Cần nâng Nghị quyết 42 thành luật để xử lý nợ xấu


(ĐTTCO)-Ngày 23-6, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” theo hình thức trực tuyến.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể, từ cuối năm 2018 đến hết tháng 4-2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 500.000 tỷ đồng nợ xấu.
Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến 30-4-2021, hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).
Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD.  Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại do nhiều doanh nghiệp nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền... không có nguồn thu để trả nợ.
Cần nâng Nghị quyết 42 thành luật để xử lý nợ xấu ảnh 1
Trước thực tế trên, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề xuất:
(1) Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD.
Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
(2) Trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay.
(3) Việc triển khai Nghị quyết 42 còn rất nhiều vướng mắc, bất cập như đã nêu ở trên, cần thiết tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung tại Nghị quyết 42 đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong áp dụng pháp luật để giải quyết kịp thời vướng mắc của các ngân hàng trong triển khai Nghị quyết 42 hiện nay.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đề xuất nâng Nghị quyết 42 thành luật. Bởi, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn có những điểm “xấu” và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành ngân hàng cần tốt hơn.
“Thứ nhất, về Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14, được ban hành chậm nhưng tốt, thể hiện qua kết quả xử lý nợ xấu và việc xử lý được nhiều nợ xấu đó chỉ là vấn đề thời gian. Thứ hai, qua nhiều năm, thì không có lý gì không xử lý được nợ xấu, nhất là đối với nợ có tài sản bảo đảm.  Tuy nhiên, điểm sai không hợp lý lại làm được là 1/5 điều kiện: Thoả thuận thu giữ tài sản thế chấp. Trên thực tế, điều này không thực thi. Điểm cần thiết lại không làm được: Thủ tục rút gọn (Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 và Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP)” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chính phủ nên cho phép ngân hàng khôi phục cơ chế pháp lý “khoanh nợ” như trước đây đã từng được thực hiện trong ngành ngân hàng. Hiện nay vẫn đang áp dụng đối với việc xử lý nợ quốc gia và một số lĩnh vực như cho vay của các quỹ Đầu tư phát triển địa phương, bởi đây là phương thức phù hợp nhất trong lúc này cho cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp đang vay nợ.
 Đề xuất của VAFI phi thực tế
Liên quan đến việc Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Chính phủ và cơ quan ban ngành đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền đồng về mức 0%/năm, trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng đây là một đề xuất phi thực tế. Giải thích về điều này, ông Hùng cho rằng chỉ cần nhìn vào yếu tố lạm phát sẽ thấy rõ. Hiện nay, lạm phát Việt Nam đang ở mức cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm nay, dự báo lạm phát của Việt Nam vào khoảng 3,5% đến gần 4%, trong khi các nước đang phát triển ở châu Á dự kiến khoảng 2%, toàn thế giới dự kiến khoảng 2,5 - 2,8%, đo đó lãi suất của của ngân hàng Việt Nam cũng cần phải cao hơn.  

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật ANVI thì cho rằng việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% sẽ kéo theo nhiều rủi ro và hệ lụy khác cho nền kinh tế. Việc định giá lãi suất bao nhiêu là do thị trường quyết định, không nên can thiệp quá nhiều. Khi đưa lãi suất về 0% tức là áp đặt một ý chí chính trị hành chính làm méo mó thị trường. Thay vào đó, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị nên có hình thức khác như là tính thuế tiền gửi tiết kiệm ở một mức độ phù hợp.

Các tin khác