Đảo lộn sản xuất
Trung tâm dịch xảy ra tại khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh - một trung tâm công nghiệp chế biến xuất khẩu của cả nước. Đồng thời là những nơi chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19.
Số người bị mắc bệnh nhiều hơn, đến nay số bệnh nhân Covid-19 của đợt 4 này cao hơn cả 3 đợt trước cộng lại. Số F1 phải cách ly nhiều hơn; số địa điểm phong tỏa cũng nhiều hơn trước (trừ lần giãn cách xã hội toàn quốc quý 2-2020). Công tác phòng chống dịch khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn; thời gian chống dịch, dập dịch để quay lại trạng thái bình thường có thể kéo dài hơn.
Dịch tác động đến nước ta tương tự như các đợt dịch trước, với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề là dịch vụ du lịch, vận tải hành khách nhất là hàng không, nhà hàng, khách sạn… Các lĩnh vực này tiếp tục giảm doanh thu, làm lợi nhuận giảm dẫn đến sa thải lao động… Doanh nghiệp trong các ngành này gặp khó khăn chồng chất, và sẽ có thêm doanh nghiệp không thể trụ lại, phải giải thể, phá sản.
Đáng chú ý, dịch lần này gây ra một số tác động mới, khác trước. Đó là gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh, thậm chí đứt gãy, tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy. Sản lượng công nghiệp sẽ giảm do ngừng, thu hẹp sản xuất, do giảm năng suất lao động.
Tốc độ tăng sản lượng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sẽ giảm; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác, có thể giảm, nhập siêu có thể quay trở lại.
Kết hợp cả hai loại tác động nói trên, thì tăng trưởng GDP quý II sẽ thấp hơn kế hoạch, và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn kế hoạch dự kiến.
Về an sinh xã hội, lao động bị mất việc làm, giảm việc làm tăng lên. Số lao động gia nhập khu vực phi chính thức gia tăng; nhưng cuộc sống và sinh kế của khu vực phi chính thức, lao động tự do trở nên khó khăn hơn, bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn.
Cần cụ thể hơn các kịch bản tăng trưởng
Về mục tiêu, cần tiếp tục giữ định hướng mục tiêu kép, nhưng phải cụ thể hơn. Kinh tế tăng trưởng như thế nào, vẫn giữ hay điều chỉnh mục tiêu? Hay theo tinh thần đạt được tối đa có thể? Kinh tế và y tế là hai mặt không thể tách rời nhau. Nhưng có khống chế được dịch thì mới có thể có kết quả kinh tế khả quan.
Trong tiếp cận vaccine thì đối tượng rủi ro cao và công nhân các khu công nghiệp phải là đối tượng ưu tiên. Trên thực tế, Chính phủ đang làm theo hướng này, nhưng cần thể hiện rõ ràng hơn.
Cùng với vừa chống dịch, vừa hỗ trợ các địa phương, các khu công nghiệp, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhanh chóng phục hồi lại sản xuất; phải yêu cầu các khu công nghiệp trên toàn quốc có kế hoạch chủ động đối phó dịch bệnh, tránh đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng; hạn chế đến mức tối đa việc gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đúng tiến độ, đúng khối lượng xây lắp. Các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế, trình Chính phủ cuối tháng 6 đầu tháng 7.
Chúng ta vẫn cần một gói kích thích tăng trưởng phục hồi kinh tế, trong đó ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô, trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ chắc chắn phải tăng lên mà phải ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề khó. Đầu tư công phải kích thích đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài; phải kích thích được những mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo, kinh tế số…
Gần 1 tháng nay, Chính phủ tập trung về chống dịch, y tế. Đây là việc làm cần thiết, song cũng cần tập trung hơn cho điều hành về kinh tế. Điều hành phải có công cụ, điều hành phải trên cơ sở công cụ và kịch bản, từ đó để có kế hoạch rõ ràng. Ví dụ tăng chi tiêu công, chấp nhận bội chi bao nhiêu, lạm phát mục tiêu có thay đổi không...
Khác với năm ngoái. Năm 2020, dịch tác động đến kinh tế - xã hội nhưng cảm nhận về điều hành của Chính phủ chủ động hơn, thay đổi cách thức, trọng tâm điều hành và có kịch bản cho từng quý.
Và trong các kịch bản đó luôn có giả thiết đầu tiên là dịch bệnh thế nào và sẽ làm gì, đồng thời trong đó luôn nhấn mạnh Nhà nước là trụ cột cho chống dịch và tăng trưởng nên xác định là đầu công.