạt. Hầu như không có doanh nghiệp nào có thể “chạm tay” được vào các gói hỗ trợ này.
Người lao động yếu thế hoặc là không được giải ngân từ gói 62.000 tỷ đồng, hoặc nếu có thì con số 1 triệu đồng/người cũng như muối bỏ biển trong điều kiện mất việc và tương lai u ám.
Củng cố niềm tin người tiêu dùng
Củng cố niềm tin người tiêu dùng
Chính sách kích cầu lần này muốn thực sự hiệu quả và tạo ra đột phá thì cần phải có giải pháp để làm tan chảy tâm lý bi quan đang đóng băng niềm tin của người tiêu dùng. |
Vì thế, những chính sách kích cầu truyền thống dựa trên thu nhập, chi tiêu, giá cả sẽ không thực sự phát huy hiệu quả trong tình huống này. Chính sách kích cầu tốt nhất lúc này không phải bằng tiền tệ hay thuế khóa mà là tập trung củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.
Cam kết về an toàn y tế cho người dân là yếu tố quan trọng đầu tiên. Cuối tuần rồi, khi người đứng đầu ngành Y tế tuyên bố là ổ dịch Đà Nẵng và Hải Dương đã được khống chế là một thí dụ của những thông tin tích cực, có tác dụng cải thiện tâm lý và khơi gợi tinh thần lạc quan cho công chúng.
Kế đến là cần rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại trong chính sách hỗ trợ đợt 1 để nhanh chóng đưa các nguồn hỗ trợ đến với người dân và doanh nghiệp càng sớm càng tốt.
Điều này không chỉ là sự trợ giúp về tài chính, vật chất mà còn là sự khẳng định một lần nữa thông điệp của Chính phủ rằng không một người nào bị bỏ lại phía sau, dù trong hoàn cảnh bình thường hay khó khăn dịch bệnh. Đó là liều thuốc giảm đau vô cùng hữu hiệu cho tâm lý dễ bị tổn thương như hiện nay.
Nếu người dân tin rằng tình hình sẽ tốt lên, dịch bệnh không còn diễn biến xấu. Chính phủ thì có các chính sách đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập, ổn định kinh tế thì họ sẽ khôi phục lại các nhu cầu và thậm chí là bù đắp cho các khoản thiếu hụt trước đó. Khi đó, sản xuất nói riêng và nền kinh tế sẽ được vực dậy.
Chúng ta đang đứng trước một mốc thời gian quan trọng. Có thể đây chính là điểm tới hạn trong sự chịu đựng của tâm lý công chúng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mùa mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới cũng đã bắt đầu và ngay sau đó sẽ bước sang quý IV, chứa đựng nhiều đợt mua sắm lớn trong năm, là cơ hội để các chính sách kích cầu phát huy tác dụng tối đa. Vì vậy, nếu không nhanh tay và quyết liệt thì e rằng mọi thứ sẽ trở thành quá muộn.