Ông Lê Tuyên (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã có hơn 30 năm bám biển, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào nghề đi biển của ông. Thế nhưng, mới đây ông dẫn chúng tôi đi xem chiếc tàu vỏ thép QN 92345 TS của mình đang nằm bờ bắt đầu gỉ sét và cho biết, con tàu này đã nằm bờ gần năm nay.
Đóng tàu xong đi được vài chuyến không hiệu quả, bạn tàu nghỉ dần, ông phải tìm bạn tàu tận Cà Mau để đủ quân số vươn khơi nhưng cũng không cầm cự được bao lâu vì mực rớt giá liên tục, thua lỗ nên không có tiền trả cho bạn tàu. Ông Tuyên cũng đã 2 lần hầu tòa nhưng chưa ngã ngũ bởi hoàn cảnh hiện nay gia đình ông không có tiền trả nợ ngân hàng.
“Khi Nhà nước cho cơ chế vay đóng tàu lớn (tàu vỏ thép), tôi thầm hy vọng sẽ khấm khá hơn, nhưng đến nay tôi phải quay lại làm thuê cho người khác kiếm sống qua ngày. Hiện tôi cũng không biết mình nợ ngân hàng bao nhiêu, họ liên tục gửi giấy, cho người đến nhà rồi mời ra tòa. Tôi quen sống với nghề biển, giờ muốn đóng tàu gỗ đi như ngày xưa cũng không có khả năng. Vì vậy, tôi đành làm thuê cho các tàu khác”, ông Tuyên trải lòng.
Xã Duy Hải có 3 tàu vỏ thép hiện phải nằm ở “nghĩa địa” tàu cá bởi 3 chủ tàu thay phiên nhau hầu tòa và cũng đã đi làm thuê cho những tàu gỗ khác. Ngoài ra, hàng trăm chủ tàu vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang vướng cảnh nợ nần bởi đa số vốn đóng tàu phải vay nhưng khai thác ngư trường xa bờ không hiệu quả, khó tìm bạn tàu. Nhiều chủ tàu đã chuyển đổi nghề lưới rê sang chụp mực hoặc rập ghẹ nhưng hải sản ven bờ đang dần cạn kiệt nên cuộc sống luôn bấp bênh.
Hàng trăm tàu cá, chủ yếu tàu giã cào của ngư dân xã biển Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vay ngân hàng cũng đang bị siết nợ, vỡ nợ. Nhiều chủ tàu bị các ngân hàng kiện ra tòa theo hợp đồng vay vốn. 150 hộ có tàu cá tại xã Nghĩa An đã thi hành án kê biên, định giá, niêm phong tài sản. Mặc dù UBND xã Nghĩa An đã gửi văn bản lên các cấp, ngành chức năng nhờ can thiệp, đề nghị ngân hàng xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân “giãn nợ, khoanh nợ” nhưng vẫn không gỡ gạc được.
Theo UBND tỉnh Bình Định, thực hiện Nghị định 67, các ngân hàng thương mại đã đồng ý ký hợp đồng tín dụng cho 62 ngư dân Bình Định vay vốn đóng mới tàu cá với tổng số tiền 921 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay có 49 chủ tàu vỏ thép ở địa phương này đã nợ quá hạn với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vừa rồi, các ngân hàng thương mại chi nhánh tại Bình Định buộc phải khởi kiện ra tòa 15 chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 để mong đòi nợ.
Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) cho biết, qua nhiều đơn kiến nghị tìm hướng giải quyết, cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản có ý kiến như: giao Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND TP Quảng Ngãi và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh xem xét giãn nợ, khoanh nợ để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển. Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Thế nhưng đến nay, quá trình làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, các cấp, các ngành vẫn chưa khả quan. “Diễn biến sẽ càng xấu hơn khi sắp tới sẽ còn nhiều hộ ngư dân bị kê biên tài sản”, bà Công lo lắng nói. Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, câu chuyện chuyển đổi nghề cho các ngư dân hành nghề trên 350 con tàu giã cào đang bị siết nợ nằm bờ cũng rất khó. Bởi, đa số các ngư dân đều đã trên 40 tuổi, không nằm trong tuổi xuất khẩu lao động. Trước đó, địa phương cũng đã hướng dẫn một số ngư dân chuyển đổi sang nghề câu mực, nghề lưới chuồn, nhưng rồi cũng không khả thi, do không quen nghề.
Còn tại tỉnh Bình Định, hiện có trên 31 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đã hết hạn bảo hiểm nhưng vẫn chưa mua được bảo hiểm mới để ra khơi đánh bắt. Phía bảo hiểm báo thua lỗ, dừng bán bảo hiểm, trong khi đó, nếu không mua được bảo hiểm thì chủ tàu bị các ngân hàng “nhốt tàu” vì sợ đi biển gặp rủi ro không thu được nợ.