Cần 'mở cửa' cho nhà đầu tư ngoại tham gia mua bán nợ xấu

(ĐTTCO) - Việc nhà đầu tư ngoại mong muốn nhưng chưa dám mua nợ xấu là thiệt thòi rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Vì vậy, chúng ta cần huy động được nguồn lực của xã hội trong nước cũng như ở ngoài nước để mua nợ xấu.
Cần 'mở cửa' cho nhà đầu tư ngoại tham gia mua bán nợ xấu

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Quốc hội sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023. NHNN đã gửi dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi, trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ). Việc bổ sung các quy định nhận được sự ủng hộ của các NH và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau.

ĐTTC trích đăng ý kiến đóng góp của LS. Trần Anh Đức, Đoàn luật sư TPHCM, thành viên Công ty Luật Allen & Overy (Việt Nam), xung quanh quy định này tại dự thảo Luật Các TCTD.

Vẫn chưa “mở cửa” cho NĐTNN

Dự thảo Luật Các TCTD đã kế thừa điểm rất tiến bộ của Nghị quyết 42 là quyền thu giữ TSBĐ. Đây là điều rất quan trọng, vì muốn xử lý TSBĐ, trước tiên phải thu giữ được TSBĐ. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự không còn cho TCTD quyền này, khiến việc xử lý TSBĐ rất khó khăn, mất nhiều thời gian và hầu như không thể thi hành được.

Tuy nhiên, cũng còn có những vấn đề cần quan tâm, thí dụ bên mua nợ là ai? Nghị quyết 42 nêu rất rộng, rất rõ cả trong nước lẫn nước ngoài, pháp nhân nước ngoài lẫn pháp nhân Việt Nam đều được mua nợ xấu. Song dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) không đề cập đến bên mua nợ.

Vậy ai là bên mua nợ? Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có được mua nợ hay không? Nếu với những quy định như dự thảo, chúng tôi không thể đưa ra quan điểm là chắc chắn. Vì mua nợ với tài sản là bất động sản (BĐS) sẽ khó thực hiện đối với NĐTNN. Nếu không nói rõ NĐTNN được mua nợ xấu, họ không dám mua và chắc chắn không có luật sư nào dám tư vấn cho NĐTNN mua nợ, khi khoản nợ này đang được bảo đảm bằng BĐS.

Cùng với việc tạo điều kiện cho NĐTNN mua nợ xấu, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) cần quy định cơ chế rõ ràng về xử lý TSĐB của khoản nợ xấu.

Đồng thời trong dự thảo cũng nói rõ, bên mua nợ xấu được kế thừa các quyền của TCTD. Nhưng kế thừa này được hiểu như thế nào? Liệu bên mua nợ có được quyền thu giữ TSBĐ?

Cách đây mấy năm, khi Nghị quyết 42 ra đời, chúng tôi cũng đón NĐTNN đến Việt Nam. Họ thẩm định rất chi tiết về việc có nên mua nợ xấu và cũng dự định thực hiện một danh mục đầu tư với cả ngàn khoản nợ xấu. Họ đã thẩm định pháp lý, rà soát mấy trăm hồ sơ vay.

Đó là những khoản nợ xấu đã kéo dài 3-5 năm và NH lúc này gần như không có hy vọng thu hồi, nên rất muốn NĐT mua lại. Song NĐTNN đã cân nhắc về việc nếu mua nợ xấu, họ có cơ hội để xử lý được nợ, có được thu giữ TSBĐ và được kế thừa các quyền của bên bán nợ? Cuối cùng, họ quyết định không mua nữa.

Những năm gần đây, một số NĐTNN quan tâm đến nợ xấu, nhưng khi thẩm định sơ bộ khuôn khổ pháp lý họ cũng quyết định không mua. Lý do, NH cho vay đang có TSBĐ bằng BĐS, nhưng khi NĐTNN mua khoản nợ đó lại trở thành không có TSBĐ vì vướng các quy định về việc mua/sở hữu BĐS tại Việt Nam.

Việc NĐTNN mong muốn nhưng chưa dám mua nợ xấu tại các TCTD Việt Nam là thiệt thòi rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần huy động được nguồn lực của xã hội trong nước cũng như ở ngoài nước để mua nợ xấu.

Thực ra, NĐTNN có thế mạnh về tài chính, nhưng họ lại không có bộ máy hay phần mềm để xử lý và thu hồi nợ xấu. Do vậy, NĐTNN đặt ra vấn đề họ có được ủy quyền lại cho bên bán nợ là TCTD được tiếp tục quản lý khoản nợ này, thu hồi nợ và thu giữ TSBĐ cho bên mua nợ hay không? Đây là điểm mấu chốt. Phải có các quyền như vậy, NĐTNN mới tham gia, còn không sẽ rất khó.

Thiếu cơ chế rút gọn, xử lý TSĐB kéo dài

Sau khi thu giữ và xử lý TSBĐ, một vấn đề phát sinh là bên mua nợ và NH bán nợ, hay công ty mua bán nợ thường thỏa thuận phân chia số tiền thu hồi nợ. Thí dụ, xử lý TSBĐ thu hồi được 100 tỷ đồng, các bên sẽ thỏa thuận chia nhau số tiền này. Điều này diễn ra vì đây là tài sản rủi ro, các bên mua nợ cũng chia sẻ với NH.

Dự thảo Luật Các TCTD cũng có cơ chế phân chia số tiền còn lại, nhưng chỉ đề cập đến phân chia giữa TCTD và tổ chức mua bán nợ, chưa bao gồm bên mua nợ. Vì vậy, cần bổ sung cho phép bên mua nợ được thỏa thuận phân chia số tiền còn lại.

Về định nghĩa nợ xấu, dự thảo định nghĩa nợ xấu của các TCTD bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (Điều 186). Quy định như vậy, những người hoạt động trong lĩnh vực NH đều biết, nhưng người ngoài ngành NH sẽ rất khó khăn để xác định.

Vì vậy, nếu là quy định của luật phải khách quan để nhìn vào ai cũng biết đó là nợ xấu. Chẳng hạn, không trả được nợ trong thời hạn bao lâu là nợ xấu, không phụ thuộc vào các việc ghi hạch toán như thế nào. Dự thảo cũng đề cập tới tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, BĐS nhưng còn thiếu tài sản gần đây được góp ý trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Đất đai.

Đó là quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Trong trường hợp người vay thuê đất hàng năm chỉ được thế chấp tài sản trên đất, nhưng đi kèm với thế chấp tài sản trên đất có quyền thuê theo hợp đồng thuê đất. Đây là điểm cần bổ sung.

Đặc biệt, có điểm đáng tiếc là Nghị quyết 42 có cơ chế rút gọn nhưng dự thảo luật không đưa vào. Về mặt khoa học, bố cục, tôi đồng ý vấn đề này đặt trong luật về tố tụng dân sự phù hợp hơn, nhưng không biết đến bao giờ mới sửa Luật Tố tụng dân sự. Do vậy, không đưa cơ chế này vào, TCTD có quyền thu giữ, xử lý TSBĐ nhưng thực tế rất khó thực hiện. Nếu bên thế chấp chống đối, không hợp tác, TCTD phải làm sao?

Thực tế hiện nay, hầu như không áp dụng các quyền này được vì quy định chỉ nằm ở nghị quyết, không phải luật. Cuối cùng, các bên phải ra tòa, may mắn thì 1 năm, không may mắn 3-4 năm vẫn không hết được thủ tục của tòa và sau đó thi hành án vài năm nữa.

Mua khoản nợ xấu nhưng xử lý TSBĐ mất nhiều năm, rõ ràng là rào cản lớn. Vì vậy, nên cân nhắc có thể tạm thời quy định vào luật này việc thu giữ hay việc xử lý TSBĐ được áp dụng cơ chế rút gọn thủ tục. Có như vậy, hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu mới được thúc đẩy.

Các tin khác