Vì vậy, người vay nên tiếp cận vốn từ công ty tài chính (CTTC) được NHNN cấp phép để tránh rơi vào cảnh vay nặng lãi và đòi nợ kiểu xã hội đen của các ứng dụng cho vay trá hình.
P2P Lending và khoảng trống pháp lý
Theo báo cáo của NH Thế giới vào năm 2018, 69% dân số Việt Nam chưa thể tiếp cận với nguồn vốn chính thức. Còn Cục Phát triển Doanh nghiệp (DN) Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây cho biết, chỉ 25% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn chính thống, 75% còn lại vay vốn từ các nguồn ngoài NH.
Do thủ tục vay vốn NH đòi hỏi nhiều điều kiện và cần có tài sản thế chấp, nhóm này trở thành “khách hàng mục tiêu” của tín dụng đen. Đó là khi người dân cần tiền gấp để trả viện phí, sinh hoạt phí, trả nợ, hoặc DN cần vốn gấp để duy trì hoạt động.
Do vậy tín dụng đen luôn “rộng cửa” chào đón với thủ tục vay rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, vay bao nhiêu cũng được. Đổi lại, người đi vay phải chấp nhận lãi suất rất cao và khi không trả được nợ sẽ bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố”.
Vài năm gần đây, P2P Lending du nhập vào Việt Nam, cho vay theo kiểu công nghệ qua ứng dụng (app), hướng vào phân khúc cho vay các khoản nhỏ lẻ. Tỷ lệ tăng trưởng của P2P Lending mỗi năm 35-50%, nên không chỉ nhà đầu tư trong nước mà các DN nước ngoài ngày càng mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam.
Tính từ năm 2016 đến nay, có khoảng 100 công ty P2P Lending hoạt động trên thị trường. Đã từng có kỳ vọng các app cho vay này sẽ đẩy lùi tín dụng đen, nhưng đến nay vẫn không thể vì chưa có pháp lý. Chính vì vậy mà bên cạnh một số đơn vị kinh doanh đúng tiêu chí, đã xuất hiện nhiều app cho vay biến tướng, trá hình của tín dụng đen.
Đó là việc hàng loạt app cho vay tiền trực tuyến trên mạng xã hội giới thiệu lãi suất rất thấp, dưới 20%. Song khi làm hồ sơ người vay phải trả thêm các loại phí như phí hồ sơ, phí thẩm định, phí quản lý… dẫn đến tiền trả lãi lên đến 200-300%/năm. Đa số giao dịch cho vay không có văn bản hợp pháp, thỏa thuận sơ sài, không có những điều khoản cụ thể về lãi suất, phương pháp trả nợ cũng như điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi của các bên cho vay và đi vay.
Khi người vay không trả được các khoản vay nặng lãi, bên cho vay dùng các thủ đoạn không hợp pháp, có tính chất “xã hội đen” để khủng bố tinh thần.
Câu chuyện nhiều app P2P Lending trá hình đã được Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, NHNN và các cơ quan chức năng có liên quan thừa nhận. Trong vòng 3-4 năm nay, có rất nhiều cuộc hội thảo bàn luận về thực trạng và giải pháp và vấn đề này cũng được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.
Tuy nhiên, cho đến nay việc một công ty thành lập với mục đích tư vấn tài chính nhưng lại thực hiện cho vay, hay các cá nhân cho vay qua trung gian là các app chưa được quản lý về mặt pháp luật. Khoảng trống lớn về mặt pháp lý dẫn đến tín dụng đen núp bóng hình thức công nghệ để cho vay công khai ngày càng nở rộ.
Lựa chọn CTTC vay tiêu dùng tin cậy
Ngược lại với các app cho vay, CTTC cho vay tiêu dùng được xem là địa chỉ uy tín đối với những người không tiếp cận được vốn từ NH. Hiện có 16 CTTC được NHNN cấp phép hoạt động (6 công ty 100% vốn nước ngoài, còn lại chủ yếu là công ty con của NH hoặc các tập đoàn lớn tại Việt Nam).
Các CTTC cho vay với thủ tục đơn giản, cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng, như cho vay tiền mặt để học tập, du lịch, chữa bệnh; cho vay qua thẻ tín dụng hoặc liên kết với các đại lý điện máy, hàng tiêu dùng… cho vay trả góp. Trong đó, FE Credit, HD Saison, Home Credit chiếm thị phần lớn, bao phủ rộng khắp thị trường. Sinh sau đẻ muộn, các đơn vị khác cũng đang nỗ lực tìm kiếm thị phần với nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Lãi suất vay tiêu dùng của các CTTC dao động 10-80%/năm, vì nhóm này không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015 (tức lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm), thay vào đó được điều chính bởi các luật chuyên ngành.
Tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC được thực hiện theo quy định của NHNN về hoạt động cho vay của các CTTC. Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Hiện chưa có quy định cụ thể về mức lãi suất trần của CTTC, nhưng NHNN có sự giám sát và điều chỉnh gián tiếp nếu lãi suất cho vay quá cao.
Trên thực tế, lãi suất thấp hay cao được các CTTC áp dụng theo số tiền vay, lịch sử tín dụng của người vay, loại hình sản phẩm, mức độ rủi ro... Người vay phải chấp nhận cách tính của các CTTC, vì vay tiêu dùng qua TCTD thường là khách hàng dưới chuẩn của NH, có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp và muốn được duyệt vay vốn nhanh.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều người dân phản ánh CTTC khủng bố người vay không trả nợ đúng hạn bằng cách gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa người vay và người thân của họ. Được biết, CTTC này thường ký kết với các công ty thu hồi nợ, dẫn đến tình trạng đòi nợ như trên.
Song cũng phải thấy rằng ý thức trả nợ của người dân chưa cao. Nhiều trường hợp vay tiền để chi tiêu sang, mua sắm đồ dùng đắt tiền, thậm chí để chơi cờ bạc… không có kế hoạch trả nợ vay đúng lịch thanh toán. Khi bị nhắc nợ, người vay có lời lẽ khiếm nhã với bên đòi nợ.
Trước tình hình này, NHNN cho biết sẽ chỉnh sửa quy định về hoạt động của nhóm CTTC này, như không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa, thời gian đòi nợ từ 9 giờ đến 21 giờ… Song trên hết phải thấy rằng sự bất cập chỉ diễn ra trong trường hợp khách hàng chây ì hoặc trốn tránh trách nhiệm trả nợ.
Thậm chí, khi CTTC xây dựng các app cho vay online, cùng lúc trên mạng xã hội xuất hiện các hội nhóm chia sẻ cách sử dụng sim rác, địa chỉ giả để đăng ký vay rồi “bùng nợ’.
Trong bối cảnh P2P Lending chưa được cấp phép, nhiều app cho vay hoạt động trá hình, thì việc tiếp cận vốn từ CTTC sẽ đảm bảo an toàn cho người có thu nhập thấp khi cần vay khoản tiền nhỏ cho nhu cầu tiêu dùng. |