Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề. Có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, hơn 30 triệu lao động (tương đương hơn 58% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực như bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập... Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã dần phục hồi trong năm 2022 so với năm 2021.
Cụ thể, 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người (tăng 1,2 triệu người). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% (tăng 0,9%).
Trong 9 tháng, số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người). Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng lại tăng thêm gần 727 nghìn người, với gần 17 triệu người, chiếm 33,4%. Khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số có việc làm với tỷ trọng 39%. Thu nhập của người lao động được cải thiện; số lượng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, thì có nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chiếm 1,36%, chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng”
Tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần. Ngành may mặc là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đơn hàng cuối năm của nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm từ 15% đến 50%, đồng nghĩa ảnh hưởng tới việc làm của hàng triệu người lao động.
Người lao động tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất: “Giải pháp cho doanh nghiệp, dĩ nhiên không thể dùng những chính sách hỗ trợ thời kỳ dịch bệnh mà chúng ta có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất từ năm 2022. Có mấy cái mà đến nay chúng tôi cho rằng doanh nghiệp tiếp cận được như gói hỗ trợ về an sinh và việc làm 48,5 nghìn tỷ cho người lao động; 110 nghìn tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có cấp bù lãi suất 2%, chúng ta vẫn chưa làm được. Gói VAT giảm thuế 2% thì chúng tôi đề nghị tiếp tục thực hiện cho doanh nghiệp. Những chính sách về BHXH, BHTN còn nhiều bất cập mà chúng tôi đã kiến nghị thì cũng đề nghị nghiên cứu để có thể giải quyết”.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1 năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.
Bà Trần Thị Lan Anh kiến nghị: “Trước những khó khăn này, VCCI kiến nghị cần ổn định kinh tế vĩ mô, có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa; chính sách hỗ trợ tín dụng; an sinh xã hội; trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, đào tạo và đào tạo lại”.
Trong bối cảnh này, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.
“Trước hết, cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức, phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng, với các nguồn tuyển dụng uy tín, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần tuyển việc làm.Đồng thời, phát huy vai trò của các hiệp hội người sử dụng lao động trong việc kết nối để giới thiệu việc làm cho lao động từ các doanh nghiệp không bố trí được việc làm tới các doanh nghiệp”, ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.
Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro và và khó khăn. Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau nên việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina cũng là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo.
Để khắc phục cũng như lường trước những khó khăn sắp tới, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra ở cả lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
“Chúng tôi nhận lỗi là việc dự báo thông tin thị trường lao động đứt gẫy nhiều lúc chưa tốt. Hiện có một vấn đề là cần thiết chế nào đó để có thể liên kết tất cả nước các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân trong ngoài nước và dịch vụ việc làm công, thì Bình Dương và một số địa phương đang đề xuất, có thể chúng ta lập một câu lạc bộ cung cầu lao động hoặc Hội cung cầu lao động. Thiết chế thị trường lao động này giúp nhà nước điều phối, hỗ trợ tốt hơn”, ông Vũ Trọng Bình cho hay.
Trước những khó khăn hiện hữu khi Tết nguyên đán đang đến gần đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần triển khai những biện pháp cấp bách nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023.