Chính vì thế, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2018. Đây là lần đầu tiên các quy định về “pháp nhân thương mại phạm tội” được áp dụng.
Tại hội thảo “Loại bỏ rủi ro hình sự, doanh chủ cần làm gì?” tổ chức bởi LP Group ngày 13-1 vừa qua tại TPHCM, LS. Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa hình sự, TAND TPHCM, cho biết BLHS 2015 đã quy định 33 tội danh của pháp nhân thương mại, trong đó có các quy định người chủ doanh nghiệp không thể không biết, như trốn thuế, rửa tiền, vi phạm môi trường, không đóng bảo hiểm xã hội... hay lừa đảo, gian dối trong kinh doanh.
Còn TS. Trần Sĩ Chương, thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, bên cạnh trăn trở về các quy định của BLHS 2015 quá khắt khe với doanh nhân, đã chia sẻ thêm: “Ở phương Tây các doanh chủ rất coi trọng sự tuân thủ luật pháp trong kinh doanh, đồng thời chính phủ và các tổ chức (trong đó có luật sư) sẵn sàng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này, đặc biệt là hướng đến hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Theo chuyên gia Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group: “Các doanh nghiệp cần tuân thủ luật pháp, các CEO của doanh nghiệp cũng phải tự trang bị kiến thức pháp lý cho mình, thậm chí phải mua bảo hiểm trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi cho mình trong quá trình điều hành doanh nghiệp”.
Đồng tình với quan điểm đó, ông James Dương Nguyễn, CEO Dcorp R- Keeper Việt Nam, cho biết doanh nhân Việt thật sự chú trọng việc kinh doanh nhưng dường như ít quan tâm đến vấn đề pháp lý, đặc biệt về vấn đề hình sự trong kinh doanh. Bản thân ông Nguyễn cũng lần đầu tiên nghe nói đến “hình sự hóa” trong kinh doanh.
Nhấn mạnh ở vấn đề trách nhiệm hình sự của doanh nhân theo quy định mới về “pháp nhân thương mại phạm tội”, nhiều chuyên gia, luật sư, nhìn nhận BLHS 2015 là một bước đi tiến bộ và tất yếu, là xu thế của thế giới Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi được.
Thí dụ, chuyện rửa tiền, tội phạm “cổ cồn trắng” xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao... khi nhiều doanh nhân vi phạm với những chiêu thức tinh vi hơn sẽ ảnh hưởng đến xã hội, đến môi trường kinh doanh và trực tiếp đến doanh nghiệp khác.
Vì thế, theo tôi, các CEO cần am hiểu kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức về pháp luật hình sự nói riêng trong lĩnh vực họ đang kinh doanh. Không có chuyện họ nói không biết các quy định được. Họ cần thiết lập các quy trình hệ thống quản trị công ty tốt, các quy chế - pháp lý chuẩn mực và tăng cường thực thi cơ chế kiểm soát tuân thủ trong quản trị doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, doanh nghiệp và bản thân CEO sẽ kiểm soát tốt và hoàn toàn có thể loại bỏ rủi ro hình sự trong kinh doanh.