Cần tư duy mới về sản phẩm chủ lực TPHCM

(ĐTTCO)-Liên tục trong thời gian vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã có nhiều buổi làm việc với các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị sớm chỉ ra đâu là những sản phẩm chủ lực của TP. 
Làm việc tại không gian khởi nghiệp cho thanh niên thành phố. Ảnh: Cao Thăng
Làm việc tại không gian khởi nghiệp cho thanh niên thành phố. Ảnh: Cao Thăng

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã có cuộc trao đổi đầy tâm huyết liên quan đến những vấn đề nóng bỏng đặt ra cho TPHCM.

TPHCM đang đứng trước trở lực rất lớn

PHÓNG VIÊN: Là người theo dõi xuyên suốt quá trình phát triển của TP, ông có thể chỉ ra những trở lực của TPHCM hiện nay là gì?

TS TRẦN DU LỊCH: TPHCM là một địa bàn năng động. Trước đây TP không chỉ nổi tiếng nhờ đóng góp vào GDP, ngân sách mà còn là nơi đổi mới, đột phá về thể chế, nhưng dần dần luật pháp bao phủ hết nên khó còn chỗ cho đột phá.

Vừa rồi TPHCM có Nghị quyết 54 của Quốc hội, nhưng theo tôi đánh giá thì không dễ gì huy động được nguồn lực. Xem qua Nghị quyết 54, cơ chế cho TPHCM huy động nguồn lực cũng không có. Quá trình đô thị hóa sẽ tạo ra các quỹ đất, chính là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách, nhưng chúng ta huy động rất kém.

Ví dụ, chúng ta chuyển 26.000ha đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp để tạo nguồn thu cho TP thì liệu có làm được không? Câu trả lời của tôi là không. Vì hiện nay giá đất nông nghiệp đã hình thành giá thị trường của đất ở, chứ không phải đất nông nghiệp.

Người dân dù đang làm lúa trên mảnh đất đó nhưng khi bán thì họ tính theo đất đô thị, nên không ai bỏ ra 5 - 6 triệu đồng/m2 để mua đất lúa làm khu công nghiệp được. Còn nếu áp giá đất nông nghiệp để thu đất của dân là điều không dễ dàng. Đây là những cái tắc. 

TPHCM hiện đang đứng trước trở lực rất lớn. Thứ nhất, sự bất lực về ngân sách nhà nước cho đầu tư công. Nếu cứ tiếp tục huy động và để lại 18% thì không thể làm gì được. Dĩ nhiên TPHCM được hưởng một số dự án ODA, nhưng để giải ngân và sử dụng nguồn tiền này là không hề đơn giản, chưa kể ODA phải phụ thuộc vào nước ngoài rất lớn. Khi sử dụng ODA cũng đồng nghĩa, mọi thứ đấu thầu là vô nghĩa, giá là áp đặt.

Cụ thể như tuyến metro đang làm. Huy động vay vốn thì cơ chế lại không cho phép địa phương tự vay tự trả theo kiểu dùng ngân sách của mình, vì một ngân sách nhà nước lồng ghép thế này thì không cho phép tự chủ được. 

Thứ hai, cho tới nay, thực chất TPHCM có đột phá về thay đổi cơ cấu là các ngành đi vào khu công nghệ cao, trong đó có khu phần mềm Quang Trung, khu y tế kỹ thuật cao, khu nông nghiệp công nghệ cao và khu cơ khí tập trung. Những khu này đặt ra là để làm lan tỏa, thay đổi tính chất cơ cấu kinh tế TP. Chuyện này đã đặt ra từ đầu những năm 2000 nhưng nay chưa có chuyển biến cơ bản.

Đặt vấn đề cho TPHCM phát triển về cảng và logistics, thật sự hiện nay chỉ có cảng Cát Lái; cảng Hiệp Phước chưa có giao thông kết nối, trong khi chúng ta quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước từ nhiều năm trước nhưng nay không làm được. Thành ra vấn đề tăng dân số, áp lực dân cư đều tập trung vào trung tâm, đặt ra các bài toán nan giải cho giao thông, ngập nước, trong khi nguồn ngân sách rất mỏng manh.

Tiếp theo, TP muốn nâng cao năng lực quản trị đô thị bằng mô hình chính quyền điện tử cũng không làm được. Hiện nay về cơ bản, quản trị TPHCM cũng không khác gì các tỉnh thành khác như Sơn La, Lai Châu. Trong khi đòn bẩy để nâng mô hình quản trị của một đô thị hơn 10 triệu dân vẫn chưa có.

Hiện TP vẫn tăng trưởng tốt là nhờ những cái đã có, nhưng để phát triển bền vững là chưa thấy. Từ năm 2006, TPHCM đi đầu trong việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ X, nhưng nay vẫn chưa thấy một triển vọng nào để có sự đột phá cho tương lai.

-Những áp lực đến từ đâu, thưa ông?

-Tôi có thể nói ngay, chính là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không còn thách thức trước mắt, mà nó đã trở thành áp lực. Lấy ví dụ, thương mại điện tử thế giới thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam sẽ là nguy cơ cho thương mại truyền thống. Điển hình, mới chỉ có vài việc như các tour Trung Quốc vào Việt Nam dùng hệ thống thanh toán của họ là chúng ta đã phát hoảng, rồi những tour 0 đồng…

Điều gì sẽ xảy ra nếu thương mại điện tử phát triển như vũ bão và các tổ chức thương mại điện tử chi phối bán lẻ, trong khi TP xây dựng các trung tâm thương mại cứ giữ kiểu thương mại truyền thống. Áp lực này cũng sẽ diễn ra trên diện rộng như robot hóa, thay đổi toàn bộ cơ cấu toàn bộ nguồn lực lao động. 

Không nên chọn một sản phẩm chủ lực cụ thể

-Gần đây, TPHCM đang bàn nhiều đến việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực. Ông có bình luận gì? 

-Theo tôi, TPHCM không làm một sản phẩm cụ thể mà cần công nghệ tạo ra nó; cần cơ chế để các start up phát triển. TP không thể làm ô tô, cũng không làm công nghiệp điện - điện tử, TP cũng không thể làm đồ gỗ, nhưng TP có thể là trung tâm thiết kế, phân phối đồ gỗ; không làm cây lúa, cây bắp, nhưng có thể làm ra cây giống; không nuôi heo nhưng có thể tạo ra con giống…

Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số nhóm ngành có giá trị, phải tiếp tục làm như phát triển y tế kỹ thuật cao, chúng ta đã quy hoạch cả một khu Bình Chánh để phát triển y tế nhưng cũng không làm tới nơi tới chốn. TP cũng đã đặt ra vấn đề là trung tâm giáo dục chất luợng cao, có hệ thống các trường quốc tế để người dân cả nước đưa con vào học chứ không cần ra nước ngoài, nhưng TP cũng chưa làm được.

Y tế và giáo dục nếu làm tốt thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ. Cũng không cần tính kim ngạch xuất khẩu của TPHCM là bao nhiêu, rồi lấy cả gạo và cà phê xuất khẩu qua cảng TP tính vào. Nếu còn tư duy đó thì kinh tế TPHCM sẽ không thể phát triển được.

-Ông đề cập nhiều đến hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy đâu là yếu tố cốt lõi để các start up phát triển?

-Chúng ta đã và đang đề cập nhiều đến TP thông minh, sáng tạo nhưng lực nền của nó rất yếu. Chúng ta không thể tạo ra các start up mà không cần đến một hệ sinh thái khởi nghiệp. Nói nôm na, TPHCM cần tạo ra một môi trường mà khi cần gieo hạt giống nào, nó cũng có thể lên được. 

Môi trường này gồm cái gì, đó là thể chể, tất cả các hệ thống hạ tầng và con người. Cả 3 cái này sẽ giúp DN khởi nghiệp. Trong bối cảnh đó, tôi chưa nhìn thấy được TP có được 1 trong 3 điều này.

Ví dụ, TP phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì ứng dụng vào cái gì. TPHCM cũng nên chọn một vài lĩnh vực cụ thể để triển khai, chứ không thể nói đô thị thông minh chung chung được. 

Kiên trì giải pháp phát triển vùng đô thị TPHCM

Theo ông, TPHCM cần làm gì để giải quyết những vấn đề đặt ra, hướng đến phát triển bền vững? 

-Thứ nhất, TP gắn công nghệ cao vào chuỗi phân khúc công nghệ cao, thông qua việc phát huy tốt nhất các khu công nghệ cao. Chúng ta phải thực sự chuyển nó thành khu công nghệ cao chứ không phải là nơi sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao. Hai vấn đề này khác nhau. Chúng ta không cần phải sản xuất ra một sản phẩm công nghệ cao cụ thể mà nên là nơi tham gia sản xuất các sản phẩm từ TPHCM. Đây là cái quan trọng nhất.

Do vậy, đến thời điểm này, TP không nên là nơi tiếp tục mở rộng các khu mới mà cần là nơi tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp của người dân cả nước và cả quốc tế. Việc tạo ra cái mới từ khởi nghiệp thì không cần nhiều đất, không cần lấy đất lúa để mở khu công nghệ. Có thể thấy, khá nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã thành công tại đây. 

Thứ hai, quyết tâm không để TP phát triển hướng tâm, không nên thấy chỗ nào còn trống thì xây ngay một cái chung cư cao tầng. Các địa điểm đã quy hoạch như khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc thì phải làm cho bằng được. Muốn làm được thì điều đầu tiên là phải kết nối giao thông.

Để giải bài toán kinh tế đô thị TPHCM thì phải kiên trì giải pháp phát triển vùng đô thị TPHCM. Vùng đô thị này đã được quy hoạch từ nhiều năm qua nhưng đến nay chẳng ai làm. Nếu chúng ta làm một con đường nối quận 2 sang Cát Lái đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) thì đương nhiên khu vực này đã trở thành một quận vệ tinh của TP, giảm áp lực nhiều mặt cho TP. 

Thứ ba, tổ chức lại mô hình quản lý theo chính quyền đô thị. Nếu TP không triển khai để làm thì không bao giờ quản lý hiệu quả. Hiện chúng ta đã có Hiến pháp 2013, có Nghị quyết 54, nên tiếp tục làm. Việc phát triển, đô thị hóa, sử dụng quỹ đất, chúng ta chưa tạo ra nền tảng.

Từ mấy chục năm trước đã có chủ trương phát triển đa trung tâm, nhưng nay vẫn chỉ tập trung vào khu đất vàng. Hay, chúng ta đưa ra đột phá về phát triển nguồn nhân lực từ năm 2011 nhưng nay vẫn chưa thấy thì vấn đề mới lại phát sinh.

Trong vấn đề thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử song song với truyền thống. Để làm được việc này thì phải thay đổi tư duy quản lý. Lâu nay chúng ta vẫn đang quản lý phát triển trên một hệ quy chiếu cũ, thay vào đó là cần một hệ quy chiếu thông qua công nghệ thay đổi thì mọi thứ phải thay đổi. Vậy nên không nên bàn là phải làm ra một cái gì cụ thể.

Trước đây có ai nghĩ cả thế giới xài điện thoại di động “Made in Vietnam” mang thương hiệu Samsung. Trên thực tế, “Made in Vietnam” không có nghĩa gì cả, vì ta chỉ được chút xíu giá trị trong đó. Nếu chúng ta tham gia được một công đoạn nào đó có giá trị thì sẽ tốt hơn rất nhiều. 

Nếu nhìn vấn đề như trên thì TPHCM còn nhiều dư địa để phát triển chứ không vì những tồn tại mà bi quan.

Các tin khác