Cần thêm trợ lực xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) - Động lực từ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu cùng với sự đốc thúc liên tục từ cơ quan quản lý, hoạt động xử lý nợ xấu đang được đẩy mạnh tại các NHTM trong các tháng đầu năm 2018.
 Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi nợ theo Nghị quyết 42, các NH cũng gặp nhiều trường hợp khó khăn trong việc thu hồi và phát mãi tài sản, nên cần thêm sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các bộ, ngành để tháo gỡ.
Đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp
Trong tháng 1-2018, Sacombank đã tiến hành các đợt thu hồi và xử lý tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và vợ là bà Quách Kim Chi, thế chấp vay vốn trước đây như tài sản tại số 26, đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11 được thế chấp cho NHTMCP Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank) để đảm bảo cho khoản nợ gốc 50 tỷ đồng và lãi phát sinh; tài sản tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM thế chấp cho 2 khoản vay 192 tỷ đồng và 400 tỷ đồng tại NHTMCP Phương Nam; tài sản tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Phú Nguyễn cho khoản vay 37 tỷ đồng; tài sản của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đảm bảo cho khoản nợ vay 57 tỷ đồng nợ gốc của Công ty Phú Nguyễn tại 495 Phan Chu Trinh, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Mới đây, BIDV Chi nhánh Phú Tài cũng đã thông báo chào bán toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn thuộc CTCP Thuận Thảo và 95 khách hàng cá nhân liên quan, với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng (tạm tính đến 31-12-2017). 
 Thực tế trong quá trình thu giữ TSĐB, các NH vẫn gặp khó khăn do khách hàng thiếu hợp tác, hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay, nhất là nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản khó xử lý do việc trả nợ phụ thuộc vào việc xử lý TSĐB. Trong khi thiếu sự đồng bộ thực hiện giữa các bộ, ngành cũng như các cơ quan chức năng khác chưa phối hợp.
Nguyễn Thị Hồng,
 Phó Thống đốc NHNN
Quan sát tại các NHTM hiện nay đều thấy, hoạt động thu hồi nợ và xử lý hàng loạt tài sản đảm bảo (TSĐB) do khách hàng vay vốn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay của khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp đang diễn ra rất ráo riết thông qua nhiều biện pháp khác nhau.
“Hoạt động xử lý nợ xấu sau khi có một loạt cơ chế chính sách so với trước đây đã dễ thở hơn, theo đó NH đang nỗ lực xử lý nợ xấu theo khung pháp lý mới. Trong quá trình đó, khoản nào chi nhánh xử lý không được sẽ chuyển lên ban giám đốc, ban giám đốc không xử lý được sẽ tới Hội đồng quản trị tham gia xử lý để đạt được lộ trình đề ra”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietinbank khi nói về hoạt động xử lý nợ xấu của NH này. Một cán bộ tín dụng của Agribank chi nhánh Thủ Đức, TPHCM cho biết, sau khi ban hành Nghị quyết 42, lãnh đạo NH đã thông báo đến toàn hệ thống của NH, đặc biệt là các đơn vị liên quan đến nhiệm vụ xử lý nợ xấu phải tập trung toàn lực để xử lý nợ xấu. 
Hiện hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy mạnh và trong các phương án xử lý nợ, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để khuyến khích, động viên khách hàng. Tại các chi nhánh của SCB, thông tin thu giữ và bán đấu giá TSĐB liên tục được cập nhật trên bảng thông báo của NH. VAMC mới đây cũng công bố 6 nhóm giải pháp để đẩy nhanh xử lý nợ xấu trong năm 2018, nhằm thực hiện mục tiêu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt từ 27.000-32.000 tỷ đồng, mua bán nợ theo giá thị trường 3.500 tỷ đồng, thu hồi nợ khoảng 24.890 tỷ đồng. 
Cần thêm trợ lực xử lý nợ xấu ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Cần sự chung tay
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, hệ thống TCTD đã xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó, Nghị quyết 42 đã đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu kể từ quý IV-2017 khi cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và TSĐB, như trao quyền thu giữ TSĐB cho các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại tòa án, tạo cơ chế xử lý tài chính đối với các TCTD khi bán nợ xấu.
Thống kê sơ bộ của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN) cho biết, tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12-2017, hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. 
Song theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu nên cần đẩy mạnh hơn. Để thực hiện yêu cầu này, NHNN đã có văn bản yêu cầu các NH áp dụng toàn diện các biện pháp, chính sách tại Nghị quyết 42 nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng hoạt động, và đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. 
Đứng ở góc độ NH, Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, NH muốn đẩy mạnh tiến độ nhưng khi tiến hành thu hồi nợ để phát mãi mới phát hiện ra muôn hình vạn trạng trường hợp, khiến NH khó xử lý nợ như mong muốn. Chẳng hạn, một số khoản vay nhận thế chấp bao gồm quyền sử dụng đất lẫn cây cảnh có giá trị trên mảnh đất đó.
Mặc dù những loại cây cảnh này trên thị trường có giá cao, nhưng lại không có cơ sở chính thức để định giá và khi phát mãi tài sản lại khó tìm được đối tượng mua lại, nên tài sản ùn ứ tại NH không xử lý được. Một trường hợp phổ biến nữa nhiều TSĐB là các dự án vay vốn nhưng pháp nhân đứng ra vay vốn không phải chủ đầu tư dự án trực tiếp, nên phía NH cũng không thể thu giữ TSĐB để thu hồi nợ.
Thống kê trong năm 2017, trong khoảng 70.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu, hoạt động phát mãi tài sản của các NH cũng chỉ mới chiếm 2,3%, phần còn lại đến từ thu nợ từ khách hàng và sử dụng dự phòng rủi ro, trong khi tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng TSĐB chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Giá trị nợ xấu xử lý được theo Nghị quyết 42 cũng chỉ mới tập trung ở 6 NH gồm Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank với khoảng 20.440 tỷ đồng, chiếm 51,3% nợ xấu được xử lý trên toàn hệ thống tại thời điểm cuối tháng 11-2017. 
Hiện nay, với mong muốn đẩy mạnh xử lý nợ xấu, các NH mong muốn nhận được đồng thuận của cả hệ thống chính trị, xã hội, sự hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan, đưa ra các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42, từ đó tháo gỡ đồng bộ vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2018. Bên cạnh đó, hiện nguồn TSĐB do các NH tung ra bán đấu giá quá nhiều, nhưng mạnh ai nấy bán, chưa có sàn giao dịch chung cũng là một vấn đề cần sớm giải quyết để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.

Các tin khác